Nanogen làm vắc xin Covid-19 như thế nào?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/12/2020 07:15 GMT+7

Sản phẩm vắc xin Covid-19 của Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) đã được Bộ Y tế quyết định cho tiêm thử trên người giai đoạn 1 tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng).

Đây là doanh nghiệp trong nước đầu tiên được chọn tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam.
Ông Hồ Nhân, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Nanogen, cho biết từ tháng 1.2020, khi nghe thông tin xuất hiện virus Corona ở Vũ Hán (Trung Quốc), Công ty Nanogen đã lưu ý theo dõi sát dịch cúm mới này từ xa.
“Một mặt theo dõi sát diễn biến của dịch, một mặt lên kế hoạch nghiên cứu, lấy tiền công ty để mở rộng nhà máy, mua dây chuyền sản xuất. Hết tháng 2 đầu tháng 3, các nước đã bắt đầu nghiên cứu làm vắc xin này và Nanogen cũng nghiên cứu tại thời điểm đó. Trong tháng 3, Chính phủ giao cho Bộ KH-CN tìm, phân công doanh nghiệp nào đủ tiềm lực về con người, nhà máy, hạ tầng để nghiên cứu bào chế ra vắc xin ngừa Covid-19. Mọi thứ đã được chính thức khởi động ngay lúc đó”, ông Hồ Nhân cho biết.
Thế nhưng, phải đến 2 tháng sau, ngày 8.5, Bộ KH-CN mới có Quyết định 1204 phê duyệt “Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch Covid-19”, giao Nanogen đề tài nghiên cứu tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 ứng dụng trong điều trị Covid-19.
Định hướng mục tiêu phải xây dựng được quy trình, chế tạo kháng thể đơn dòng người kháng SARS-CoV-2 và phải đánh giá tính an toàn cũng như hiệu quả ức chế SARS-CoV-2 của chế phẩm kháng thể đơn dòng người… Kết quả phải có 100 liều chế phẩm kháng thể đơn dòng đạt chuẩn cơ sở...

Vắc xin Covid-19 của Việt Nam sắp được tiêm thử nghiệm trên người

Một tuần sau, ngày 15.5, Bộ KH-CN tiếp tục ban hành quyết định, trong đó giao Công ty Nanogen nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể giống virus và tiểu thể nano. Đến ngày 21.5, đề tài nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 của Công ty Nanogen được Bộ KH-CN phê duyệt, giao chính doanh nghiệp tổ chức chủ trì.
Đến nay, ông Hồ Nhân cho hay dự án đầu tư mở rộng 3 nhà máy, mua nguyên phụ liệu, dây chuyền sản xuất làm loạt lô vắc xin ngừa Covid-19 của công ty đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng, nhân sự công ty tập trung làm vắc xin hơn 100 người.
Sau khi được chính thức phê duyệt, trong tháng 5 và tháng 6.2020, Công ty Nanogen tiến hành thử nghiệm vắc xin trên động vật là chuột và khỉ và đã thành công. Ông Hồ Nhân cho rằng Việt Nam bắt đầu nghiên cứu sớm không thua hãng dược nước ngoài nào và “tiến độ làm vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam có thể được đẩy nhanh hơn nữa, không phải đến tháng 12 này mới được thử nghiệm lâm sàng”, nhưng ta làm chậm hơn vì nhiều lý do: Việt Nam không có nhiều ca nhiễm Covid-19 để lấy mẫu, tất nhiên chẳng ai muốn điều này xảy ra. Thứ hai là các quy trình thủ tục hướng dẫn sản xuất, đăng ký sử dụng vắc xin Covid-19 chưa có quy trình cụ thể nên đến tháng 7.2020 mới có cuộc họp hoàn thiện hướng dẫn, làm chậm mất 2 tháng.
Thứ ba, Việt Nam không có một phòng thí nghiệm đủ lớn để thử nghiệm vắc xin trên khỉ, chuột; công ty tại thời điểm đó không thể gửi mẫu ra các phòng thí nghiệm trên thế giới để thử nghiệm vì khắp nơi đều đầy ắp dự án thí nghiệm làm vắc xin ngừa Covid-19.
Công ty Nanogen phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các báo cáo đánh giá khả năng vắc xin mà Nanogen nghiên cứu tạo kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2, cho kết quả tốt. Trên cơ sở đó, chúng tôi hoàn tất hồ sơ gửi trình Bộ Y tế”, ông Hồ Nhân cho biết thêm.

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm về vắc xin

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về điều trị bệnh nhiễm và cũng là chuyên gia về dịch tễ học, cho biết ông rất vui vì vắc xin Việt Nam nghiên cứu đã bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người ở nhóm nhỏ, và sau đó thử nghiệm ở nhóm đông hơn. Theo bác sĩ Khanh, việc thử nghiệm vắc xin thì Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm. Hiện nay Việt Nam đã sản xuất rất nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, như sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan, H5N1... Điều này cũng chứng minh Việt Nam không phải là “tay mơ” trong nghiên cứu sản xuất vắc xin, “cho nên Việt Nam sản xuất vắc xin Covid-19 cũng không lạ”.
Duy Tính 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.