>> Quang Viên

Phú Quốc đang trở thành thiên đường du lịch. Nhiều người dân nơi đây đã giàu nhanh chóng nhờ sốt đất, nhờ “ăn theo” khách du lịch. Nhưng ở những làng chài, đời ngư phủ vẫn lênh đênh.

Mỗi ngày như mọi ngày, tầm 5 giờ chiều, ngư dân Nguyễn Tấn Viên ở làng chài An Thới, Phú Quốc lại chuẩn bị đồ hành nghề câu mực một mình quanh các đảo nhỏ như hòn Thơm, hòn Móng Tay… Nhưng hôm tôi đến, người đàn ông 64 tuổi này phải neo ghe ở nhà vì cơn bão số 9 mang tên Usagi sắp đổ bộ vào khu vực Đông Nam Bộ, khiến vùng biển đảo Phú Quốc cũng ảnh hưởng. Biết tôi cũng là dân gốc Quảng Nam, ông Viên rất vui liền đưa về nhà và tiếp tôi bữa tiệc cá sòng nướng và mực lá tươi roi rói, ngon đáo để.

Ngư phủ Tấn Viên đãi tác giả món cá sòng nướng

Ông Viên cười sảng khoái nói: “Tôi là ngư phủ mồ côi”. Hỏi ra thì mới biết, một mình ông Viên đêm nào cũng độc hành trên chiếc ghe rất bé, mà như ông “phán” là những người yếu bóng vía không ai dám bước lên đó để lênh đênh suốt đêm trên biển. Khi ra bến cảng mục sở thị chiếc ghe neo ở đó, trong cảm nhận của tôi là nếu ra giữa trùng khơi thì chiếc ghe dài độ hơn 5m, rộng khoảng 2m của lão ngư này không khác gì một chiếc… lá tre. Song, vì đã dạn dày sóng gió và cũng vì kế sinh nhai nên với ông Viên những chuyến đi biển đêm “mồ côi” trên “chiếc lá tre” đó rất bình thường.

Lão ngư Tấn Viên (phải), anh Thành Châu và tác giả (ngoài cùng bên trái)

Dù đã lên hàng lão ngư, nhưng nhìn cơ cơ bắp còn săn chắc và nước da đỏ au au của người đàn ông gốc Quảng Nam này, tôi thấy ông vẫn còn sung sức lắm. Ông Viên bảo: “Tôi vào đây lập nghiệp hơn 30 năm rồi. Hồi trẻ thì xông pha đầu sóng ngọn gió ở vùng biển xa, nay thì già rồi nên thủ phận giữ đảo làm nghề câu mực, tối đi sáng về kiếm ít đồng”. Nói là “thủ phận” làm nghề câu mực quanh đảo để kiếm ít đồng, nhưng kỳ thực lão ngư này là một tay sát mực thuộc hàng hiếm có ở bãi Xếp Lớn, An Thới. Tôi hỏi mỗi đêm đi câu thu nhập khoảng bao nhiêu, ông Viên cười hề hề: “Nghề biển cũng vô chừng, nhưng cứ thui thủi cày suốt đêm cũng kiếm được từ 500 ngàn đến 1 triệu”. Ngồi chung trong bàn nhậu, anh Thành Châu trước đây cũng làm nghề biển nhưng đã giải nghệ, đế thêm vào: “Lão này thuộc hàng độc cô cầu bại ở bãi Xếp Lớn ni rồi. Câu mực gần bờ phải có chiêu có mẹo. Mà người có chiêu có mẹo như lão Viên là rất hiếm. Nhiều người thấy lão Viên câu mực gần bờ cũng ngon ăn nên sắm đồ nghề đi câu, nhưng cũng trớt quớt nên rồi phải đi thật xa mới hy vọng kiếm cơm được”.

Trong suy nghĩ của tôi, có lẽ tình cảnh đánh cá, câu mực “cô độc” như lão ngư Nguyễn Tấn Viên thì phải làm gần bờ. Nhưng thật bất ngờ, chỉ riêng ở bãi Xếp Lớn đã có hàng trăm ngư dân cũng đơn thân độc mã trong những chuyến hải hành xa hàng trăm hải lý.

