Ngày mai, xử kín vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Phan Thương
Phan Thương
24/06/2019 16:09 GMT+7

Việc xét xử kín vụ án liên quan đến Nguyễn Hữu Linh được tòa quyết định sau khi gia đình bị hại có đơn yêu cầu, đồng thời gia đình cháu bé cũng có đơn xin xét xử vắng mặt cháu.

Dự kiến ngày mai (25.6), TAND Q.4 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, đang cư trú Q.2, TP.HCM) phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Phiên tòa được xét xử kín theo yêu cầu của đại diện hợp pháp của người bị hại. Đồng thời, bố mẹ cháu bé cũng có đơn xin xét xử vắng mặt cháu bé nhằm tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu bé một lần nữa. 
[VIDEO] Xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh vì hành vi dâm ô trong thang máy
Về phần hình sự và dân sự trong vụ án, gia đình người bị hại không yêu cầu gì và đề nghị HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Hữu Linh bị Viện KSND Q.4 truy tố theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Theo cáo trạng, xuất phát từ clip một người đàn ông có hành vi không chuẩn mực với một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy (Q.4, TP.HCM), qua xác minh, điều tra, cơ quan tố tụng Q.4 xác định người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Linh.
Quá trình điều tra, Nguyễn Hữu Linh khai những hành vi không chuẩn mực đó xuất phát từ sự yêu mến cháu bé. Đồng thời, để tránh bị lộ thân phận, ban đầu khi làm việc với ban quản lý chung cư, Linh khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng (CMND số 2003347, cấp tháng 10.2007 tại Công an tỉnh Quảng Nam).
Theo clip phát tán trên mạng xã hội và lời khai của Linh tại CQĐT thể hiện, khi trong thang máy chỉ có hai người, Linh và cháu C. (8 tuổi), thì Linh tiến lại nơi cháu C. đứng, dùng tay phải vịn lên má trái, tay trái Linh cầm điện thoại và hôn bằng mũi lên má phải cháu C. rồi buông ra.
Sau đó, Linh tiếp tục lại dùng tay phải ôm choàng ra sau lưng, đặt tay lên vai trái cháu C. nhưng cháu bé dùng tay phải che mặt lại nên Linh hôn lên trán cháu bé. Đúng lúc này, Linh có điện thoại gọi đến nên bị can chuyển điện thoại từ tay trái sang tay phải rồi buông cháu C. ra, nghe điện thoại.
Sau đó, Linh tiếp tục dùng tay phải ôm choàng từ phía sau vòng ra trước thân người cháu C., đặt tay lên vai trái cháu bé kéo về sau, phần lưng cháu chạm vào thân trước của Linh. Lúc này thang máy mở nên Nguyễn Hữu Linh buông ra, còn cháu bé hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi thang máy. 
Cũng theo cáo trạng, tại thời điểm xảy ra sự việc, cháu C. không đồng ý và rất bực bội vì không quen biết người đàn ông trên mà bị ôm hôn.
Trong giai đoạn điều tra, gia đình cháu C. cho rằng hành vi của Nguyễn Hữu Linh xuất phát từ sự việc yêu quý cháu bé nên ôm hôn chứ không xuất phát từ ý nghĩ xấu xa và cháu C. không tổn hại gì đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển bình thường, giữa hai gia đình có sự quen biết với nhau vì cùng sinh sống chung khu chung cư. Qua đó, gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường, cũng như đề nghị xử lý trách nhiệm gì đối với Nguyễn Hữu Linh.
Quá trình thụ lý hồ sơ vụ án, luật sư (LS) bào chữa cho Nguyễn Hữu Linh cho rằng hành vi của thân chủ mình chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội dâm ô, từ đó LS kiến nghị TAND Q.4 trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Linh cũng cho rằng hành vi của mình chỉ dừng ở mức độ có sai phạm, không phải là phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. TAND Q.4 cũng trả hồ sơ đề nghị Viện KSND Q.4 yêu cầu làm rõ bàn tay trái của ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không. Tuy nhiên, ngay sau khi tòa trả hồ sơ, Viện KSND Q.4 có văn bản trả lời khẳng định cáo trạng đã nêu rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Linh, đồng thời giữ nguyên cáo trạng đã truy tố, hoàn hồ sơ trở lại cho TAND Q.4 để xét xử vụ án theo thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.