Người đi xin tạng cứu người

27/02/2016 09:40 GMT+7

Là trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu ngày đêm thầm lặng đi xin tạng với hy vọng mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân của mình.

Là trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu ngày đêm thầm lặng đi xin tạng với hy vọng mang lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân của mình.

BS Dư Thị Ngọc Thu đang tư vấn hiến tạng BS Dư Thị Ngọc Thu đang tư vấn hiến tạng
Danh sách những người chờ được ghép tạng luôn lên tới hàng nghìn, nhưng những người hiến tạng chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi năm. Điều này luôn khiến bác sĩ (BS) Thu trăn trở và lo lắng.
Chạy đua cùng thời gian
BS Thu tâm sự: “Việc cho nhận tạng như một cuộc chạy đua với thời gian. Chạy đua một cách dữ dội lắm. Vì những cơ quan nội tạng từ người hiến chết phải lấy ra kịp thời mới có thể sử dụng được”.
Gọi là chạy đua vì ca phẫu thuật cho và nhận tạng phải diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. “Gan từ người hiến đến khi đưa vào người nhận chỉ có thể diễn ra trong 7 tiếng, thận 36 - 72 tiếng nhưng để càng lâu thì chức năng thận sẽ càng xấu, tốt nhất là lấy ra là ghép liền, nói chung là không có thời gian chờ đợi”, BS Thu giải thích.
Chính vì vậy, trong mỗi ca ghép tạng, người điều phối đóng vai trò quyết định và áp lực là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả sau mỗi ca ghép luôn làm BS Thu và cả ekip thở phào.
BS Thu luôn mong muốn mọi người sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạngBS Thu luôn mong muốn mọi người sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng
BS Thu chia sẻ có những hôm ở cả ngày trong phòng phẫu thuật để điều phối ca hiến và nhận tạng, vừa bước ra khỏi phòng phẫu thuật, mặt mày tối sầm vì bỏ bữa. Chưa kịp ăn, nhận được điện thoại có ca hiến tạng người hiến chuẩn bị qua đời nên ê-kíp của BS Thu lại tức tốc lên đường.
“Những lúc như vậy quên luôn cả đói, phải đi tới thật nhanh để cấp cứu cho người hiến. Qua được đó là điều tốt, còn nếu không qua được thì mình cũng kịp nhận tạng để cứu người”, BS Thu cho biết.
Giận mình vì tới quá muộn
BS Thu tâm sự bây giờ và cả sau này, có lẽ trường hợp của bệnh nhân suy tim ở Củ Chi hiến đa tạng nhưng ê-kíp tới không kịp sẽ là trường hợp khiến BS Thu phải áy náy nhất. BS Thu kể: “5 giờ chiều vừa xong ca hiến tạng, người vợ bệnh nhân này gọi tới. Tôi vừa bắt máy thì đầu dây bên kia đã hối hả: Bác sĩ ơi, bác sĩ tới nhanh đi chứ không kịp. Người ổng mềm hết cả rồi”. Đoán có điều chẳng lành, BS Thu và  ê-kíp tức tốc lên đường.
Tuy nhiên, đó lại là giờ mà tất cả các tuyến đường trong thành phố đều kẹt cứng, xe nối đuôi nhau nhích từng chút một. Xuất phát đã lâu, chiếc xe cấp cứu vẫn hú còi inh ỏi nhưng vẫn chưa ra khỏi khu vực trung tâm.
Ngồi trên xe, BS Thu và cả  ê-kíp bụng dạ cồn cào, chuông điện thoại BS Thu lại réo lên cùng giọng người phụ nữ vừa khóc vừa thều thào: “Bác sĩ tới nhanh lên!”. BS Thu đã phải cố gắng bình tĩnh để hướng dẫn người nhà nhồi ngực thật mạnh để tim bệnh nhân đập trở lại.
“Tới nơi, bệnh nhân đã mất được 30 phút, vậy là cứu người không được mà tạng người cũng lấy không xong, tôi giận mình ghê gớm. Đối mặt với nhiều khoảnh khắc sinh tử nhưng có lẽ đây là lần làm tôi day dứt nhất. Nếu không bị kẹt xe, tới sớm hơn được một chút thôi là thêm nhiều người khác sẽ được cứu sống. Nước ngoài luôn có làn đường riêng cho xe cứu thương, nước mình thì…”, BS Thu bỏ ngang câu nói rồi thở dài.
Thầm lặng xin tạng
Trong số 7 trường hợp hiến đa tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2015, ngoài 2 trường hợp đăng ký hiến, thì cả 5 trường hợp còn lại đều là BS Thu đi động viên người nhà.
BS Thu cho biết khi được bác sĩ điều trị báo bệnh nhân ở phòng nào có đe dọa tử vong vì đã chết não rồi thì BS Thu sẽ vào thăm và theo dõi hồ sơ, nếu thấy có khả năng hiến tạng thì chính BS Thu sẽ chủ động hỏi người nhà.
BS Thu chia sẻ: “Việc hiến tạng ở Việt Nam còn rất mới nên để người nhà chấp thuận ngồi nói chuyện với mình trong hoàn cảnh thân nhân của họ đang hấp hối trên giường bệnh cũng khó lắm, việc xin tạng cũng còn gặp nhiều khó khăn”.
BS Thu cho biết công tác vận động hiến tạng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn BS Thu cho biết công tác vận động hiến tạng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn 
Theo BS Thu, công tác vận động hiến tạng còn gặp nhiều khó khăn là do nhiều người nghĩ nếu đăng ký hiến tạng đến lúc bệnh nhân vừa nhập viện sẽ không được các BS tận tình cứu chữa. “Đây là một cách suy nghĩ sai. Vì với tất cả BS, việc cứu người luôn được đặt lên hàng đầu”, BS Thu khẳng định.
BS Thu cũng hào hứng kể về trường hợp vào cuối tháng 11.2015, khi người nhà tự chủ động báo rằng người thân của họ có nguyện vọng hiến tạng. Ngay lập tức, BS Thu cho thẩm định chức năng của các cơ quan. Tuy nhiên, sau khi thẩm định thì phát hiện người hiến có viêm gan siêu vi B đang hoạt động rất mạnh nên không thể nhận được.
“Lúc ấy, người vợ rất buồn và hỏi Không có nhận được cái gì hả bác sĩ? Không có cứu ai được hả bác sĩ, làm mình xúc động lắm”, BS Thu tâm sự.
Gần 2 năm đảm nhận công việc Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BS Thu cùng ê-kíp đã được sống trong niềm hạnh phúc của sự sẻ chia, khi mang lại những cuộc sống mới cho các bệnh nhân của mình. Đồng nghĩa với đó, công việc xin tạng cứu người sẽ vẫn là một thử thách rất lớn đang chờ ở phía trước vì danh sách cần ghép tạng cứ ngày một dài, còn số tạng nhận được chỉ là những con số đếm được trên bàn tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.