Nam bộ khô hạn mặn khá gay gắt đến tháng 5

16/02/2019 08:15 GMT+7

Miền Nam, kể cả các tỉnh nam Tây nguyên, thời tiết bắt đầu vào thời kỳ cao điểm mùa khô và còn kéo dài thêm ít nhất từ 2 - 3 tháng tới.

Miền Bắc mưa giông cuối tuần; miền Trung dịu mát
Đề phòng sâu bệnh trên cây tiêu, sầu riêng

Trong hai ngày cuối tuần (16 - 17.2), miền Bắc có mưa giông do một đợt không khí lạnh yếu đẩy rãnh áp thấp xuống miền Bắc nước ta, thời tiết thay đổi đột ngột, mưa bắt đầu từ vùng núi Tây Bắc, sau đó sẽ nhanh chóng mở rộng sang phía đông, vùng núi có nơi mưa vừa mưa to, cần đề phòng giông kèm theo sấm sét, lốc xoáy và gió giật nguy hiểm. Qua tuần sau mưa tan nhanh và thời tiết chuyển rét ở vùng núi, vùng đồng bằng trời lạnh đêm và sáng, ban ngày có nắng ấm, sáng sớm có sương mù xuất hiện khá nhiều.
Mưa giông cũng xuất hiện ở các tỉnh bắc miền Trung, chủ yếu là mưa nhỏ hoặc mưa vừa. Từ Đà Nẵng xuống phía nam thời tiết tốt, không mưa hoặc chỉ mưa rào nhẹ vài nơi về đêm với tiết trời se lạnh, ban ngày nắng ấm. Miền Trung có thời tiết dễ chịu nhất trên cả nước với nhiệt độ dao động 20 - 30oC, tuy nhiên cũng bắt đầu có dấu hiệu cho thấy tình hình khô hạn ngày càng thêm gay gắt, lưu lượng dòng chảy trên các sông cũng như lượng mưa trong mùa vừa qua thiếu hụt nhiều so với trung bình.
Trong khi đó, miền Nam, kể cả các tỉnh nam Tây nguyên, bắt đầu vào thời kỳ cao điểm mùa khô và còn kéo dài thêm ít nhất từ 2 - 3 tháng tới. Do ít có mưa trái mùa, nhiệt độ cao, cường độ bức xạ tăng mạnh nên tình hình nắng nóng sớm hơn bình thường, khô hạn đang ảnh hưởng đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. Thời tiết nắng kéo dài 8 - 10 tiếng mỗi ngày, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh miền Đông từ 34 - 36oC, Bình Phước và Đồng Nai có nơi trên 36oC. Miền Tây 32 - 34oC, riêng vùng gần biên giới có nơi xấp xỉ 35oC. Độ ẩm trung bình hầu hết 65 - 75%, độ ẩm thấp nhất có nơi 40%. Sáng sớm có mù khô xuất hiện khá nhiều, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tăng, mạnh nhất là ở các đô thị và thành phố lớn.
Trong những ngày từ 19 -22.2, triều cường kết hợp với gió chướng sẽ đẩy mặn vào các vùng cửa sông, xâm nhập mặn tăng nhanh. Độ mặn 4%o có thể vào sâu cách cửa sông các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh hơn 40 km, còn ranh mặn 1%o vào sâu 50 - 60 km, ảnh hưởng đến các vùng lúa và vườn cây trái ở ĐBSCL. Do vậy cần chủ động mọi phương tiện và các biện pháp tốt nhất để ngăn mặn, trữ nước ngọt ngay từ bây giờ, vì mùa khô hạn mặn năm nay được dự báo là khá gay gắt cho đến tháng 5.2019. Đối với các vườn cam quýt bưởi, cần theo dõi các đợt giảm nhiệt độ trong nửa cuối tháng giêng và nắng nóng vào đầu tháng 2 âm lịch để có biện pháp tăng cường tưới chống hạn, kịp cho đợt ra hoa đầu vụ, tránh bị rụng trái non khi vào giai đoạn chuyển mùa.
Trong 7 ngày tới, sâu bệnh có khả năng phát triển như trên cây hồ tiêu bệnh chết nhanh, chết chậm, còn trên các vườn điều và sầu riêng bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bệnh khô cành có khả năng gây hại trên diện rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.