Ngồi nhà 'có tất'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
18/03/2020 07:12 GMT+7

Không ít người dân đã bày tỏ sự bất ngờ trước các tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại, nhất là khi họ có thể ngồi nhà để thực hiện các giao dịch.

“Có trải nghiệm mới nghĩ khác”

Làm việc cho một cơ quan nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, anh Lê Công Hội thường xuyên phải di chuyển ở nhiều nước và đa phần tự lái xe. Tháng 2 vừa rồi, khi bằng lái xe của anh hết hạn, anh rất ngại các thủ tục đổi bằng lái xe.
Cực chẳng đã, anh đành gọi điện về Sở GTVT Quảng Bình, nơi anh được cấp bằng lái nhiều năm trước, và thật sự bất ngờ. “Họ hướng dẫn tôi có thể lên mạng để đổi và nhận bằng ở bất cứ đâu”, anh Hội kể. Thế là ngồi nhà, gõ cụm từ “đổi bằng lái xe”, anh được chỉ dẫn tới trang web Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG). “Ngày 5.2, tôi ngồi một chỗ nhập thông tin online (trực tuyến), gửi kèm ảnh hộ chiếu, bằng lái sắp hết hạn và được yêu cầu thanh toán chi phí. Trưa 7.2, một nhân viên bưu điện gọi và mang tới nhà tôi ở Hà Nội tấm bằng lái xe quốc tế. Tôi đã gọi sang Úc, nơi sắp sang công tác thì bên ấy nói bằng của tôi được chấp nhận trong 3 năm”, anh Hội kể và nói thêm:
Đọc báo, xem ti vi, thỉnh thoảng có nghe phàn nàn về thủ tục hành chính, nhưng với việc đổi bằng lái xe qua mạng, tôi thật sự đã nghĩ khác”.
Đổi bằng lái xe là dịch vụ công trực tuyến mới đưa lên 3 tháng nay, nhưng theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đây là 1 trong 3 dịch vụ được nhiều người dùng nhất. Đến 16.3, anh Hội là 1 trong hơn 3.000 trường hợp đổi thành công bằng lái xe trên CDVCQG. Trong khi đó, thông báo hoạt động khuyến mãi là dịch vụ có số hồ sơ giao dịch lớn nhất với trên 9.200 trường hợp, và cung cấp dịch vụ điện đứng thứ 2 với hơn 6.100 hồ sơ được xử lý.
Tuy nhiên, nếu ai đó nghĩ rằng dịch vụ công trực tuyến chỉ phù hợp với những “công dân IT”, doanh nghiệp, hay các bạn trẻ - như anh Hội, thì trường hợp của bà Phạm Thị Mai Lan sẽ khiến họ nghĩ khác. Đầu tháng 3.2020, bà Lan phải đăng ký cấp điện lại khi tách hộ tại căn nhà ở số 6E Lê Quý Đôn (Hà Nội). Dù đã nghỉ hưu nhưng bà cũng tự mình lên CDVCQG xin cấp điện mới. “Lúc đầu có hơi chật vật, vì họ nói số điện thoại mà tôi đang dùng thì chưa đăng ký làm hồ sơ được. Nhưng trên mạng cũng có số điện thoại tư vấn, họ bảo tôi chuyển qua dùng số sổ bảo hiểm. Hôm thứ bảy tôi vào mạng đăng ký thì thứ hai tuần sau có nhân viên Điện lực Hai Bà Trưng xuống, làm hợp đồng, chụp lại giấy tờ sổ bảo hiểm. Một ngày sau, họ trở lại lắp công tơ, nhà tôi được cấp điện”, bà Lan vui vẻ kể.
Ông Bùi Quốc Hoan, Ban Kinh doanh Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho biết thêm, theo dữ liệu của ngành điện, trường hợp bà Lan là cấp điện ngầm. EVN cam kết với Chính phủ nhiều nhất là 7 ngày nếu làm trực tiếp. Còn khi đăng ký qua CDVCQG thì 5 ngày phải xong. “Ở các điện lực lớn, như Hà Nội và TP.HCM thì chúng tôi thường làm trong 3 ngày, và như nhà bà Lan còn ngắn hơn”, ông Hoan nói.

Nộp phạt giao thông, nhận giấy tờ… tại nhà

Hai ví dụ trên là những câu chuyện tuy nhỏ nhưng rất thực tế mà Thanh Niên trực tiếp ghi nhận được trong số hàng chục nghìn vụ việc được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ của CDVCQG trong 3 tháng qua, kể từ khi 8 dịch vụ (đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mãi; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, dịch vụ cấp điện trung áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử) được đưa lên mạng này.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các dịch vụ công nêu trên không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính và nhận kết quả tại nhà nếu muốn. Ví dụ, với nộp phạt giao thông đường bộ, người dân có thể lựa chọn 2 cách: thanh toán trực tuyến (qua hơn 30 ngân hàng và dịch vụ ví điện tử) và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt. Hai là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.
Còn theo Tổng công ty bưu điện Việt Nam (Vietnampost), từ ngày 13.3, căn cứ trên biên bản xử phạt, người dân chỉ mất khoảng 3 phút để truy cập vào CDVCQG nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện. Người sử dụng có thể chọn hình thức chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát thường. Căn cứ vào địa chỉ nhận giấy tờ và hình thức đăng ký, hệ thống sẽ hiển thị thời gian và mức phí. Như vậy, thay vì mất rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi để nhận lại giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an, giờ đây người vi phạm giao thông chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện. Khi hồ sơ vi phạm giao thông đến hạn trả cho người vi phạm, cơ quan công an sẽ bàn giao cho bưu điện để chuyển trả đến tận địa chỉ người sử dụng đăng ký trên CDVCQG.
Trên 85.900 tài khoản, hơn 24,1 triệu lượt truy cập
Cập nhật của Văn phòng Chính phủ đến 18 giờ ngày 16.3 cho thấy, đã có trên 85.900 tài khoản, hơn 24,1 triệu lượt truy cập và trên 3,162 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái với 14.100 hồ sơ đã được thực hiện qua CDVCQG. Ngoài ra, còn có hơn 6.410 cuộc gọi nhờ hỗ trợ và hệ thống cũng đã tiếp nhận trên 4.610 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng rất cao trong những ngày tới bởi kể từ cuối ngày 13.3, đã có thêm 11 dịch vụ công trực tuyến được cập nhật lên CDVCQG, gồm: nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận); nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy (thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM); đăng ký khai sinh tại 45 tỉnh, TP; cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, TP; nộp thuế cá nhân; nộp thuế doanh nghiệp; nộp thuế môn bài; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung tờ khai hải quan; đăng ký cung ứng hợp đồng lao động; đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.