Ngư dân tố hải cảnh Trung Quốc dọa 'bắn chết': Đúng là bọn cướp biển

Ngư dân Quảng Nam tố hải cảnh Trung Quốc cướp sạch sản phẩm, lương thực, lén bỏ cá vào thùng nước ngọt, dùng dao cắt phá giàn lưới vây và đe dọa sẽ 'bắn chết' nếu không quay tàu vào bờ.

Ngư dân Quảng Nam tố hải cảnh Trung Quốc cướp sạch sản phẩm, lương thực, lén bỏ cá vào thùng nước ngọt, dùng dao cắt phá giàn lưới vây và đe dọa sẽ 'bắn chết' nếu không quay tàu vào bờ. 

Giàn lưới vây bị băm nát - Ảnh: Hứa Xuyên HuỳnhGiàn lưới vây bị băm nát - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Lúc 9 giờ 30 sáng nay (8.3), khi đại tá Văn Ngọc Quế, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đến thăm hỏi và tặng quà cho tàu cá QNa 91939 (tàu cá vừa trình báo bị hải cảnh Trung Quốc cướp phá ngoài biển - PV), ngư dân Võ Quang Thái nói luôn với đại tá Quế: “Chúng tôi mới vừa phát hiện cá ngừ nổi lên ở các thùng phuy đựng nước ngọt. Họ định hủy nước ngọt, không cho ngư dân uống”. 

Chúng không chừa chỗ nào, hốt sạch cá và mực. Anh em tụi tui thức câu cả đêm mỗi được người vài ký mực, tính mang vô bán kiếm thêm vài đồng cũng bị lấy sạch. Đúng là bọn cướp biển!

