Ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài

18/03/2020 06:06 GMT+7

Việc tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài bắt đầu từ 0 giờ hôm nay (1 8.3 ), kéo dài trong 30 ngày.

Chiều qua 17.3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra trước đó 1 ngày.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là Thủ tướng yêu cầu tạm ngừng cấp thị thực (visa) vào Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 30 ngày, kể từ 0 giờ ngày 18.3. Trong thời gian này, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao… khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính với vi rút chủng mới Corona (SARS-CoV-2) do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và giấy này được Việt Nam chấp thuận. Thủ tướng cũng lưu ý rằng các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.

Nâng mức kịch bản cao

Trao đổi với Thanh Niên vào cuối chiều qua, sau khi ký ban hành thông báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay đây là một kịch bản cao mà Thủ tướng luôn lưu ý Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các ngành phải chuẩn bị để ứng phó với các diễn biến phức tạp.
Việt Nam tạm ngưng cấp visa cho công dân tất cả các nước trong 30 ngày để hạn chế nguồn vào của dịch bệnh Ảnh: Ngọc Thắng

Việt Nam tạm ngưng cấp visa cho công dân tất cả các nước trong 30 ngày để hạn chế nguồn vào của dịch bệnh

Ảnh: Ngọc Thắng

“Ngay sau khi Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về các ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 59, 60, 61, trong đó đáng chú ý là bệnh nhân 61 về từ Malaysia, kịch bản ngừng cấp visa được bàn bạc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 16.3 và Thủ tướng quyết định áp dụng”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết thêm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các nước ASEAN, Thủ tướng cũng lưu ý chuẩn bị các kịch bản cao hơn để chủ động ứng phó, tương tự như việc trước đó chúng ta cũng đã mở rộng dần các nước miễn thị thực, từ 8 quốc gia châu Âu, rồi đến người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ailen rồi rộng ra cả châu Âu.
Tối 17.3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã ra thông báo chính thức về việc sẽ ngưng cấp visa với công dân tất cả các nước trên thế giới. Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo quyết định này tới các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an toàn của người dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.

Cách ly tập trung người đến từ Mỹ, EU, ASEAN

Thông báo ý kiến Thủ tướng của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền cấp xã, phường và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này, bảo đảm cách ly, giám sát đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định. Nghiêm cấm việc kỳ thị người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh. Tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam.
Các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, GTVT xem xét, quyết định vị trí hạ cánh của các chuyến bay từ vùng dịch bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện cách ly người nhập cảnh và các yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế được giao hướng dẫn cụ thể việc tổ chức sàng lọc các trường hợp nhập cảnh từ trên máy bay, kiểm soát về y tế tại các sân bay và xét nghiệm đối với hành khách nhập cảnh. Triển khai rộng rãi việc xét nghiệm, trong đó lưu ý xét nghiệm đối với các trường hợp yếu thế trong xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly. Bộ VH-TT-DL, UBND các tỉnh, TP chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly và giao tư lệnh các quân khu điều phối để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly số lượng lớn. Bộ Ngoại giao chủ trì, cùng các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình dịch tại các nước ASEAN, khu vực và trên thế giới để kiến nghị các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Các bệnh viện T.Ư của quân đội, công an, địa phương đều phải có phương án nóng, chuẩn bị tốt nhất điều kiện và phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Về việc công bố dịch đối với Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ và địa phương liên quan thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng giao Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Đảm bảo năng lực cách ly khoảng 5 - 6 vạn người

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chỉ trong 2 ngày 15 và 16.3, Hà Nội đã tiếp nhận khoảng gần 2.000 trường hợp công dân, người nước ngoài đi từ vùng dịch về (trong đó có 3 chuyến bay ngày 16.3 đã phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, vì sân bay Nội Bài quá tải). Toàn bộ đã được lấy mẫu xét nghiệm ngay khi vừa hạ cánh để sàng lọc sớm những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Có ít nhất 3 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố nhiễm SARS-CoV-2 thuộc những trường hợp được sàng lọc sớm này.
Chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cách ly 5 - 6 vạn người Ảnh: Gia Hân

Chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cách ly 5 - 6 vạn người

Ảnh: Gia Hân

Theo ông Chung, gần đây các chuyến bay trở về từ châu Âu, từ Mỹ và cả các nước Đông Nam Á đều có nguy cơ mang theo dịch bệnh. Hơn 4.000 người trở về Việt Nam từ ngày 14 - 16.3 đều thuộc nhóm nguy cơ cao, tuy đều được đo thân nhiệt, khai báo y tế và lấy mẫu ngay trong ngày, nhưng vẫn chưa loại trừ khả năng có thể phát bệnh trong những ngày được đưa đi cách ly tập trung (tương tự trường hợp bệnh nhân thứ 59 L.T.Q). Do đó, đây vẫn là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch cao, cần cả chính quyền và người dân nhận thức rõ về mức độ rủi ro.
Bên cạnh đó, tuy hơn 3.000 trường hợp trở về các vùng dịch trước đây (chủ yếu từ Hàn Quốc) đã gần hết hạn cách ly 14 ngày và tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính, khiến áp lực cách ly của Hà Nội giảm hơn, nhưng vẫn “chưa an toàn tuyệt đối 100%” bởi vẫn còn những trường hợp cá biệt ủ bệnh đến 27 ngày, dài nhất là 39 ngày mới phát bệnh.
Với việc hạn chế nguồn vào bằng các chính sách nghiêm ngặt vừa được Chính phủ ban bố, Thủ tướng vẫn yêu cầu các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất có khả năng phải cách ly tập trung 5 - 6 vạn người. Riêng tại Hà Nội, Thủ tướng đã giao phối hợp với Bộ Quốc phòng chuẩn bị. Dự kiến các khu vực như Tứ Hiệp, khu nhà ở sinh viên ở Hoàng Mai với sức chứa 2.000 người sẽ được chọn.
Ngoài ra, khu tái định cư Thượng Thanh với sức chứa khoảng 2.000 người cũng đã được Hà Nội chuẩn bị, cùng một số trường dạy nghề ở các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, TX.Sơn Tây; Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Mê Linh… cũng sẽ được sửa sang lại để đảm bảo thu dung bệnh nhân. “Đây chỉ là cách ly phòng ngừa, chứ không phải người bệnh. Đề nghị các quận, huyện phổ biến để người dân yên tâm”, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu.

Hành khách bay quốc nội cũng phải kê khai y tế bắt buộc

Bộ GTVT hôm qua (17.3) đã có văn bản hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Cục Hàng không được giao chỉ đạo các hãng hàng không thông báo đến tất cả hành khách từ các nước thuộc khu vực ASEAN cân nhắc kỹ việc mua vé đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam yêu cầu hành khách là công dân các nước ASEAN, công dân quốc gia đã từng ở hoặc quá cảnh các nước ASEAN trong vòng 14 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Đồng thời, tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc nội cũng phải thực hiện kê khai y tế bắt buộc (hành khách phải kê khai trung thực hành trình của mình trong vòng 14 ngày trước đó) khi làm thủ tục check-in. Đặc biệt, các hãng hàng không phải thông báo và hướng dẫn hành khách sử dụng hình thức kê khai điện tử nhằm hạn chế tối đa sự phiền hà cho hành khách khi thực hiện kê khai y tế bắt buộc. Tất cả hành khách phải kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay.
Cùng ngày, Vietnam Airlines cho biết sẽ tạm dừng thực hiện các chuyến bay giữa Việt Nam và Pháp kể từ đêm 17.3. Cụ thể, hãng sẽ hủy chuyến bay VN11 từ TP.HCM đến Paris (Pháp) ngay trong đêm 17.3. Các chuyến bay những ngày tiếp theo tạm thời dừng khai thác cho đến khi có thông báo mới của nhà chức trách. Các đường bay giữa Việt Nam và Anh, Đức vẫn được duy trì khai thác theo kế hoạch.
Tại Đông Nam Á, Vietnam Airlines tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Malaysia từ ngày 18 - 31.3, do Chính phủ Malaysia phong tỏa biên giới thời gian này. Hãng sẽ xem xét, cân nhắc phương án cắt, giảm các đường bay trong khu vực Đông Nam Á do diễn biến dịch bệnh và các quy định mới của Chính phủ Việt Nam liên quan đến nhập cảnh, cách ly...
H.Mai - Mai Hà 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.