Người hùng thầm lặng chặn đứng thảm họa tàu lửa lao xuống cầu Ghềnh

23/03/2016 11:00 GMT+7

Ông Hoàng kể: Khi tôi chạy đến hét lớn cầu sập rồi, các anh ngăn tàu lại đi, thì một nhân viên đường sắt nói 'ông giỡn chơi tụi tui hả?'...

Ông Hoàng kể: Khi tôi chạy đến hét lớn cầu sập rồi, các anh ngăn tàu lại đi, thì một nhân viên đường sắt nói 'ông giỡn chơi tụi tui hả?'... 

Ông Hoàng kịp thời báo cho nhân viên đường sắt để ngăn chặn một thảm họa - Ảnh: Xuân ĐứcÔng Hoàng kịp thời báo cho nhân viên đường sắt để ngăn chặn một thảm họa - Ảnh: Xuân Đức
Giữa cái nắng như thiếu đốt, tại đoạn đường ray xe lửa trạm Bửu Hòa (km 1700+174, gần cầu Ghềnh), ông Huỳnh Ngọc Hoàng (47 tuổi, ngụ ấp tân Mỹ, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) kể lại PV Thanh Niên câu chuyện ông đã kịp thời cấp báo để cứu nguy, ngăn không cho đoàn tàu (từ ga Sóng Thần) lao xuống sông Đồng Nai như thế nào.
"Chắc ông bà tổ tiên báo cho tôi biết"
Ông Hoàng kể, khoảng 11 giờ 30 ngày 20.3, ông đang ngồi ăn cơm thì bất ngờ nghe một tiếng động rất mạnh, nhà cửa bị rung lắc. Ông vội bỏ dở chén cơm đang ăn rồi kêu vợ con chạy ra khỏi nhà. Vừa lao ra khỏi nhà (chưa kịp mặc áo), ông ba chân bốn cẳng chạy ngược về hướng cầu Ghềnh. Đến nơi ông bàng hoàng chứng kiến cảnh đường ray bị đứt khoảng 3 mét, nhịp cầu Ghềnh chúi ngược xuống lòng sông.
Sau vài giây trấn tĩnh, ông liền cắm đầu chạy ngược về hướng ngã tư chợ Đồn, nơi có trạm gác chắn xe lửa. Vừa chạy ông vừa la hét, vung tay loạn xạ để nhân viên gác chắn nghe và nhìn thấy.
 “Mới đầu nghe “rầm” một tiếng, tôi tưởng trụ điện nổ chứ không nghĩ là cầu Ghềnh sập”, ông Hoàng chia sẻ - Ảnh: Xuân Đức
Khi ông tới nơi cũng là lúc 3 nhân viên đường sắt đang chuẩn bị kéo gác chắn (ngăn không cho xe máy băng qua đường ray) để chuẩn bị đón đoàn tàu. “
"Khi tôi chạy đến hét lớn cầu sập rồi, nói các anh ngăn tàu lại thì một nhân viên đường sắt nói: ông giỡn chơi tụi tui hả? Tôi nói tôi không đùa. Anh Dũng gác tàu chạy theo tôi về hướng cầu Ghềnh. Đến nơi, anh Dũng tá hỏa liền phất cờ cầm theo trên tay báo hiệu cho đồng đội ra tín hiệu ngăn không cho đoàn tàu vào ga. Khoảng 15 phút sau thì đoàn tàu cũng vừa trờ tới và kịp dừng lại”, ông Hoàng kể.
Ông Hoàng kể tiếp: “Mới đầu nghe “rầm” một tiếng, tôi tưởng trụ điện nổ chứ không nghĩ là cầu Ghềnh sập. Cũng không hiểu sao tôi có linh tính và chạy ngược trở lại vì thực sự lúc đó tôi cũng bị hoảng loạn. Có lẽ ông bà tổ tiên linh thiêng báo cho tôi biết để tôi chạy đi báo tin cứu người”, ông Hoàng chia sẻ.
Non nửa thế kỷ gắn với cầu Ghềnh
Trong căn nhà cấp 4 lụp sụp, ẩn mình trong con hẻm sâu hun hút dưới chân cầu Ghềnh, ông Hoàng vừa rót nước mời khách vừa kể về gia cảnh của mình. Năm nay ông 47 tuổi nhưng nom ông như một ông già, dáng gầy, khắc khổ. Tuổi thơ của ông gắn bó với cầu Ghềnh non nửa thế kỷ với biết bao câu chuyện buồn, vui. Sau khi cha ông mất, ông không theo nghề làm thợ hồ nữa mà làm "thợ đụng" (lao động tự do, ai thuê gì làm nấy - PV).
“47 năm sống gần cầu Ghềnh, tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn đường sắt. Cách nay 10 năm tôi cũng báo cho nhân viên đường sắt ngăn chặp kịp thời một vụ tàu lửa kéo lê xe máy ở khu vực này. Gần đây nhất tôi cũng phát hiện một đường ray xe lửa bị nứt và báo tin cho ngành đường sắt khắc phục”, ông Hoàng cho hay.
Ông Hoàng đứng bên cạnh trạm chắn xe lửa, nơi ông kịp cấp báo cho các nhân viên đường sắt về tai nạn sập cầu Ghềnh - Ảnh: Xuân Đức
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại của ông reo lên. Đầu dây bên kia chính là anh Phạm Tiến Dũng (một trong ba nhân viên gác chắn đường sắt vừa được Công đoàn ngành GTVT khen thưởng vì đã kịp thời báo dừng, giúp đoàn tàu chở hàng không rơi xuống sông). Anh Dũng gọi điện cho biết có mấy nhà báo bên đài truyền hình về quay phim, phỏng vấn ông.
Khi chúng tôi liên lạc hẹn gặp anh Dũng thì  Dũng cho biết “Chính ông Hoàng mới là “người hùng” ngăn không cho đoàn tàu lao xuống sông, còn chúng tôi chỉ là những người có trách nhiệm và bổn phận thực thi nhiệm vụ”.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch UBND phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai xác nhận chính ông Hoàng là nhân chứng đầu tiên và cũng là người kịp thời báo tin cho nhân viên đường sắt ngăn không cho tàu hàng lao xuống sông Đồng Nai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.