Nên xét xử lưu động hay không?

18/12/2015 14:48 GMT+7

Nhiều ý kiến băn khoăn có thực sự cần thiết xét xử lưu động hay không khi góp phần lan truyền thêm thông tin về phương thức phạm tội. Nhiều vụ như thế sẽ làm "bình thường hoá" tội ác trong tâm lý đám đông.

Nhiều ý kiến băn khoăn có thực sự cần thiết xét xử lưu động hay không khi góp phần lan truyền thêm thông tin về phương thức phạm tội. Nhiều vụ như thế sẽ làm "bình thường hoá" tội ác trong tâm lý đám đông.

Cho rằng bị Dương lôi kéo vào vụ giết người dã man, bị cáo Tiến khóc nấc nhiều lần trước vành móng ngựa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng17.12, hàng ngàn người dân tỉnh Bình Phước và các tỉnh lân cận có mặt tại huyện Chơn Thành để được trực tiếp nhìn mặt của các bị cáo gây ra vụ thảm án, khiến đại gia đình gồm 6 người thiệt mạng.
Trái ngược với hình ảnh trang nghiêm của HĐXX, phía dưới hàng ngàn người ồ ạt xô lấn nhau dành chỗ ngồi đẹp để có thể nhìn thấy mặt bị cáo. Người thì leo cây, chui vào gầm xe ô tô cảnh sát để tránh nắng; người thì la hét, chửi thề; tạo điều kiện cho những tên móc túi chuyên nghiệp hoạt động.
Đến trưa, hàng trăm người đến từ phương xa mang theo bánh mì, bánh chưng, nước uống nghỉ trưa tại chỗ. Thậm chí có những người nằm lê lết trên bãi cỏ dưới cây xanh tránh nắng...

