Nên giúp dân bắc cầu thay vì phạt

23/12/2019 06:21 GMT+7

Đọc bài Bắc cầu vào “ốc đảo”, bị phạt 40 triệu đồng, buộc đập bỏ, bạn đọc cho rằng chính quyền nên hướng dẫn, giúp dân bắc cầu...

Rất nhiều bạn đọc khi đọc bài Bắc cầu vào “ốc đảo”, bị phạt 40 triệu đồng, buộc đập bỏ đăng trên Thanh Niên cuối tuần qua đã bức xúc cho rằng chính quyền nên hướng dẫn, giúp dân bắc cầu thay vì phạt một cách máy móc như thế.

Tạo điều kiện thuận lợi cho dân thì mới là chính quyền giỏi

Như Thanh Niên đã thông tin, trong khu đất anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc) sinh sống còn có gia đình người em ruột. Trước đây, họ đi qua ruộng của dân địa phương để về nhà.

“Tôi hy vọng chính quyền ở đây nên tạo điều kiện cho anh Thiện đi lại, hoặc là giữ lại cây cầu hoặc là làm cách khác, và không nên xử phạt anh Thiện. Người ta nghèo khổ như vậy, đường đi không có, không giúp dân được thì thôi, mà còn phạt họ là không ổn chút nào, cây cầu anh xây nó mang lại lợi ích cho nhiều người mà”.

Hoa Quynh (Long An)

Hai tháng gần đây, chủ đất đã bán phần ruộng này, chủ mới thì không đồng ý cho đi. Lối đi trên bờ ruộng đã bị rào bít, con đường duy nhất ra lộ là phải qua một con kênh. “Người lớn thì dễ dàng rồi, khi cần thì cởi quần áo bơi qua kênh, nhưng tụi nhỏ thì rất khó khăn. Không lẽ năm này tháng nọ phải đi bằng cách đó”, anh Thiện nói.
Cho rằng việc bắc cầu qua kênh không ảnh hưởng đến phương tiện qua lại và thuận lợi cho lối đi chung sau này nên anh Thiện mượn tiền rồi tự ý làm cầu. Theo quyết định của UBND H.Cần Giuộc (Long An), anh Thiện bị phạt hành chính 40 triệu đồng, buộc tháo dỡ chiếc cầu.

“Hãy nghĩ cách tạo điều kiện thuận lợi cho dân thì mới là chính quyền giỏi”.

Nguyễn Phong (An Giang)

Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng việc anh Thiện tự ý bắc cầu là sai, nhưng việc ra quyết định xử lý như thế của chính quyền địa phương là máy móc. BĐ Dương Tần (Vĩnh Long) cho rằng chính quyền địa phương đừng nên vô cảm như vậy. BĐ Lê Hoàng Hùng (Long An) bức xúc: Địa phương phải hiểu nỗi khổ của người dân, thời đại nào rồi mà phải lội kênh để đến trường? Hãy tìm cách tháo gỡ khó khăn này, như vậy mới xứng đáng là lãnh đạo mà Đảng và nhân dân giao phó.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Cẩm Vinh (An Giang) đề nghị địa phương nên xem xét lại. Cần hướng dẫn người dân làm đúng với pháp luật chứ không phải chuyện gì cũng phạt. BĐ Nguyễn Hiền (TP.HCM) đề nghị UBND xã cho giữ nguyên hiện trạng (nếu không ảnh hưởng lưu thông), yêu cầu và đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung hồ sơ thiết kế theo quy định.

“Thay vì phạt, tôi nghĩ địa phương cần có cách ứng xử hợp tình và hợp lý hơn”.

Văn (TP.HCM)

Trong khi đó, BĐ Cường Lý (An Giang) cho rằng anh Thiện nên đề nghị UBND xem xét lại vì gia đình anh không có lối đi và có trẻ nhỏ, mong UBND đừng phá bỏ cây cầu và chỉ phạt nhẹ, vì đây là cây cầu phục vụ cho việc qua lại hằng ngày của gia đình. BĐ Trần Quý Thủy (TP.HCM) “hiến kế”: Đề nghị địa phương nên tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Nếu cây cầu không cản trở giao thông công cộng, không phá vỡ quy hoạch nông thôn, mà tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại thì nên cho tồn tại. Việc xây cầu chưa xin phép, cũng chỉ nên cảnh cáo, nhắc nhở thôi, phạt 40 triệu đồng là quá nặng. Khi chính quyền chưa hỗ trợ được cho dân về đường đi lại để sản xuất, sinh sống, dân tự làm thì nên ủng hộ và tạo điều kiện cho họ. Đừng máy móc quá. Điều gì có lợi cho dân thì nên làm.

Làm sai thì phải phạt !

Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến cho rằng đã làm sai thì phải bị phạt, buộc tháo dỡ. BĐ Bảo Bình (TP.HCM) cho biết: Nếu ai cũng tự ý xây dựng, ai cũng tự ý làm việc mình thích, thì còn ra thể thống gì nữa? Chắc mạnh ai nấy xây, xây tùm lum hết quá. BĐ Nguyễn Tiến Hải (TP.HCM) bình luận: “Nói chung làm sai thì bị phạt, tôi ủng hộ chính quyền. Cần thượng tôn pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.