Nên 'vi tính hóa' phòng mạch tư

26/09/2018 07:52 GMT+7

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng phòng khám ngoài giờ là hoạt động góp phần giảm tải ngoại trú các bệnh thông thường cho các BV. Hiện TP có gần 6.000 phòng mạch tư.

Theo ông, việc BS khám bệnh không kê toa mà cho thuốc là vi phạm luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc làm này là BS không công khai, minh bạch với người bệnh. PGS-TS Thượng cũng cho rằng việc không đưa toa hay đưa toa mà bệnh nhân đọc không được sẽ gây nguy cơ uống nhầm thuốc, nhầm liều lượng, rất nguy hiểm. Chính vì không kê toa hoặc kê toa không đọc được dẫn đến dư luận nói BS kê toa thuốc hết hạn dùng, bán thuốc kiếm lời!
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng cần chấn chỉnh việc BS phòng mạch khám bệnh không kê toa hoặc kê toa đọc không được, vì gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu uống nhầm thuốc; BS điều trị sau không biết đồng nghiệp trước cho thuốc gì để điều trị tiếp theo. “Ngành y tế nên có quy định buộc và cần thống nhất toa thuốc vì hiện nay mỗi nơi một kiểu toa thuốc, không ai giống ai về mẫu mã, chữ nghĩa”, theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam.
Ông Thượng cho biết sẽ chỉ đạo giám đốc các BV trực thuộc phải yêu cầu thay đổi nhận thức của các BS đang công tác tại BV tham gia khám, chữa bệnh ngoài giờ. Trách nhiệm chính là của các phòng y tế quận, huyện, phải tăng cường giám sát hành nghề y tư nhân và tăng cường kiểm tra xử phạt. Sở Y tế cũng tăng cường chấn chỉnh việc này.
“Hiện nay bệnh viện đã chuyển đổi, xu thế là các phòng mạch phải đổi. Làm ở bệnh viện được thì chuyển đổi về phòng mạch cũng không khó. Tuy nhiên, để thực hiện rốt ráo thì cần phải có quy định chung của ngành về vi tính hóa phòng mạch tư để dễ thực hiện, giống như việc Chính phủ quy định tất cả nhà thuốc phải kết nối mạng chung để kiểm soát mua bán thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Đã vi tính hóa nhà thuốc thì chắc sắp tới sẽ vi tính hóa phòng mạch tư”, PGS-TS Thượng nói.
Tại hội thảo về sử dụng kháng sinh tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng đã lưu ý không chấp nhận quan niệm “viết xấu như chữ BS”, nhiều BV đã kê toa điện tử để kiểm soát kê đơn và đảm bảo chính xác. Tuy nhiên, với những BV, phòng khám không kê toa điện tử, không kê trên máy tính thì BS phải ghi rõ ràng tên thuốc, hàm lượng, liều dùng để người bệnh, người bán thuốc đều đọc được, biết đúng tên thuốc, hàm lượng... cần sử dụng. Các sở y tế chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố, thông qua thanh, kiểm tra phát hiện các vi phạm để hướng dẫn, chấn chỉnh BS, nhân viên y tế thực hiện đúng quy chế chuyên môn; xử phạt nghiêm nếu không khắc phục.
BS phải chịu trách nhiệm toa mình kê
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nói: Dù khám bệnh kê toa trong BV công, BV tư hay phòng khám tư cũng đều phải tuân thủ quy định về kê toa thuốc như: chỉ được kê toa sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. BS kê tên thuốc chính xác, rõ ràng, dễ đọc để tránh nhầm lẫn khi cấp thuốc trong BV, khi mua thuốc tại các nhà thuốc cũng như khi sử dụng thuốc. BS dù làm ở đâu đều phải thực hiện các quy định về kê toa thuốc và chịu trách nhiệm về toa thuốc do mình kê cho người bệnh. Tại các phòng khám tư, BS không được bán thuốc (nếu không có giấy phép về nhà thuốc), không được xé lẻ bao gói thuốc rồi bán cho người bệnh. Vì nguyên tắc, người bệnh dùng thuốc phải biết chính xác loại thuốc mình dùng, tác dụng, đường dùng, liều dùng cũng như nguồn gốc, hạn sử dụng... Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải được biết các phản ứng không mong muốn.
L.Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.