Người lùn trăm tuổi

20/02/2015 04:00 GMT+7

(TN Xuân) Cụ ông Hà Một sinh tháng 3.1915. Năm nay ông bước vào tuổi 100, là người sống lâu nhất làng Ngũ Giáp (hay Phong Ngũ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Ông thấp bé chỉ có 1,1 m, không biết chữ, nhưng có những biệt tài mà dân làng nể phục.

(TN Xuân) Cụ ông Hà Một sinh tháng 3.1915. Năm nay ông bước vào tuổi 100, là người sống lâu nhất làng Ngũ Giáp (hay Phong Ngũ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Ông thấp bé chỉ có 1,1 m, không biết chữ, nhưng có những biệt tài mà dân làng nể phục.

Cụ Hà Một - Ảnh: T.Đ.T
Cụ Hà Một - Ảnh: T.Đ.T
Từ nhỏ tôi đã biết ông vì ông là cháu ngoại làng tôi. Cả làng ai cũng biết ông vì suốt thời cơ cực ông đi ở đợ giữ trâu cho nhiều gia đình giàu có... Gần 50 năm nay tôi mới gặp lại ông trong một buổi lễ khánh thành đình làng Ngũ Giáp. Lúc đó ông mặc một bộ áo dài màu đỏ, được giới thiệu lên sân khấu để trao giấy khen và phần thưởng của làng cho tiến sĩ công nghệ nano Võ Văn Chi vừa ở Pháp về. Nhìn ông nhỏ thó, chỉ đứng ngang ngực anh tiến sĩ 27 tuổi, ai cũng xúc động. Võ Văn Chi sau đó nói nghẹn lời: “Được ông Một khen đâu phải là chuyện dễ. Hồi nhỏ cháu từng ngồi nghe ông kể chuyện và rất kính nể vì chuyện chi ông cũng biết, từ cổ chí kim, cháu phục lắm!”.
Sống không tị hiềm, làm việc hết mình và vui vẻ để được sống lâu. Đó là bí quyết của cụ Hà Một.
 
Những người cháu họ của cụ Hà Một cho biết gia đình cụ chẳng có ai thấp bé cả, kể cả những đứa con trai và gái của ông do hai bà vợ đẻ ra đều cao ráo, có người trên 1,7 m! Hai người cháu họ của cụ là anh Hà Cung, một doanh nhân ở Đà Nẵng và anh Hà Ban, Bí thư Kon Tum đều nói: “Có lẽ có sự đột biến gien nào đó khiến cụ thấp bé, cái cơ cực nhiều đời khiến cụ đi ở đợ làm thuê và không biết chữ, nhưng ngược lại số phận cho cụ nhiều tài năng và trí nhớ tuyệt vời”.
Cuối năm, tôi ghé thăm cụ trong ngôi nhà rộng nhìn ra sông ở làng Ngũ Giáp. Cụ đi lại gọn gàng, giọng nói, giọng hát vẫn thanh. Cụ hỏi thăm rất nhiều người ở làng tôi mà đã hơn 50 năm nay cụ không gặp. Cụ nhớ tên tuổi, gốc gác, họ hàng nội ngoại, nghề nghiệp của từng người. Riêng cái làng Ngũ Giáp thì cụ kể: “Từ hồi 1975 đến giờ, tui lo hậu sự và chôn cất cho cả trăm người trong làng ni. Giờ họ nằm chỗ nào bên nghĩa trang, tui cũng nhớ hết”. Trong tộc Hà Đức của cụ ở làng, cụ kể ra những vị quan thời xưa, nào là Đốc học Hà Đằng, Quản cơ Hà Đức Tân và phong trào nghĩa hội, Lang trung Bộ Lại Hà Đức Ý, một vị khoa bảng làm quan dưới 4 triều vua nhà Nguyễn. Riêng “đứa cháu Thu Bồn Hà Đức Trọng” thì cụ nhớ cả thơ: “Ba mươi năm tôi trở về quê mẹ/giật mình khi nhận ra sông/Đứa bé nào kia nhặt thóc trên đồng/như nhặt lại tuổi thơ tôi rơi rụng...” hay: “Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa”...
- Tui nghe mấy đứa đọc thơ nó ngoài xã, vậy là thuộc luôn! - cụ nói hồn nhiên.
Nhưng không chỉ vậy, theo lời cụ: “Hồi xưa, trước chiến tranh, đêm nào cả cái sân ni cũng chật cứng, người lớn con nít ngồi nghe tui hát, tui nói chuyện tiếu lâm. Tui có hai bà vợ, bà nào cũng mê tui hát hay mà về với tui hết. Để tui hát cho nghe hỉ?”. Vậy là cụ cất giọng:
Anh thèm là thèm chả thèm nem
Thèm chi con cá của em mà câu hoài?...
Chỗ mô sơn thủy có thâm
Trên trời trảm phạt cũng chẳng ai cầm cho đặng ngư
Gặp em đây thử hỏi em chừ
Hồ là hồ phong của thổ võ hay hồ tư em bậu đào...
Giọng ông cụ 100 tuổi vẫn thanh rạnh, miệng cười móm mém khi hát đến chữ cuối, rồi hỏi tôi: “Rứa đó, được chớ hỉ?”.
Con cháu cụ Hà Một đều ngang với lớp tuổi chúng tôi. Những lúc gặp nhau và nói chuyện về cụ, họ đều kể: Cụ đi ở giữ trâu, ăn cơm nhà chủ, mỗi năm được hai bộ đồ và được trả hai đồng, tương đương khoảng chục ang lúa. Khi Tây qua, cụ đi phu lục lộ làm đường xe lửa, rồi lên Cầu Đất, Đà Lạt làm đồn điền trồng chè, trồng rau củ. Việc chi cũng làm vì nhà nghèo quá. Cụ không biết chữ nhưng nghe ai nói chuyện, hát hay cụ đều nhớ vanh vách. Những câu chuyện về làng họ cụ nghe ở đình từ các bô lão cách nay cũng hơn 80 năm, vậy mà không quên một chi tiết. Nay đã vào tuổi thánh tuế nhưng các làng lân cận, ai nhờ cúng tế chi cụ cũng giúp. “Cụ cúng, cụ vái đều thiêng lắm ứng lắm, nên con cháu được lộc khá giả”, nhiều người bảo vậy. Còn ở đình làng, bao giờ cụ cũng xuất hiện trong bộ áo dài đỏ, trịnh trọng chúc con trẻ trong làng học hành giỏi giang tấn tài tấn lộc. Cuối những lời mộc mạc đó, bao giờ cụ cũng xin hát một bài hò khoan vui vẻ để tặng bà con...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.