Nên bắt đầu từ hệ thống dịch vụ công

10/10/2017 08:00 GMT+7

Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nên bắt đầu từ hệ thống dịch vụ công.

Nhiều hoạt động cải cách tổ chức bộ máy hành chính hiện nay chỉ là sự sáp nhập hoặc sắp xếp một cách cơ học các bộ phận, cơ quan để giảm đầu mối mà không bắt nguồn từ xem xét tính hợp lý về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Chuyên gia độc lập về chính sách công Nguyễn Quang Đồng - Ảnh: Cẩm Giang
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công khi trao đổi với Thanh Niên.
Chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thực hiện trong nhiều năm qua nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Có một nghịch lý là càng “cải cách”, bộ máy của chúng ta càng phình to ra. Có 3 vấn đề nổi rõ lên: Thứ nhất, sáp nhập mang tính cơ học. Thứ 2, sáp nhập rồi, nhưng trong từng bộ, ngành, cơ quan lại tiếp tục “đẻ” ra nhiều đơn vị chức năng trong lòng nó một cách không hợp lý. Thứ 3, chồng lấn về chức năng.
Bên cạnh đó, việc “đẻ” nhiều đơn vị “con, cháu” có thể nhìn rõ qua gia tăng số lượng đơn vị chức năng trong từng cơ quan. Ở cấp địa phương cũng “đẻ” thêm nhiều đầu mối, nhưng chồng chéo chức năng. Chẳng hạn, UBND ở nhiều tỉnh có Phòng kinh tế ngành "dẫm chân" lên vai trò cấp Sở. Khi các Sở chuyên môn đề xuất một chính sách lên UBND, phòng này sẽ xem xét, thẩm định trước, sau đó mới trình ra UBND. Trong khi vai trò của Sở sinh ra là để phục vụ UBND trong lĩnh vực chính sách ngành. Vậy nếu đã có Sở, tại sao lại cần Phòng kinh tế ngành? Còn nếu UBND tỉnh đã có phòng này; chức năng làm chính sách, quản lý của sở có còn cần thiết?
Chính những điều này tạo nên sự cồng kềnh, chồng lấn của bộ máy hành chính nhà nước. Không bắt đầu từ nhận thức về chức năng, sắp xếp lại sẽ không hợp lý.
Mọi cải cách sẽ có những lực cản, vậy nên bắt đầu từ đâu?
- Cải cách bao giờ cũng là tiến trình “đau đớn”, sẽ có nhiều lực cản. Sẽ có những nhóm lao động lẫn lãnh đạo trong khu vực công bị ảnh hưởng và họ sẽ phản ứng lại với cải cách. Vì thế, cần tìm một “mắt xích” yếu, nơi “lực cản” cải cách là yếu nhất để bắt đầu. Trong bộ máy nhà nước, bắt đầu từ khối viên chức, từ các đơn vị sự nghiệp công là điểm khởi đầu hợp lý. Từ các tổ chức đoàn thể, nên bắt đầu với các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Với các bộ ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước sẽ là nơi phức tạp nhất. Theo tôi, với nhóm bộ ngành, phải bắt đầu trước từ nhận thức về vai trò nhà nước - vai trò thị trường. Phân vai và nhận thức hợp lý về chức năng trước, sau đó mới có thể nói về tổ chức bộ máy.
Nếu nhận thức một cách sâu sắc về vai trò, chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước cần giao các dịch vụ công cho các đơn vị tư nhân có đủ năng lực theo hình thức đấu thầu một cách công khai. Như vậy, nhà nước chỉ đảm bảo những dịch vụ thiết yếu mà tư nhân không làm được, chứ không phải là để tự chủ hay tự chủ một phần. Còn nếu không tự chủ được thì hãy để cho các đơn vị này phá sản.
Việc cải cách bao giờ cũng nên bắt đầu từ những mắt xích yếu nhất và ít tính phản kháng nhất. Theo tôi, hệ thống cung cấp dịch vụ công mà hiện nay thị trường hoàn toàn có thể tham gia được chính là mắt xích mà chúng ta có thể chọn để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Điều này có vẻ cũng đã được nhận ra nhưng việc thực hiện chưa thực sự quyết liệt.
5 giải pháp cho việc tinh giản biên chế
Trao đổi với Thanh Niên, PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, cần có căn cứ khoa học về tổ chức bộ máy và nêu ra các giải pháp cụ thể trong công tác tinh giản biên chế.
Thứ nhất, phải nắm vững nguyên tắc không phải cơ quan Trung ương có vị trí nào thì địa phương phải có cơ quan đó. Trung ương có nhiều việc phải quản lý ở tầm vĩ mô, hay quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, hiện có thực trạng cấp huyện có bộ máy như thế nào thì cấp xã lại có bộ máy như thế đó, càng xuống dưới cơ sở càng phình to khi phải hứng các dòng chảy công việc từ huyện, tỉnh xuống.
Thứ hai, tính hợp lý của các cơ quan tổ chức cần được xem xét, cơ quan đó ra đời có rõ chức năng nhiệm vụ không. Cần sắp xếp bộ máy trên nguyên tắc từ công việc tìm mô hình và chọn người, chứ không phải từ người để sắp xếp tổ chức.
Thứ ba, cần nghiên cứu một cơ quan làm nhiều việc, chứ bây giờ có hiện tượng nhiều cơ quan cùng làm một việc. Như vậy, sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai làm.
Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta cần khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, đổi mới công tác thi tuyển công chức. Biên chế tăng do tuyển chọn công chức dễ dàng, không theo quy hoạch. Cần nâng cao công tác đánh giá cán bộ công chức khi việc đánh giá thiếu định lượng. Thực tế 86,25% đối tượng thuộc diện tinh giản nhưng thực chất là những cán bộ chỉ còn 2 - 3 năm công tác là nghỉ hưu, chưa loại bỏ được cán bộ có năng lực yếu, kém.
Thiên Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.