Người lao động thêm 'khiên' khi có sự cạnh tranh về vai trò đại diện

Vũ Hân
Vũ Hân
08/06/2019 09:18 GMT+7

Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để phân định hoạt động của tổ chức đại diện người lao động là trong hay ngoài phạm vi quyền lao động.

Sáng 7.6, thảo luận về việc tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, các đại biểu Quốc hội cho rằng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động khi đã bị thách thức về vai trò đại diện cho người lao động.
Bên cạnh đó, các thể chế pháp luật cũng phải rõ ràng, mạch lạc hơn để xử lý nguy cơ đình công, xung đột trong quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp.

Tổng liên đoàn lao động mất thế “độc quyền”

Đại biểu (ĐB) Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2 điều 26 luật Công đoàn (CĐ) quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) nộp 2% trên tổng quỹ tiền lương cho quỹ CĐ có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức CĐ, vi phạm điều 2 công ước hay không. Cá nhân ĐB cho rằng, đó đương nhiên là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức CĐ, vì NSDLĐ là người nộp CĐ phí. Việc hiện cả chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) đều được coi là đoàn viên CĐ, theo luật CĐ hiện hành, cũng được ông Lợi cảnh báo là hành vi chi phối của NSDLĐ, vi phạm công ước.
Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập công ước để chủ động phương án xử lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho giới chủ, đề nghị phải nghiên cứu tái cấu trúc lại quỹ CĐ vì đã có nhiều tổ chức của NLĐ thì các tổ chức cũng phải được thụ hưởng số tiền này.
“Không thể là quỹ CĐ được, mà tôi đề nghị phải thành lập một “quỹ lao động” hay “quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa” ở VN. Việc quản lý quỹ này cần vai trò của nhà nước, tổ chức CĐ và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện quỹ một cách tốt nhất”, ông Lộc đề xuất.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường (ĐB tỉnh Gia Lai) đồng tình với ĐB Lộc trong việc phải thiết kế lại quy định theo hướng kinh phí 2% đó chia cho các tổ chức đại diện NLĐ, tùy theo số lượng thành viên tham gia. Trong khi đó, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ cùng với Tổng LĐLĐ nghiên cứu việc này và trình QH ở thời điểm thích hợp.

Việt Nam vẫn còn 7 năm trước khi bị phạt thương mại?

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng ngoài những mặt tích cực, việc gia nhập công ước cũng mang lại những thách thức, trong bối cảnh VN là nước đang phát triển, đời sống và việc làm của NLĐ còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là nguy cơ đối mặt với khiếu nại liên quan tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Công ước số 98 là hai hiệp định thế hệ mới, đòi hỏi cơ chế thực thi mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc VN phải sửa đổi pháp luật và xây dựng bộ máy thực thi đầy đủ, sẵn sàng.
Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự liên kết giữa các nhóm xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ. Họ sẽ lên tiếng mạnh hơn khi có các vi phạm liên quan đến thực thi điều khoản trong FTA. Bên cạnh đó, cam kết trong CPTPP và Công ước số 98 cho phép các tổ chức của NLĐ có quyền đề nghị nhận hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo từ các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam. Do đó, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để phân định hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ là trong hay ngoài phạm vi quyền lao động.
“Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập công ước để chủ động phương án xử lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của NLĐ”, ĐB Thạch Phước Bình khuyến nghị và nhấn mạnh việc tổ chức đại diện cho NLĐ ở Việt Nam hiện nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ khi đã có sự cạnh tranh về vai trò đại diện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh khi tham gia Công ước số 98 thách thức lớn nhất là làm sao để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất, nhưng phải giữ vững được quan hệ lao động, cũng như ổn định chính trị và xã hội, nhất là khi chúng ta cho việc ra đời các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, bên cạnh Tổng LĐLĐ.
Về trình tự thành lập tổ chức đại diện của NLĐ, thủ tục gia nhập, thu hồi, đình chỉ hoạt động... của các tổ chức này thế nào cũng như quyền liên kết của các tổ chức trên ra sao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung “xin khất” QH chưa quy định trong luật mà để Chính phủ quy định chi tiết vì ILO không bắt buộc các quy định trên phải nằm trong luật. “Chúng ta phải tận dụng lợi thế là trong vòng 7 năm nếu vi phạm về công ước này chúng ta vẫn không bị phạt thương mại. Đây là một lợi thế rất lớn. Việc thành lập tổ chức đại diện của NLĐ là vấn đề chưa có tiền lệ ở VN, nên rất cần thời gian để chúng ta nghiên cứu, tính toán chặt chẽ, nhưng phải đảm bảo đúng hành lang pháp luật của chúng ta”, Bộ trưởng Dung nói.
Kiến nghị sớm phê chuẩn Công ước 87 về quyền được tự do hiệp hội
Tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Sĩ Lợi bày tỏ thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại về việc VN cần đẩy nhanh tiến độ gia nhập Công ước số 87 về quyền được tự do hiệp hội và quyền được tổ chức và Công ước số 105 về chống lao động cưỡng bức, thay vì để đến 2023. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết VN sẽ “sớm” đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước số 105, dự kiến trình vào kỳ họp đầu năm 2020 của QH. Công ước số 87 về việc thành lập tổ chức thì “cần nghiên cứu kỹ lưỡng” và “nếu nhanh thì năm 2023 phê chuẩn”.
Cần minh bạch khi kiểm toán
Thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chiều 7.6, các ĐB cho rằng cần phải tăng tính độc lập nhưng kèm theo sự minh bạch đối với lực lượng kiểm toán (KT).
Luật KTNN sửa đổi năm 2015 mới có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016, tuy nhiên KTNN cho rằng cần thiết phải sửa, do nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết.
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, việc sửa luật để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác KT và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan... Để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được KT hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả KT, cần sửa đổi lại điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo KT cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công.
Góp ý dự thảo, theo các ĐB, luật nên giao cho KT chức năng được ban hành các biên bản quy phạm pháp luật, đồng thời giao quyền được xử phạt vi phạm hành chính bởi nếu làm là đúng hiến pháp để tăng quyền lực quyền hạn, giải quyết vấn đề tốt hơn chức năng nhiệm vụ KT tài sản công, tài chính công. "Nhưng chúng ta cũng cần có sự minh bạch trong quá trình KT. Có thể thành lập một cơ quan trung gian để KT lại các kết luận của KTNN mà được cho là chưa được. Ở câu chuyện này, đơn vị được KT có quyền khiếu nại", ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đề xuất. Ngoài ra, theo ĐB Sinh, cần làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan, ví dụ như cơ quan KT, cơ quan thanh tra và các cơ quan thanh tra chuyên ngành để tránh tình trạng chồng chéo tại một đơn vị được vào thanh tra, KT, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị được KT để đỡ mất thời gian.
Anh Vũ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.