Nghịch lý ở cầu vượt ngàn tỉ

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
12/11/2019 10:01 GMT+7

Công trình đạt nhiều kỷ lục, được chứng nhận chất lượng cao, đã bàn giao sử dụng gần 5 năm qua giúp giải tỏa ùn tắc giao thông, nhưng đến nay cầu vượt Ngã ba Huế (Đà Nẵng) vẫn đang “tắc” ở khoản nợ hơn 2.378 tỉ đồng chưa được thanh toán.

 

BT hay BOT?

Để tháo gỡ vướng mắc, UBND TP.Đà Nẵng đã gửi ý kiến đến bộ ngành liên quan và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn tất thủ tục, thanh toán 33 tỉ đồng cho nhà đầu tư trong năm 2019. Tiếp đó, phần 521 tỉ đồng được bố trí từ 10% dự phòng vốn T.Ư 2016 - 2020 của Bộ GTVT để thanh toán. Khoảng 1.825 tỉ đồng còn lại, đề nghị Thủ tướng xem xét bố trí thanh toán từ nguồn vốn dự phòng chung vốn ngân sách trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 (như đề xuất của Bộ KHĐT)
Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam (goi tắt là Công ty Trung Nam) đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng về việc bố trí vốn thanh toán cho dự án nút giao thông khác mức (gọi tắt là cầu vượt) Ngã ba Huế. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng đã ký văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc thanh toán đối với công trình cầu vượt này (Thanh Niên đã thông tin).
Công ty Trung Nam là doanh nghiệp dự án đại diện cho nhà đầu tư BT ký hợp đồng với UBND TP.Đà Nẵng thi công cầu vượt. Công trình vượt tiến độ, hiện đã đưa vào sử dụng gần 5 năm, bàn giao cho TP.Đà Nẵng quản lý gần 3 năm. Kiểm toán Nhà nước cũng hoàn tất thủ tục kiểm toán từ tháng 1.2018, nhà đầu tư hoàn thiện tất cả thủ tục, nhưng đến nay Công ty Trung Nam vẫn chưa được thanh toán để giải quyết công nợ nhà thầu, quyết toán dự án… “Điều này gây gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư, nhà thầu và ảnh hưởng công ăn việc làm hàng ngàn người lao động, đẩy nhà đầu tư vào tình thế hết sức khó khăn”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty Trung Nam, nói.
Đây cũng là lý do khiến ông Tiến đặt vấn đề: Nên chăng nhà đầu tư đề nghị chuyển dự án từ BT sang BOT để thu phí, thu hồi vốn và trả nợ vay ngân hàng? Hồi tháng 3.2017, nhà đầu tư cũng đã đề xuất như vậy nhưng TP.Đà Nẵng không đồng ý và kiến nghị trung ương. Sau đó, Nghị quyết 71 kỳ họp thứ 6 của Quốc hội ngày 12.11.2018 đã phê duyệt bổ sung công trình cầu vượt Ngã ba Huế vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020. Theo kế hoạch, việc thanh toán trước cho công trình gần 554 tỉ đồng (từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT) đã được Chính phủ giao kế hoạch. Số tiền còn lại theo Nghị quyết 84 ngày 14.6.2019, Quốc hội giao Chính phủ rà soát, có phương án phân bổ, giao vốn bổ sung.

Thiệt hại kép

Theo Công ty Trung Nam, việc chậm thanh toán công trình dẫn đến hậu quả quá hạn các khoản vay mà nhà đầu tư huy động từ ngân hàng SHB. Phụ lục gia hạn thời gian thanh toán chưa ký kết còn dẫn đến dư nợ buộc chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính và kinh doanh của nhà đầu tư và SHB, gây nguy cơ nhà đầu tư không được bất kỳ tổ chức tín dụng nào cho vay kinh doanh. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị T.Ư sớm bố trí vốn thanh toán để giảm lãi vay phát sinh, để tiết kiệm ngân sách Nhà nước sau này, vì nợ càng kéo dài thì lãi vay ngân sách phải trả càng lớn. Do đó, thiệt hại kép không chỉ gây cho nhà đầu tư mà còn chính ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng hồi cuối tháng 10, UBND TP là cơ quan ký kết hợp đồng BT song nguồn vốn thanh toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT. Nên từ ngày 9.1.2019, Bộ KHĐT có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT, trong đó bố trí vốn thanh toán cho cầu vượt Ngã ba Huế. Tuy nhiên, đến nay các kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.