>> Như Lịch

Lúc mới quen, nàng đã hay tin chàng bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Dù gia đình và cả chàng ra sức ngăn cản, nàng vẫn nhất quyết gắn bó với người mình yêu. Lúc đó (đầu năm 1999), nàng 20 tuổi và chàng 28 tuổi...

20 năm trôi qua, do biến chứng bệnh tật, chàng bây giờ bị khuyết một chân, phải ngồi xe lăn. Nhưng tình yêu của nàng dành cho chàng vẫn vẹn tròn như thuở nào... Mặc số phận trớ trêu, những mối tình “kỳ lạ” như thế vẫn hiển hiện trên đời.

3 giờ 30 sáng 27.11, chiếc taxi dừng trả khách gần cổng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM). Từ trên xe, cô vợ nhỏ nhắn dìu người chồng bị cụt một chân. Chị sửa lại cổ áo cho chồng trước khi đẩy xe lăn đưa anh vào khoa thận nhân tạo phía trong. Cứ ba lần/tuần, chồng chị đều đến đây chạy thận ca 1 (bắt đầu từ 4 giờ - 8 giờ).

Tình cảm son sắt của chị Lê Kim Liên dành cho người chồng PhạmVăn Hợi – người đã chạy thận 20 năm nay

Đó là đôi vợ chồng Lê Kim Liên (quê ở H.Đức Hòa, Long An) và Phạm Văn Hợi (H.Tứ Kỳ, Hải Dương) hiện ngụ Q.12, TP.HCM. Theo chị Liên, hai người quen nhau cách đây 20 năm. Hồi ấy, anh Hợi là công nhân Công ty đường Biên Hòa (từ khi chạy thận, anh đành nghỉ việc). Còn chị Liên làm ở một công ty Nhật chuyên may áo kimono.

“Mình biết ảnh bệnh, nghĩ đơn giản bệnh này chữa trị rồi sẽ hết. Nhưng sau khi tìm hiểu về căn bệnh, mình càng thông cảm và thương ảnh nhiều hơn”, chị Liên hồn hậu kể.

Ngày nọ, chị Liên “đánh bạo” theo anh Hợi vào phòng chạy thận. Tận mắt thấy hai cây kim rất to xuyên qua da thịt người yêu cùng những sợi dây chứa đầy máu, Liên gần như ngất xỉu vì sốc và xót xa.

Khi quyết định gắn bó cuộc đời cùng anh Hợi, chị Liên chịu nhiều áp lực bởi sự ngăn cản của người thân. Đặc biệt, anh Hợi cũng nhiều lần... bàn ra: “Em hãy chọn người khác. Người vợ nào cũng muốn sinh con đẻ cái, được chồng chăm sóc chu đáo nhưng anh đã thành phế nhân; lấy anh, em sẽ rất khổ, chắc chắn không có tương lai đâu!”. Nhưng không có gì lay chuyển được chị Liên vì “hạnh phúc là được sống bên anh, cùng lo cho sức khỏe của anh. Anh khỏe ngày nào là em vui ngày đó”.

Năm 1999, hai người về chung mái nhà. Anh Hợi chủ động tự lái xe máy đến BV để vợ có thời gian đi làm. Đến tháng 9.2018, do viêm tắc động mạch, anh bị hoại tử phải cắt bỏ một chân. Từ đó, chị Liên luôn theo sát anh Hợi “trên từng cây số”. Ngoài tiền chạy thận, thuốc men (4 - 5 triệu đồng/tháng), nay họ phải trả thêm khoản taxi phát sinh (hơn 4 triệu đồng/tháng)... Tuy được gia đình anh Hợi hỗ trợ phần nào, hai người cũng gặp nhiều khó khăn bởi tổng chi phí lên đến gần 15 triệu đồng/tháng.

“Tôi bị bệnh này khi còn quá trẻ, tuổi xuân phơi phới chưa làm được gì, nên cảm thấy căng thẳng, đôi khi bế tắc và đau đớn không chịu nổi, tôi muốn chết cho xong... Bù lại, tôi có người vợ chung thủy đồng hành suốt 20 năm nay, kể cả lúc bệnh tình ngày càng trầm trọng. Đấy là món quà quý giá, là điểm tựa cho tôi bám víu”, anh Hợi cảm kích.

