Nghiên cứu cho Đà Nẵng, Hải Phòng cơ chế đặc thù

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/01/2019 08:41 GMT+7

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng, TP.Hải Phòng.

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng, với TP.Hải Phòng cũng cần nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đột phá, đặc thù đặt trong mối tương quan hợp lý với các TP lớn khác trong cả nước.
Đó là những điểm mới rất đáng chú ý tại hai nghị quyết 43-NQ/TW và 45-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng và TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Cụ thể, tại Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tổng quát của TP.Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên… Cụ thể, chỉ tiêu tốc độ bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) giai đoạn 2021 - 2030 trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 - 13,5%/năm; thu ngân sách tăng trên 15%/năm. Đến 2030, GRDP bình quân đầu người theo thời giá hiện hành đạt 8.700 USD.
Để đạt mục tiêu này, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ biển, du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong ASEAN và thế giới. Cần có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Về cơ chế chính sách, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước. Các cơ chế chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, đảm bảo tính tương quan, tương đồng với các TP lớn khác trong cả nước.

Hải Phòng hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025

Tại Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm các TP tiêu biểu ở châu Á.
Cụ thể, đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước khoảng 6,4%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách từ 180.000 - 190.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; thu ngân sách đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD.
Về nhiệm vụ, giải pháp, TP.Hải Phòng cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó các nguồn lực xã hội là động lực quan trọng. TP.Hải Phòng tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay, đặc biệt là các cơ chế chính sách đang áp dụng tại các khu thuơng mại tự do thành công trên thế giới. Bộ Chính trị cũng cho phép TP.Hải Phòng nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù đặt trong mối tương quan hợp lý với các TP.Hải Phòng lớn khác trong cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.