Ngành nghề kinh doanh ‘nhạy cảm’ được cấp phép rất nhanh

08/12/2015 20:01 GMT+7

Ngày 8.12, tại phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.HCM khóa 8, vấn đề ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm” và vệ sinh an toàn thực phẩm được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.

Ngày 8.12, tại phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.HCM khóa 8, vấn đề ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm” và vệ sinh an toàn thực phẩm được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.

ĐB Trịnh Xuân Thiều cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh "nhạy cảm" thay đổi giấy phép liên tục cho đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư - Ảnh: Nguyên MiĐB Trịnh Xuân Thiều cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh "nhạy cảm" thay đổi giấy phép liên tục cho đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư - Ảnh: Nguyên Mi
Góp ý về báo cáo tình hình kinh tế, xã hội TP.HCM năm 2015 của UBND TP, ĐB Trịnh Xuân Thiều cho cần phân tích thêm lý do chủ quan của mình, trong đó có việc cải cách hành chính như cấp giấy phép, các thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư có thông thoáng chưa.
“Cái cần thông thoáng thì không thông thoáng. Trong khi các ngành kinh doanh “nhạy cảm” thì lại cấp phép rất nhanh và dễ dàng”, ĐB Thiều nói.
ĐB Thiều dẫn chứng: “Ở Q.Phú Nhuận, có địa điểm kinh doanh chỉ mấy năm mà đổi giấy phép đến 9 lần, có chỗ một năm đổi giấy phép 2 lần và cũng chỉ hoạt động cùng một ngành “nhạy cảm”; có trường hợp đơn vị chưa thực hiện phạt xong thì xuống kiểm tra lại đã thấy có giấy phép khác. Vậy quản lý địa bàn thế nào?”.
ĐB Thiều đề nghị, ngành nào phát triển sản xuất kinh tế phải được ưu tiên, tạo điều kiện thông thoáng để hoạt động nhưng cũng phải hạn chế một số ngành sao cho trong sạch, lành mạnh xã hội.
Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tại Q.Phú Nhuận, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh lĩnh vực “nhạy cảm” thì 15 cơ sở đều vi phạm, thậm chí có nhà hàng còn hoạt động mại dâm tại chỗ. Đặc biệt, có một số trường hợp rút giấy phép nhưng chỉ mấy giờ đồng hồ sau đơn vị đó lại có giấy phép mới.
Về vấn đề cấp phép hoạt động cho các đơn vị kinh doanh, hoạt động các ngành “nhạy cảm”, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, theo luật, hồ sơ của doanh nghiệp chỉ cần hợp lệ là Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư phải cấp giấy phép, chứ không kiểm tra trước khi cấp phép cho doanh nghiệp.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: “Ăn hên xui”
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các đại biểu quan tâm và nêu ra trong kỳ họp HĐND lần này. “Thực phẩm hiện nay giống như ai bán được cứ bán, mua được cứ mua. Ăn vào hên xui…”, ĐB Thiều nhận định. Một số ĐB khác cũng cho rằng, nhiều bệnh, đặc biệt là ung thư hiện tăng cao, một phần vì ảnh hưởng thực phẩm “bẩn”.
Theo hòa thượng Thích Thiện Tánh, chính quyền cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và giao cho một cơ quan quản lý thống nhất chứ giao cho nhiều cơ quan quá thì không biết cơ quan nào có trách nhiệm.
Các ĐB đóng góp ý kiến, Nhà nước, chính quyền TP cần quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, nông dân để hỗ trợ sản xuất thực phẩm sạch. Đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình, công nghệ cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Không thể chỉ đổ hết lỗi cho nông dân.
Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thành Nhân, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tạo nguồn hàng an toàn, ổn định và có thể truy xuất thông tin từ nguồn gốc đến chỗ bán; công bố danh sách các điểm bán thực phẩm an toàn và cập nhật, công bố các chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Các đại biểu cho rằng, ung thư hiện tăng cao, một phần vì ảnh hưởng của thực phẩm “bẩn” - Ảnh: Nguyên Mi
ĐB Trịnh Xuân Thiều đánh giá việc cải cách hành chính hiện nay còn chưa đồng đều, còn cán bộ nhũng nhiễu dân, doanh nghiệp. “Qua kiểm tra, tôi rút ra ở nơi nào “cò” nhiều thì ở đó có vấn đề. Chứ thủ tục thông thoáng, rõ ràng thì người dân công khai đi làm chứ qua “cò” làm gì”, ĐB Thiều nói.
ĐB đề nghị TP cần đánh giá lại việc thực hiện “một cửa, một cửa liên thông” vì nói “một cửa” nhưng chưa thông lắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.