Người dân dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào nhà nước để vươn lên thoát nghèo

26/12/2019 06:31 GMT+7

'Tôi rất cảm động khi biết tại một số địa phương có những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều...', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.

Ngày 25.12, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Bộ hoàn thành 100% kế hoạch trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, việc làm cho người lao động được giải quyết ngày càng nhiều hơn (trên 1,6 triệu người, đạt 103,2% kế hoạch); giảm nghèo đạt kết quả tích cực, dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn dưới 4%. Trong số 6.000 hồ sơ người có công tồn đọng, qua hơn 3 năm triển khai đã rà soát, xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận những kết quả của ngành LĐ-TB-XH trong thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là công tác giảm nghèo. “Tôi rất cảm động khi biết tại một số địa phương có những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều. Từ tỉnh khó khăn như Điện Biên, đến những tỉnh rộng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum… đã có những lá đơn xin thoát nghèo. Thậm chí, những ông bà rất già nhưng vẫn viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để dành chính sách cho những người nghèo hơn”, Chủ tịch QH bày tỏ. Theo bà Ngân, những tấm gương này đã thể hiện hiệu quả của những chính sách giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2020, Chủ tịch QH yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu tham mưu và hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Bộ LĐ-TB-XH cần rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để bổ sung hoặc có chính sách mới phù hợp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.