Nâng mức phạt hơn nữa nếu tiết lộ dữ liệu cá nhân trái phép

24/02/2021 06:11 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng cần nâng mức phạt cao hơn nữa so với mức của Bộ Công an đề xuất là 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép.

Đồng tình với Bộ Công an về đề xuất xử phạt từ 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, nhưng nhiều bạn đọc cho rằng mức xử phạt còn nhẹ, cần nâng mức xử phạt để răn đe.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo quy định không tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác trong trường hợp dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm, làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu. Theo đó, dữ liệu cá nhân cơ bản gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, nhóm máu, giới tính, nơi ở, quê quán, trình độ học vấn, dân tộc, quốc tịch; số điện thoại; số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; tình trạng hôn nhân; dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng… Trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ... sẽ bị phạt từ 50 - 80 triệu đồng...

Nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe

“Đã là dữ liệu cá nhân thì phải là riêng tư rồi, ai tiết lộ mà không được phép thì phải phạt nặng. Ngoài phạt tiền, tùy theo mức độ, có thể xử lý hình sự. Ủng hộ dự thảo nghị định”, bạn đọc (BĐ) Âu viết. Nhiều BĐ khác đồng quan điểm ủng hộ, nhưng cho rằng mức đề xuất xử phạt của Bộ Công an còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, bởi việc tiết lộ dữ liệu cá nhân trái phép có thể gây tổn hại khó lường. BĐ bl***@yahoo.com viết: “Đồng ý nhưng mức phạt 80 triệu là quá nhẹ, phải là 180 triệu, hay 12 tháng tù, vì hậu quả có thể không khắc phục được. Nếu tái phạm thì xử phạt gấp đôi”.
BĐ N Phong lại nêu tình huống trường hợp lộ dữ liệu cá nhân nhiều người và cho rằng: “Cần phải tăng mức phạt lên nhiều lần và xử lý hình sự luôn trong trường hợp tái phạm, lộ thông tin nhiều người”. BĐ Dũng cũng đề nghị “điều chỉnh mức phạt thành 80 triệu đồng/khách hàng, lộ thông tin bao nhiêu khách hàng thì cứ thế nhân lên”. Trong khi đó, BĐ Phạm Thu ý kiến: “Phạt nặng và xử lý hình sự mới có thể ngăn chặn được hành vi sai trái”.

Những thắc mắc về tiết lộ dữ liệu cá nhân

Nói về dữ liệu cá nhân cơ bản, nhiều BĐ thắc mắc, đề nghị làm rõ các trường hợp tiết lộ trái phép. BĐ Tùng Quang nêu ví dụ: “Cô ấy ở cùng xóm với tôi. Bạn tôi thấy đẹp, dễ thương nên muốn làm quen, hỏi tôi đủ thứ về cô ấy, gia đình cô ấy... Tôi có được tiết lộ những dữ liệu cá nhân của cô ấy? Nếu không nói thì bạn buồn, còn nói thì có vi phạm pháp luật không?”. Đáp lại, BĐ Hoài Trân cho biết: “Nếu là trước đây, tôi sẽ trả lời “được chứ sao không?”. Còn bây giờ, sau khi đọc xong bài viết này, tôi nghĩ là không...”.
Trong khi đó, BĐ Nhã đề nghị: “Mong Báo Thanh Niên có thêm bài viết giải thích chi tiết hơn như thế nào là dữ liệu cá nhân, như thế nào gọi là tiết lộ, như thế nào là làm thiệt hại do tiết lộ dữ liệu cá nhân... Tôi đọc mà thấy lo lo, không biết mình có từng tiết lộ dữ liệu cá nhân của ai đó chưa? Lo thật”.
Cái chính là phải thông tin rộng rãi nghị định này để mọi người biết rõ dữ liệu cá nhân là gì mà không vi phạm do vô tình tiết lộ. Nhiều người cứ vui miệng, ai hỏi gì cũng nói, vô tình lộ thông tin người khác (ví dụ như số điện thoại, tình trạng hôn nhân, gia đình...). Nguy hiểm quá!
Cẩm Liên
Tôi thấy trên mạng xã hội người ta tiết lộ đủ mọi thứ về cá nhân nào đó mà họ ghét, thậm chí còn truy tìm địa chỉ, điện thoại rồi đăng lên, như vậy có vi phạm không? Chuyện này nhiều lắm.
Kim Xuyến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.