Cũng từ Quảng Nam, anh Bảy vào lập nghiệp ở An Thới từ những năm 1993 và gắn với nghề biển tại Phú Quốc từ đó. Sau nhiều năm nhọc nhằn mưu sinh với nghề biển nhưng không khá nổi, anh quyết “buông chèo” ngược lên đất Tây Nguyên trồng tiêu, điều. Nhưng rồi, ở vùng đất mới cuộc sống anh càng “tiêu điều” hơn vì tiêu, điều phần chết phần mất giá. Một lần nữa anh Bảy lại quay về với biển. Vốn liếng không còn nhiều, vay mượn thêm mới sắm một chiếc ghe nhỏ chiều ngang hơn 2m, chiều dài khoảng 8m, người đàn ông 55 tuổi này lại đặt cược cuộc đời mình cho đại dương. “Hải sản gần bờ cạn kiệt do tàu giã cào, lưới quét hốt hết nên tôi phải một mình chạy hết ga đến những vùng biển xa hàng chục hải lý để câu mực. Vùng biển quen thuộc của anh Bảy nằm sát hải phận Campuchia.

Anh Bảy cho biết, ở Campuchia người ta phân vùng đánh bắt hải sản bằng giã cào, lưới rút rõ ràng nên không tận diệt con mực, con cá như bên mình. Nhờ đó mà dù anh đánh bắt ở sát hải phận của họ cũng được hưởng lợi vì con mực con cá bơi qua, bơi lại biển của mình rất nhiều. Muốn đến được vùng biển để câu được nhiều mực, một mình anh Bảy phải trải qua hành trình 1 ngày 1 đêm. Sau đó thì ở trường kỳ trên biển từ vài mươi ngày đến một tháng mới trở về. Có khi bất thần gặp sóng to, gió lớn thì phải dạt vào những đảo gần nhất để trú. “Đi biển một mình và xa đất liền hiểm nguy luôn rình rập. Nhiều khi thấy cuộc đời hẩm hiu lại nhớ con, nhớ vợ nhưng đã mang cái nghiệp vào thân rồi, không làm lấy gì sống”, anh Bảy tâm sự.

Với những ai chưa sống với nghề biển thì chuyện một mình đi biển xa vời vợi như anh Bảy đã thấy nể rồi. Nhưng ở Phú Quốc, có rất nhiều ngư phủ khác cũng đi biển “mồ côi” như thế với hành trình dài khó tưởng. Ngư dân Nguyễn Thành Châu cho biết: “Tôi từng nhiều năm một mình đi biển xa đến 200 hải lý, chạy suốt 3 ngày 3 đêm mới đến được nơi câu cá, câu mực và lênh đênh trên biển cả tháng trời, có khi hơn thế”. Hầu hết các ngư dân tôi gặp đều cho rằng, vẫn biết chuyện phải đơn thân độc mã giữa biển khơi xa, trên những con tàu nhỏ bé trước biển cả mênh mông và rất yếu sức chịu đựng sóng to gió lớn là rất phiêu lưu, nhưng không làm biển thì chẳng biết làm nghề gì.

Anh Bảy tự thưởng mình bằng món mực tươi sau khi về đất liền

Phú Quốc đang trở thành thiên đường của dân du lịch. Nó cũng là mảnh đất béo bở cho những đại gia vung tiền mua đất đầu tư, đầu cơ rồi ngồi rung đùi hốt bạc. Dĩ nhiên, có một số người dân địa phương cũng đổi đời nhờ những cơn sốt đất…Nhưng, ở những làng chài có lịch sử lâu đời như An Thới, nơi mà phần lớn ngư dân phải sống chen chúc trong những ngôi nhà nhỏ, vẫn phải mưu sinh bằng nghề biển. Biển lộng hết cá, hết mực, họ phải một mình vượt hàng trăm hải lý với hành trình đầy gian khổ, hiểm nguy để “câu cơm”.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Quang Viên

Báo Thanh Niên
28.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.