Nâng cấp độ phòng dịch Covid-19: Người dân đến, về Thanh Hóa cần lưu ý những gì?

20/07/2021 20:32 GMT+7

Từ 0 giờ ngày 21.7, người dân đến, trở về tỉnh Thanh Hóa phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 . Chi phí test nhanh do người dân tự chi trả, trừ một số trường hợp cụ thể.

Chiều 20.7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã có công điện mới về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm nâng cấp độ phòng dịch lên cao hơn, trước nguy cơ cao dịch lây nhiễm vào địa bàn tỉnh này.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4) bùng phát cho đến ngày 20.7, ở tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 66 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca tái dương tính, và 55 ca mắc mới.
Cũng tính từ đợt dịch thứ 4 đến hết ngày 19.7, liên quan đến các bệnh nhân Covid-19, các ổ dịch trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã truy vết được 857 người là F1, 7.702 người là F2.

Ngày 20.7: Cả nước 4.795 ca Covid-19, 396 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.322 bệnh nhân mới

Dự báo, trong thời gian tới, sẽ có nhiều người dân đang lao động, học tập ở tỉnh ngoài, đặc biệt là ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về tỉnh Thanh Hóa, do đó, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương, đi đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19

ẢNH MINH HẢI

Từ tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu bắt đầu từ 0 giờ ngày 21.7, tất cả người dân trên địa bàn cả nước khi đến, trở về tỉnh Thanh Hóa phải khai báo y tế để được hướng dẫn, phân luồng và chỉ định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR trong vòng 72 giờ thì phải làm test nhanh kháng nguyên và phải tự trả phí xét nghiệm. Riêng người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 12 tuổi; người thuộc gia đình chính sách; hộ nghèo; thương binh; bệnh binh được miễn phí làm test nhanh.
Đối với người dân trong tỉnh, khuyến cáo người dân không đi đến vùng có dịch; không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; nếu ra khỏi nhà phải thực hiện nghiêm “5K”; không tập trung quá 30 người nơi công cộng.
Đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống trên các tuyến đường QL1A và đường Hồ Chí Minh phải có vách ngăn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người. Hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện tập trung đông người, nếu khi các sự kiện tập trung đông người được tổ chức mà để xảy ra lây nhiễm hoặc xuất hiện các trường hợp F0, F1 thì người chủ trì tổ chức phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, liên quan đến việc sẽ đón công dân ở các tỉnh phía Nam trở vể, hoặc ở các tỉnh thành khác khi người dân có nhu cầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị lập danh sách tất cả những người quê ở tỉnh Thanh Hóa đang lao động, học tập, sinh sống ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân về số lượng người có nhu cầu trở về quê để xây dựng kế hoạch cụ thể.
Trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, cơ quan, các cán bộ, công chức, viên chức… phải nêu gương, đi đầu trong công tác phòng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.