'Người hùng cầu Ghềnh': Những chuyện chưa kịp kể

03/04/2016 14:00 GMT+7

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng bộc bạch, khi thấy cầu Ghềnh sập còn xe lửa đang chạy tới, ông cũng sợ lắm, vì nhà ông đang ở ngay đó, lỡ may có chuyện gì thì...

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng bộc bạch, khi thấy cầu Ghềnh sập còn xe lửa đang chạy tới, ông cũng sợ lắm, vì nhà ông đang ở ngay đó, lỡ may có chuyện gì thì...

Ông Hoàng nhớ lại "buổi trưa cầu Ghềnh" đã khiến anh trở thành "người hùng" - Ảnh: Bùi ThưÔng Hoàng nhớ lại "buổi trưa cầu Ghềnh" đã khiến anh trở thành "người hùng" - Ảnh: Bùi Thư
Chiều ngày 29.3, chúng tôi gặp ông Huỳnh Ngọc Hoàng - người đã cấp báo kịp thời, ngăn không cho đoàn tàu đi từ ga Sóng Thần lao xuống sông Đồng Nai vì tai nạn sập cầu Ghềnh - nhân lúc ông được Bộ Giao thông Vận tải khen thưởng.
Ông Hoàng nhận được 5 tấm bằng khen, cả tiền thưởng, rồi cả sự "nổi tiếng" nữa. Ban đầu ông bất ngờ, sau cảm thấy tự hào, hạnh phúc. Số tiền được thưởng ông sẽ dùng cho việc chữa trị căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã đeo bám ông suốt gần hai chục năm.
Ông Hoàng được nhiều cơ quan, đơn vị khen thưởng - Ảnh: Lê Lâm
"Khi chạy đi cứu người thì không thấy đau"
Giữa cái nắng rực lửa, ngồi ở quán nước bên cạnh nhà ga Sài Gòn, ‘người hùng thầm lặng’ Huỳnh Ngọc Hoàng nhớ lại: “Hôm đó cũng nắng vầy nè, tôi nghe tiếng 'đùng' lớn lắm, vội kêu vợ con chạy hết ra khỏi nhà, còn mình chạy về phía tiếng động đó. Tới nơi tôi mới hoảng hồn thấy cầu sập, liền lật đật quay ngược lại báo cho mấy anh gác cổng đang chuẩn bị kéo đường chắn cho tàu tới”.
Đối với ông Hoàng, câu chuyện sắm vai "người hùng"  chỉ có vậy. Sau đó, ông lại trở về với cuộc sống thường ngày, đối mặt với căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã làm ông như bị trói tay trói chân.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa giơ tay đấm đấm vào lưng, kể chuyên ngày xưa làm thợ hồ, bị tai nạn lao động rồi nằm viện sáu tháng. Hồi ấy, bác sĩ dặn ông không được đi làm lại, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ông Hoàng vẫn ‘bang’ đi làm tiếp. Kết quả là bị thoát vị đĩa đệm, không thể mang xách vật gì quá 7 kg hay vận động mạnh.
Ông Hoàng cười hề hề: “Lúc chạy thì không nghe đau, tới lúc về nhà thì nó nhức ghê lắm, phải nằm liền".
Tính ra, mỗi ngày, ông Hoàng phải uống 3 cữ thuốc, không sót bữa nào, suốt mấy chục năm qua. Ông bảo vì không có tiền điều trị nên đành uống thuốc cầm chừng, còn bây giờ thì sẽ đi khám đàng hoàng.
“Bây giờ nhận được tiền thưởng, tôi sẽ mua một cái xe máy và chữa cho khỏi căn bệnh đã hành hạ, khiến tui không đi làm được này. Vợ tui bây giờ là trụ cột chính, vì bệnh nên tui ở nhà làm nội trợ, chăm con”, ông Hoàng hớn hở.
Anh Hoàng (áo trắng) cùng ba nhân viên gác đã có công trong việc ngăn đoàn tàu đâm xuống sông Đồng Nai - Ảnh: Bùi Thư
"Nhà tui ở đó chứ đâu, ai mà muốn chuyện gì xảy ra"
Theo ông Hoàng, vụ sập cầu Ghềnh là tai nạn lớn nhất suốt 47 năm sống ở gần khu vực này mà ông chứng kiến.
“Vụ tai nạn đầu tiên tui thấy là tàu lửa húc vào xe củi văng vào một nhà ở trong xóm vào buổi tối. Lần nữa là đoàn tàu đâm thẳng vào dàn xe taxi cách đây mấy năm. Hôm đó tui chui xuống cầu, xăng nhiễu ướt cả áo. Nên ngán mấy cái tai nạn kiểu đó lắm", ông Hoàng bộc bạch.
Được nhiều người gọi là "người hùng", nhưng với ông Hoàng, ông thấy việc mình làm cũng bình thường, là ai trong trường hợp đó cũng sẽ làm như ông. “Tui không ngờ sẽ được lên tivi, được khen thưởng và được nhiều người biết đến vì không ai muốn có tai nạn nghiêm trọng hay thảm họa gì xảy ra. Tôi làm vậy cũng vì nhà tui ở đó chứ đâu, ai mà muốn chuyện gì xảy ra”.
Chuyện vãn, chúng tôi biết ông Hoàng là người thực tế lắm, ông sẽ quay trở lại cuộc sống chăm con, nội trợ và kiếm công việc bảo vệ ở công ty nào đó để đỡ đần cho gia đình.
“Nhưng tất nhiên là vui chớ khi đi ngang người ta nói ‘Chà! Bữa nay lên tivi, nhận bằng khen oách dữ’”, ông Hoàng cười hiền.
Hiện ông Hoàng tiếp tục theo học lớp dạy chữ của cô Nguyễn Thị Dư cách nhà ông khoảng 10 km. Tuổi đã lớn, nách lại cắp thêm đứa con 3 tuổi rưỡi, ông Hoàng vẫn khao khát được biết con chữ.
Nhớ một lần đi lạc, ông hỏi đường thì bị người ta nói: “Già cái đầu mà không biết chữ nghĩa” nên ông Hoàng sẵn dịp này quyết tâm cắp sách đến trường dù ở tuổi 47.
Ông nói, nhờ được biết đến như "người hùng cầu Ghềnh" mà ông nhận nhiều sự giúp đỡ, thứ mà ông không bao giờ nghĩ đến trong khoảnh khắc quên đau đớn lao đi la hét chặn đoàn tàu.
Nói thế chứ, hôm thấy ông ngồi khép nép giữa bộ bàn ghế sang trọng, nghe lãnh đạo ngành đường sắt dặn dò phải làm gì, nói sao khi nhận bằng khen của Bộ, tự dưng thương ông nhiều hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.