Nếu được chiến đấu sòng phẳng, không lý gì báo chí thua mạng xã hội

23/06/2019 05:48 GMT+7

Theo các chuyên gia, để chống lại nạn tin giả, cần áp dụng đồng loạt các giải pháp. Trong đó, không thể “trói” báo chí trong cuộc chiến với mạng xã hội.

Không thể “trói tay”, “trói chân” chống lại tin giả

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng MXH có những nhược điểm lớn, mà tin giả là một trong số đó. Theo TS Dũng, trong cuộc chiến với tin giả, nếu chiến đấu một cách sòng phẳng, không có lý gì báo chí lại thua. “Có người đặt câu hỏi, vì sao có đến 18.000 nhà báo được cấp thẻ mà lại thua MXH? Tôi nghĩ có 2 lý do. Thứ nhất là quy trình kiểm duyệt. Để lên được một cái tin, báo chí phải trải qua quá nhiều quy trình, tức là đã bị “trói tay”, “trói chân” bắt cạnh tranh với MXH vốn tự do hơn nhiều. Thứ hai là báo chí không được giao nhiệm vụ chống lại fake news. Theo tôi hiểu, việc chống fake news trên MXH đang được giao cho một lực lượng khác với kinh phí không nhỏ, nhưng lực lượng đó không có nghiệp vụ”, TS Dũng phân tích.
Cũng theo TS Dũng, để chống lại tin giả, phải áp dụng công cụ pháp luật. Những giá trị được bảo vệ ở không gian vật lý cũng phải được bảo vệ trên không gian mạng. Và sự quản lý của nhà nước là cần thiết. Không thể để cho những người lan truyền tin giả gây hại cho xã hội mà không bị trừng phạt. Tiếp đến là phát huy vai trò tích cực của báo chí, nhưng không phải bằng cách “trói tay” lại và yêu cầu báo chí chiến đấu. Ngoài ra, đạo đức cũng là công cụ vì trên MXH không thiếu những chuyên gia, người tử tế. Những người lan truyền tin giả cần phải bị bóc mẽ, bị tẩy chay.

Người dùng mạng xã hội cũng cần kỹ năng

Còn theo ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã VN, nhiều cơ quan báo chí và các tổ chức độc lập trên thế giới đã xây dựng những dự án kiểm chứng thông tin (fact-check) và hiện đã có đến hàng trăm dự án phục vụ mục tiêu này. Nhiều chương trình được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng truyền thông xã hội cho nhân viên các cơ quan, học sinh, sinh viên để họ trở thành những người dùng MXH có ý thức và có trách nhiệm.
Để ứng phó với nạn tin giả, ông Minh cho rằng, trước hết các cơ quan báo chí phải thận trọng để không mắc bẫy tin giả. Trong cuộc đua tốc độ, không ít cơ quan báo chí đã vội vàng đăng tải thông tin khi chưa thẩm định kỹ nên nội dung không công bằng và cân bằng, thậm chí đăng tải cả những thông tin sai, thông tin giả mạo. Do vậy, đăng tải thông tin trung thực một cách nhanh chóng cũng là một trong những cách phòng ngừa tin giả. Ngoài ra, chính các cơ quan báo chí phải góp phần phát hiện và ngăn chặn tin giả bằng những dự án fact-check giống như nhiều cơ quan báo chí lớn của nước ngoài đang làm. Bản thân các nhà báo cũng phải trở thành những người đi đầu trong việc phát hiện tin giả trên truyền thông xã hội, thay vì coi đó như một hoạt động mang tính chất cá nhân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết, VN luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới; tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm... xuất hiện nhiều trên mạng. Trong khi đó, thực tế cho thấy người dùng mạng ở VN bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt trên mạng... Nói về giải pháp để khắc phục vấn nạn tin giả trên MXH, vị này cho rằng thực trạng tin giả tấn công cộng đồng đang ngày càng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn với các nhà cung cấp dịch vụ và những kẻ xấu. “Người dùng MXH cũng phải có kỹ năng, trách nhiệm cao với mỗi thông tin mình nhìn thấy trên mạng; tránh cả tin, bị lôi kéo và mắc bẫy kẻ xấu. Những người tung thông tin giả, xuyên tạc bịa đặt sẽ bị xử lý hình sự tùy theo mức độ theo đúng quy định pháp luật”, vị này nói.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.