Ngân hàng thế giới khuyến nghị không nên hạn chế xe máy

18/11/2014 14:35 GMT+7

(TNO) Tại hội thảo "Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy" diễn ra sáng nay 18.11, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị “chúng ta không nên hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý”.

Hội thảo do WB và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tại Hà Nội.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, xe máy chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông và là phương tiện chủ yếu của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, xe máy lại là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ tai nạn giao thông. Cụ thể, tai nạn giao thông với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ.

 han-che-xe-may
Xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo WB, dù là phương tiện đi lại phổ biến nhưng hiểu biết của các thành phố về việc quản lý phương tiện hiện còn rất ít. Nghiên cứu của WB được thực hiện bằng cách phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng sở hữu và sử dụng xe máy tại đây.

Ông David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của WB cho biết, theo kết quả nghiên cứu, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững. Người dân cũng không sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại, mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường. Dù 95% người đội mũ bảo hiểm đánh giá an toàn là vấn đề quan trọng, nhưng chỉ 1/4 trẻ em dưới 16 tuổi đội mũ bảo hiểm.

Đáng nói, theo ông David Spice, người dân muốn chuyển sang phương tiện vận tải công cộng, nhưng với điều kiện như hiện nay, rất khó khuyến khích người dân từ bỏ xe máy chuyển sang phương tiện khác.

Các chuyên gia WB cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu xe máy. Bởi theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng ô tô, xe máy mới gây ra vấn đề giao thông ở Hà Nội, chứ không phải do sự gia tăng sở hữu phương tiện. Cụ thể, số km trung bình mà một phương tiện đi được giảm xuống khi số phương tiện/người trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn. “Vì vậy, chúng ta không nên hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý”, WB khuyến cáo.

>> Tai nạn xe máy, 3 người chết
>> Tai nạn xe máy, 4 người bị thương nặng
>> Tai nạn xe máy, cháu bé 8 tháng tuổi nhập viện

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.