Ngư dân Trần Thanh Tuấn


Ngư dân Trần Thanh Tuấn (62 tuổi, trú xã Tam Nghĩa, cùng huyện) vẫn chưa hết bực tức: “Chúng không chừa chỗ nào, hốt sạch cá và mực. Anh em tụi tui thức câu cả đêm mỗi được người vài ký mực, tính mang vô bán kiếm thêm vài đồng cũng bị lấy sạch. Đúng là bọn cướp biển!”.
“Quay vào, nếu không sẽ bị bắn chết”
Tàu cá QNa 91.939 công suất 635 CV xuất bến hôm 1.3. Ngư dân Võ Quang Thái (48 tuổi, trú thôn 1, xã Tam Quang), thuyền trưởng kiêm chủ tàu, dự tính chuyến biển kéo dài 20 - 25 ngày nên đã tốn kém hơn 100 triệu đồng tiền dầu, đá lạnh, lương thực…
Nhưng vì sự cố bị các tàu Trung Quốc uy hiếp trưa ngày 6.3, tàu cá của ông Thái buộc phải quay vào bờ. Với 6 ngày đi biển và gần 1 tấn cá ngừ bị cướp mất, chuyến biển đã hoàn toàn trắng tay.
Nhưng mức độ phá hại, theo lời tố cáo của các ngư dân, mới kinh hoàng.
“Lúc đó đúng 12 giờ 30 ngày 6.3, tàu của tôi đang ở tọa độ 15,57 độ vĩ bắc - 111,48 độ kinh đông gần đảo Bạch Quy trong vùng biển Hoàng Sa thì bị 3 tàu Trung Quốc vây lại lấy hết đồ đạc. Tôi biết chính xác tọa độ vì ghi rõ trong hải trình đi lại”, thuyền trưởng Thái vừa nói vừa lật sổ theo dõi.
Chiếc máy liên lạc duy nhất được ngư dân kịp giấu, để thông tin về đất liềnChiếc máy liên lạc còn lại được ngư dân kịp giấu, để thông tin về đất liền - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Hầm chứa gần 1 tấn cá bị khoắng sạchHầm chứa gần 1 tấn cá bị khoắng sạch - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Theo các ngư dân, có 13 cảnh sát biển Trung Quốc xuống ca nô để áp sát tàu cá QNa 91.939, sau đó 11 người lên tàu khống chế các thuyền viên về phía mũi tàu.
Riêng thuyền trưởng Thái bị dồn về phía sau, buộc phải ký vào biên bản (ghi bằng chữ Trung Quốc) nhưng thuyền trưởng Thái cự tuyệt với lý do “tôi không biết chữ này”.
Tiếp đó, những cảnh sát biển Trung Quốc dùng dao cắt phá 17 tay (tệp, cuộn) lưới, đạp phá máy móc, cướp cá và lương thực… trước sự bất lực của các ngư dân.
Chiếc ca nô quay đi quay lại 3 lượt mới “chở” hết các thứ cướp được.
Thuyền trưởng tàu QNa 91.939 khẳng định sẽ lại ra biển sau khi khắc phục thiệt hạiThuyền trưởng tàu QNa 91939 khẳng định sẽ lại ra biển - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Ít nhất có 2 thúng chai, 1 máy Icom, 1 máy dò cá, 1 máy liên lạc gần… đã hư hại, nhưng thuyền trưởng Thái đã nhanh tay giấu bớt 1 máy bộ đàm. Chính chiếc máy này là phương tiện cuối cùng liên lạc với đất liền sau khi các tàu Trung Quốc bỏ đi.
Trước khi bỏ đi, họ viết mấy chữ nguệch ngoạc lên tấm bìa cạc tông, yêu cầu tàu cá Việt Nam phải chạy về phía 180 độ kinh đông hoặc về phía nam. “Nếu không, họ tuyên bố sẽ đâm chìm tàu hoặc bắn chết”, ngư dân Thái kể.
Sửa tàu xong, lại ra khơi!
Ngồi bên cạnh, ngư dân Phan Hồng Huy (29 tuổi, trú thôn 3 xã Tam Hải, cùng huyện) vẫn chưa hết lo sợ.
Anh Huy giơ một đoạn dây bị cắt đứt lên, rầu rĩ: “Đây là lần đầu tiên sau 10 năm đi biển, tôi mới gặp cảnh uy hiếp kiểu này. Bọn chúng cắt hết lưới. Ai cũng sợ”.
Một nhóm khác ngồi phía đuôi tàu, gần hầm chứa cá trống rỗng vì bị cướp, cũng chưa hết lo.
“Chúng dồn mọi người lên trước mũi tàu, bắt ngồi một đống. Sợ chúng đưa sang ca nô. Không dám thở mạnh”, một ngư dân lớn tuổi nhớ lại. Họ bị nhóm 4 cảnh sát biển dùng roi điện khống chế.
Ngay cả ngư dân Trần Thanh Tuấn, người có thâm niên 15 năm đi biển, cũng ví lần chạm trán này thật sự kinh hoàng, bởi các chuyến trước chỉ bị vây đuổi.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam thăm hỏi, động viên các ngư dân gặp nạn sáng nayBộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam thăm hỏi, động viên các ngư dân gặp nạn sáng 8.3 - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Riêng thuyền trưởng Võ Quang Thái dù tiếc công tiếc của nhưng vẫn cứng rắn.
Vợ thuyền trưởng Thái, chị Đặng Thị Mỹ Nhân (44 tuổi) bật khóc khi nhận tin từ bộ đàm báo về từ ngoài khơi là tàu bị cướp sạch. Chị lo lần này dễ bị... phá sản.
“Nhưng rồi anh ấy lại động viên ngược. Ảnh nói: Còn người là còn của, lo chi!”, chị Nhân nhớ lại.
Thuyền trưởng Thái đi biển từ năm 18 tuổi, “tai nạn” lần này vẫn không khiến anh khiếp sợ và khẳng định khắc phục xong các hư hỏng sẽ lại đi biển.
“Hôm qua ở ngoài biển anh em ngư dân chúng tôi có bàn sơ với nhau, trong vòng 1 tháng sẽ ra khơi. Tôi phải bám biển để làm ăn chớ. Thực tình là chúng tôi cũng sợ bị bất ngờ tấn công, hoặc tông chìm vào ban đêm. Chứ đối mặt thì không sợ. Có cảnh sát biển Việt Nam ở gần đó thì chúng tôi thêm yên tâm”, thuyền trưởng Thái nói.
“Lực lượng chức năng vẫn ở bên cạnh bà con ngư dân”
Sau khi đến thăm hỏi tình hình tàu cá bị nạn sáng nay 8.3, đại tá Văn Ngọc Quế khẳng định: “Các lực lượng chức năng vẫn đồng hành và đứng bên cạnh để bà con ngư dân yên tâm sản xuất. Mỗi khi gặp sự cố, hãy kịp thời thông tin về đất liền. Vụ việc này là chứng cứ trong công tác đấu tranh ngoại giao giữa ta và Trung Quốc”.
Trao tiền hỗ trợ ban đầu của Quỹ Vì những con tàu xa khơi
Trao tiền hỗ trợ ban đầu của Quỹ Vì những con tàu xa khơi - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
Dịp này, đại tá Văn Ngọc Quế trao khoản hỗ trợ ban đầu cho 10 ngư dân với mức 1 triệu đồng/người của Quỹ Vì những con tàu xa khơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.