Ngư dân diện 'tàu 67' chây ỳ có nguy cơ bị kiện

Mạnh Cường
Mạnh Cường
26/10/2019 10:15 GMT+7

Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng nếu hoạt động không hiệu quả thì cần tạo điều kiện để ngư dân cho thuê tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu 67).

Sáng 25.10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan để giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.

Khởi kiện ngư dân chây ỳ, ỷ lại không trả nợ cho ngân hàng

Theo báo cáo của Sở NN-PTNN Quảng Nam, toàn tỉnh hiện nay có 63 tàu 67. Trong đó, 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, hai tàu compotsite. Đáng chú ý, có 6/63 tàu không hoạt động hoặc mất do sự cố thiên tai, tai nạn và nằm bờ.

Đối với 57 tàu đóng mới còn lại, trong quá trình sản xuất, có một số tàu có doanh thu kém, chủ tàu thực hiện cải hoán nghề khai thác để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, còn một số tàu hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng nên không trả được nợ theo cam kết là 550,2 tỉ đồng.

Lý giải các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 67, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cho rằng nguyên nhân chính là khó tìm được chủ tàu mới nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng. Nhiều chủ tàu làm ăn có lãi nhưng chây ỳ, không chịu trả nợ ngân hàng.

Bà Tâm cũng cho rằng đối với các tàu bị cháy, bị chìm thì UBND tỉnh Quảng Nam cần tác động cũng như có văn bản để giải quyết sớm tránh tổn thất… Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế cho phép ngân hàng thương mại cho vay chủ động thanh lý con tàu, thu hồi một phần vốn để giảm tổn thất… “Đối với những ngư dân khai thác có hiệu quả nhưng cố tình cây ỳ, ỷ lại không trả nợ cho ngân hàng, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương các ngân hàng thương mại tiến hành khởi kiện’, bà Tâm nói.

Nên cho thuê tàu 67 nếu hoạt động kém hiểu quả

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Núi Thành (Quảng Nam), cho hay hiện nay toàn huyện có hơn 40 tàu 67 hoạt động. Năng suất khai thác phụ thuộc vào từng loại hình đánh bắt, nhiều tàu khai thác kém hiệu quả chủ động đổi hình thức khai thác.

Ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Về giải pháp chuyển nhượng, ông Sơn cho hay việc chuyển nhượng gặp rất nhiều khó khăn, người nhận lại tàu phải nhận cả nợ gốc, lãi nên không ai dám. Giá trị con tàu đã khác nên cần khoanh nợ lại rồi định giá giá trị con tàu mới có người nhận.

Ngoài ra, ông Sơn cho hay một giải pháp khá mới lạ tại H.Núi Thành là ngư dân đã chủ động thuê tàu 67 của một số ngư dân hoạt động kém hiệu quả ở một số huyện trên địa bàn tỉnh và kể cả TP.TP Đà Nẵng về khai thác.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu chính quyền địa phương (huyện, xã) phải đồng hành cùng ngân hàng, phải chia sẻ với ngư dân để giải quyết các vướng mắc.

Nói về phương án các ngân hàng khởi kiện ngư dân có biểu hiện chây ì, trốn nợ trong khi làm ăn hiệu quả, ông Tùng đồng tình với phương án này nhưng cũng cho rằng không nên làm tràn lan. Những trường hợp họ xoay sở mọi cách nhưng không có khả năng chi trả thì nên cần tạo điều kiện và phải thận trọng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói nên chú tâm vào giải pháp tạo điều kiện cho ngư dân thuê tàu lẫn nhau để ra khơi đánh bắt, tránh tình trạng tàu nằm bờ. “Hình thức cho thuê là cần thiết. Tuy nhiên, thuê như thế nào cho đúng, ngân hàng cho vay không thể đứng ngoài cuộc trong việc chuyển từ ông này sang ông khác”, ông Tùng nói.

Tổng nợ xấu của hoạt động tín dụng của tàu 67 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 215 tỉ. Chiếm khoảng 60% tổng nợ xấu của toàn tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.