Các bị cáo trước vành móng ngựa. Từ trái qua: Tiến, Dương, Thoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bị cáo cùng lúc chịu hai bản án
Có ý kiến cho rằng, khi dân trí còn thấp thì việc xét xử lưu động là cách giáo dục pháp luật cho người dân. Nhưng thời nay khi xét xử lưu động một vụ án có tính chất man rợ như vụ Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại bị cáo buộc gây ra vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước hay thảm án Nghệ An (cũng có hàng ngàn người dân ở các tỉnh thành đến dự) sẽ tạo sức ép tâm lý không cần thiết, ảnh hưởng đến sự khách quan của Hội đồng xét xử (HĐXX), tạo không khí nặng nề cho gia đình nạn nhân, người chứng kiến và cả bị cáo.
Người dân núp bóng dưới xe công an để tránh nắng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) băn khoăn: Việc đưa vụ án xét xử lưu động là nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung nhưng liệu có đạt được yêu cầu không? Có ai dám bảo đảm sau xét xử lưu động sẽ không còn những vụ án tương tự không?
LS Quynh cho rằng, việc đưa vụ án xét xử lưu động là cách làm phi giáo dục, thiếu tính nhân văn khoan hồng của Nhà nước, vi hiến, xâm phạm đến nhân thân bị cáo khi bản án chưa được kết tội đầy đủ, có hiệu lực pháp luật đối với một bị cáo bị truy tố trước tòa.
“Chưa kể khi một bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động, bị cáo cùng lúc phải chịu tới hai bản án. Cụ thể là một bản án trừng trị theo pháp luật và một bản án là áp lực, tai tiếng dư luận cùng thân nhân gia đình. Một lúc phải chịu hai bản án là nặng nề, thiếu công bằng pháp luật, khi người thân của bị cáo không có tội nhưng phải chịu điều tiếng, áp lực dư luận nhiều hơn, dài hơn khi họ vẫn phải sống và làm việc”, LS Quynh nói.
Bầu chọn
Theo bạn, có nên xét xử lưu động khộng?
LS Quynh dẫn chứng: “Ví dụ như cha mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến, họ sợ dư luận, sợ tai tiếng, sợ người đời dị nghị nên đâu đó trong hàng ngàn người dân hướng mắt về 3 bị cáo trong phiên xử ở Bình Phước cũng có họ. Cha mẹ Tiến không dám ngồi ở hàng ghế của gia đình bị cáo vì sợ bị trả thù, chỉ dám lẫn lộn trong hàng ngàn người dân để nghe con mình khai nhận và chờ phán quyết của tòa. Mấy ai biết rằng, người cha người mẹ ấy gục ngã khi nghe con tuyên án tử”.
LS Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên hội đồng LS toàn quốc cũng nêu ý kiến, những vụ án kinh hoàng xảy ra ở Bình Phước, Nghệ An, Gia Lai, Quảng Trị... chỉ nên xét xử bình thường thì tốt hơn; mức án vẫn vậy nhưng đỡ áp lực tâm lý cho cả HĐXX, bị cáo, gia đình bị cáo và nạn nhân cũng như dư luận.
LS Tám nêu ví dụ, ở các nước phương Tây không xét xử lưu động, thậm chí không cho chụp hình thủ phạm, phòng xử tại tòa, chỉ được vẽ hình bị cáo. Cách này đỡ tổn thương nhiều người. Từ đó, theo LS Tám không nên xét xử lưu động, bởi cách tuyên truyền pháp luật như vậy quá cổ điển.
Trẻ em dự tòa
LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS Long An) cho rằng, nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa chung, tòa án thường hay tổ chức xét xử lưu động những vụ án trọng điểm ở địa phương. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự không quy định hình thức xét xử lưu động mà chỉ quy định là xử kín hay công khai.
Trong số những người xem tòa xét xử, có không ít trẻ em - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo LS Thư, hình thức xét xử này có từ thời kháng chiến, khi mà Ủy ban kháng chiến cần trừng trị bọn phản cách mạng và tuyên truyền pháp luật cách mạng cho nhân dân vùng kháng chiến. Lúc đó chưa có pháp luật tố tụng cũng như chưa có bộ máy tòa án hoàn chỉnh. Nhưng đến nay, khi mà ta đã có bộ luật tố tụng và trình độ, ý thức pháp luật của người dân đã tăng cao thì hình thức này cần phải được nghiêm túc xét lại. Pháp luật không có quy định mà xét xử lưu động là không có căn cứ pháp lý; những hậu quả theo đuổi người phạm tội suốt đời… Họ phạm tội và đã trả giá cho hành vi của mình nhưng sau khi ra tù, họ cũng là công dân và phải bình đẳng như mọi người. Dấu ấn tâm lý để lại và dư luận xã hội khó khăn cho họ có thể hội nhập.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với việc xét xử lưu động như LS Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM). Theo LS Thảo, xử lưu động là một hình thức tuyên truyền, răn đe, cảnh báo đối với người dân trong xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật hay khả năng tự nhận biết hành vi đúng hay sai không phải ai cũng biết, thậm chí nhiều người biết nhưng chưa chắc hiểu quy định đó là như thế nào để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với pháp luật. Vì vậy, thông qua phiên tòa lưu động sẽ góp phần rất lớn đến việc nhận thức pháp luật một cách sâu sắc và mang tính giáo dục cao.
Tuy nhiên, LS Thảo cho rằng, ở các nước phát triển như phương Tây không áp dụng hình thức xét xử lưu động như Việt Nam vì trình độ dân trí của người dân tương đối cao nên khả năng nhận thức của họ về pháp luật là đầy đủ.
Người dân leo lên cây xem xử án mặc cho Cảnh sát cơ động nhắc nhở - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Chỉ có điều bất cập là khi xét xử ở tòa án, quy định không cho phép người dưới 18 tuổi vào phòng xử nhưng xử lưu động như vụ án Bình Phước hay Nghệ An đã có hàng trăm trẻ em tham dự, và chăm chú nghe từng chi tiết hành vi man rợ của hung thủ, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Bởi não trẻ em như tờ giấy trắng, rất dễ tiêm nhiễm những hình ảnh hay những hành vi mà chúng thấy hoặc nghe được. Vì vậy, nếu xử lưu động, cần có biện pháp hạn chế các em nhỏ tham gia để tránh cho các em bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý về sau”, LS Thảo nhấn mạnh.
Video: Bắt 2 đối tượng lợi dụng lộn xộn, chen lấn ở phiên tòa xét xử các bị cáo gây ra vụ thám sát ở Bình Phước để móc túi
Video: Các bị cáo trong vụ "thảm sát 6 người ở Bình Phước" nói lời sau cùng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.