Nằm viện đắt hơn ở resort

23/07/2012 03:05 GMT+7

Dịch vụ y tế tư trong lòng bệnh viện (BV) công ở Hà Nội là một bức tranh không đồng nhất và gây nhiều tranh cãi. Việc ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất công để phục vụ cho một nhóm người bệnh đang có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch và tạo ra sự bất công.

Chị Trần Kim Hoa, Việt kiều Đan Mạch chưa hết bức xúc khi nói về đợt điều trị từ ngày 8-12.7 cho cô con gái 7 tuổi tại Khu Điều trị tự nguyện, BV Nhi T.Ư (Khu A).

Nếu phải bỏ ra gần 5 triệu đồng/ngày để mua một nụ cười thì không đáng. Trong thời gian về Việt Nam tôi cũng đã đi nghỉ resort ở Hải Phòng, Phan Thiết cũng chẳng nơi đâu có cái giá 250 USD/đêm như ở BV... Đây là BV công, họ lợi dụng dịch vụ tự nguyện để móc túi người bệnh như thế là quá thể

Chị Trần Kim Hoa, Việt kiều Đan Mạch

Chị Hoa kể: “Tôi cho cháu nhập viện lúc 11 giờ đêm, nhân viên y tế nói bác sĩ (BS) đang bận mổ. Cả đêm con tôi đau đớn, lên cơn sốt, khóc, mệt, rồi lả, vậy mà họ chỉ cho truyền dịch và uống thuốc giảm đau. Mãi 7 giờ 30 sáng hôm sau, BS mới tới khám, chẩn đoán cháu bị viêm ruột thừa, đã bị loét nên phải mổ gấp nếu không ảnh hưởng tới tính mạng”. Nhưng đến đoạn điều trị mới bức xúc hơn: “Chúng tôi được giới thiệu sang Khu A để mổ. Trước khi mổ, BV yêu cầu phải nộp viện phí trước là 80 triệu đồng. Riêng tiền mổ là 63 triệu. Họ nói con tôi là người nước ngoài nên tiền giường gần 5 triệu đồng/ngày, tổng cộng 5 ngày là 25 triệu đồng. Ngoài ra BV còn thu đủ các loại tiền kèm theo như găng tay, bông băng, băng dính, gạc…”.

Chẳng phải người nước ngoài, nhưng người nhà bệnh nhi L.Đ.M.H (Hoàng Mai, Hà Nội) điều trị viêm phế quản phổi tại Khu A 29 cũng phải thanh toán viện phí lên tới 97 triệu đồng.

Điều khiến nhiều người nhà bệnh nhân từng khám bệnh tại đây bức xúc chính là "chất lượng chưa tương xứng với số tiền bỏ ra". Theo chị Hoa, ở khu điều trị A các nhân viên y tế nhiệt tình và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với lúc mới nhập viện ở phòng cấp cứu. “Nhưng nếu phải bỏ ra gần 5 triệu đồng/ngày để mua một nụ cười thì không đáng. Trong thời gian về Việt Nam tôi cũng đã đi nghỉ resort ở Hải Phòng, Phan Thiết cũng chẳng nơi đâu có cái giá 250 USD/đêm như ở BV. Lẽ ra cháu còn phải nằm thêm vài ngày nữa, nhưng tôi quyết định xin cho ra viện sớm vì càng ở càng thất vọng. Đây là BV công, họ lợi dụng dịch vụ tự nguyện để móc túi người bệnh như thế là quá thể”, chị Hoa bức xúc.

Bình mới rượu cũ

Ngoài việc khám, điều trị “dịch vụ tự nguyện”, chúng tôi ghi nhận tại một số BV còn có dịch vụ “nhiều tiền thì được ưu tiên”.

Chị Nguyễn Thu Hà (Q.Ba Đình) kể, chị đưa người nhà vào BV Việt Đức mổ thoát vị đĩa đệm cột sống. Trong quá trình làm thủ tục tại khu vực đóng viện phí của BV, gia đình được biết tại đây có “dịch vụ mổ nhanh”. Theo đó, nếu đóng 2 triệu đồng “tiền mổ sớm” thì người bệnh sẽ được BS mổ sớm, không phải chờ lâu như các bệnh nhân điều trị bình thường. Chị Hà cho biết: “Dù là mổ nhanh nhưng từ khi chụp, hẹn khám làm thủ tục cho đến khi mổ, vẫn mất khoảng 10 ngày”. Theo chị Hà, như vậy đã là nhanh hơn, vì nếu xếp hàng đợi đến lượt khám theo thứ tự có lẽ phải chờ đến cả tháng. Chị Hà cho rằng, với cơ chế thu tiền “mổ sớm” đồng nghĩa với việc một người bệnh khác có hoàn cảnh khó khăn sẽ phải kéo dài thêm thời gian chờ đợi. 