Tôi buột miệng hỏi: “Có bao giờ chị hối hận về quyết định của mình?”. Chị Liên thẳng thắn: “Chặng đường đã qua đúng là gian nan, chông chênh vượt quá sức tưởng tượng của mình trước đây. Dù vậy, tôi hài lòng với lựa chọn của mình vì ảnh sống rất tình cảm, có nghị lực và trách nhiệm”.

Khoảng 4 năm nay, anh Lê Chí Công (35 tuổi, quê Bến Tre) và chị Lý Thu Hạnh (cũng 35 tuổi, quê Trà Vinh) được một số bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy đặt cho những biệt danh: Cặp đôi... hoàn cảnh, Cặp đôi chạy thận.

“Cặp đôi chạy thận”Lý Thu Hạnh – Lê Chí Công

“Tình cảm tụi mình xuất phát trong khi chạy thận, đồng cảnh ngộ mà đến với nhau”, anh Công vừa nói vừa nhẹ nhàng đan tay với vợ như để động viên, bởi chị còn e ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Trên cánh tay của họ đầy các cục u sần, “vết tích” của những năm tháng chạy thận nhân tạo.

Chị Hạnh đã chạy thận 13 năm, còn anh Công 7 năm. Hai người từng lập gia đình riêng nhưng đều gãy gánh. Chị Hạnh thổ lộ: “Chồng đưa em tới BV chạy thận vài tháng rồi bỏ đi lấy người khác. Vợ anh Công đối xử với ảnh cũng y chang... Tụi em ở vậy một thời gian mới biết nhau. Ban đầu thấy đồng cảm, đứa nào cũng dễ thương, cũng khổ nên làm bạn an ủi, giúp đỡ nhau”. Nghe vậy, anh Công cười hì hì, bổ sung: “Cổ không khỏe mình lo, mình không khỏe cổ lo, lo qua lo lại. Chủ yếu là về tinh thần thôi chứ mắc bệnh này, tụi mình không nghĩ gì đến chuyện con cái”.

Sau mâm cơm ra mắt đơn sơ, hai người dọn về ở chung. Hiện nay, họ thuê chỗ trọ ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM và mưu sinh bằng việc mua nước đá ở nhà máy rồi giao lại cho mấy quán cà phê. “Người đang chạy thận không nên làm các việc nặng nhọc, vì sẽ mau xuống sức. Nhưng giờ mình không làm, lấy tiền đâu để tiếp tục chạy thận? Phải ráng thôi! Tôi đã đăng ký xin ghép thận, mong được ai đó hiến thận để có sức khỏe lo cho gia đình”, anh Công tâm sự.

Hằng tháng, vợ chồng anh Công thanh toán gần 10 triệu đồng các chi phí dịch vụ liên quan đến chạy thận nhân tạo và điều trị ngoài bảo hiểm y tế. Cạnh đó, khoản nhà trọ và điện nước (3 triệu đồng/tháng), ăn uống... khiến họ phải “xoay như chong chóng” để kiếm tiền.

Trên cánh tay của họ đầy các cục u sần, “vết tích” của những năm tháng chạy thận nhân tạo.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có những khoảng lặng, nét lo lắng, thậm chí cả giọt nước mắt... đến từ “cặp đôi hoàn cảnh”. Tuy nhiên, điều đọng lại trong tôi chính là suy nghĩ tích cực của họ. Nhắn nhủ với những bệnh nhân mới bước vào “con đường chạy thận”, chị Hạnh tâm tình: “Phải biết tự chăm sóc mình, đừng để bản thân suy sụp. Nói thiệt, bệnh nó vật em nhiều trận lắm rồi, nhưng nhờ lạc quan yêu đời, nhờ mẹ và ông xã chăm sóc, em khỏe lên. Người phụ nữ mà em cảm ơn nhiều nhất là mẹ em...”.

Cũng như chị Hạnh, anh Công bổ sung, phải ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, đừng nên “rầu bệnh”, nếu không huyết áp dễ lên xuống thất thường, gây nguy hiểm đến tính mạng. “Mình sống được ngày nào hay ngày đó, cứ vui lên! Có như vầy mới hy vọng vượt qua nghịch cảnh”, anh Công đúc kết. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm nhựt |  Ảnh: Như Lịch, K.L

Báo Thanh Niên
28.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.