Nằm viện đắt hơn ở resort
Khu khám bệnh tự nguyện của BV Nhi T.Ư - Ảnh: Thái Sơn

Có mặt tại phòng khám "theo yêu cầu" BV Bạch Mai chiều 13.7, chúng tôi ghi nhận, đã 14 giờ 15 phút “phòng khám giáo sư - tiến sĩ” vẫn đóng cửa, trong khi giờ khám bệnh theo thông báo là 13 giờ 30. Quá sốt ruột, người nhà bệnh nhân phàn nàn với nhân viên y tế thì được mời vào khám. “Thì ra BS ở bên trong, còn chúng tôi ngồi ngoài cứ dài cổ chờ đợi. Mình mất tiền khám BS tốt nhất, vậy mà bà BS mặt khó đăm đăm, chẳng thèm nở một nụ cười chào hỏi bệnh nhân. Đắt mà vẫn phải chờ như thời bao cấp, biết thế này, khám bảo hiểm cho xong”, bác Bùi Thị Thu (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc.

Tháp tùng chồng đi khám viêm khớp, bà Hà Thị Hồng (Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, hai vợ chồng từ nhà đi từ 5 giờ sáng, 7 giờ có mặt tại BV xếp hàng chờ lấy số và phải chờ đến 10 giờ mới đến lượt khám. Tiếp tục chờ đợi thêm vài tiếng đến đầu giờ chiều, chồng bà mới đến lượt chụp X-quang. Và rồi, chờ đợi đến 3 giờ đọc kết quả. “Thế là mất toi một ngày. Tưởng bỏ ra 150.000 đồng khám theo yêu cầu thì đỡ khổ hơn, ai dè cũng có khác gì đâu”, bà Hồng ngao ngán. 

Một BS công tác gần 20 năm tại BV công, nay chuyển sang BV tư nhận xét: khoa khám bệnh tự nguyện trong BV công thực chất là “bình mới, rượu cũ”. Vẫn con người ấy, vẫn cách quản lý ấy, cung cách dịch vụ từ thời “bao cấp” để lại, chỉ có thu tiền là khác.

Một bệnh viện, hai thế giới

Giữa cái nắng nóng oi bức mùa hè, trong khuôn viên BV Đại học Y (phố Tôn Thất Tùng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) dường như bức bối hơn bởi hàng trăm người chen chúc nhau đến khám bệnh. Tại tầng 1 nơi khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm đông nghẹt người chờ đến lượt gọi tên. Nhiều người bệnh phải ngồi bệt xuống sàn nhà vì chờ lâu, không đủ ghế ngồi.

Cách đó không xa chỉ vài chục bước chân, ở tầng 3 của BV - nơi tọa lạc Khoa Quốc tế, mọi người dễ dàng nhận thấy một thế giới khác hẳn. Phòng chờ mát rượi bởi điều hòa, sàn gỗ bóng loáng. Những người bệnh và người nhà đi cùng được mời ngồi trên những chiếc ghế nệm êm ái, lịch sự, lâu lâu lại được y tá mời uống nước, xem tạp chí nếu chưa đến lượt, trẻ em được xem phim hoạt hình qua những chiếc ti vi LCD cỡ lớn. 

Điều tạo ra sự khác biệt giữa tầng 1 và tầng 3 là giá cả dịch vụ. Ở tầng dưới người khám bệnh không có sổ bảo hiểm mất chi phí 70.000 đồng/lần khám, còn ở tầng trên sẽ là 150.000 đồng, không kể tiền xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Theo lễ tân của Khoa Quốc tế, sở dĩ có mức giá chênh lệch như vậy là do ở đây các BS khám đều là tiến sĩ trở lên. Đối với việc xét nghiệm máu, người bệnh sẽ ngồi tại chỗ và được y tá đến lấy để “bệnh nhân đỡ phải đi lại mệt mỏi”...

Thái Sơn - Thu Hằng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.