Năm 2019 có 3 trường hợp quan chức nộp lại quà tặng, tổng trị giá 103 triệu đồng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/09/2019 15:55 GMT+7

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2019 của Chính phủ cho hay, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng, tổng giá trị 103 triệu đồng. Trong đó, Trà Vinh có 1 người, Thái Bình có 2 người nộp lại quà.

Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 2019 của Chính phủ tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội chiều 4.9, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 1 người, nộp lại quà trị giá 3 triệu đồng, Thái Bình có 2 người nộp lại quà tổng trị giá 100 triệu đồng.
Theo ông Liêm, để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, phòng ngừa việc lợi dụng truyền thống tốt đẹp để tham nhũng, đưa hối lộ, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định.

Hiệu quả việc kê khai tài sản chưa cao

Về minh bạch tài sản, thu nhập, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm qua là 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai là 1.075.277 bản; đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai.
Trong số này, có 46 người thuộc điện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, Bộ Xây dựng: 21 người, Bộ Công an: 3 người, Thanh tra Chính phủ: 1 người, Đà Nẵng: 1 người, Đắk Lắk: 10 người, Khánh Hòa: 2 người, Lào Cai: 3 người, Tây Ninh: 2 người, Thanh Hóa: 1 người và Tiền Giang: 2 người.
Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp, gồm Bộ Công an: 2 người, Đà Nẵng: 1 người, Khánh Hòa: 2 người, Tây Ninh: 2 người và Thanh Hóa: 1 người.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu  của Ủy ban Tư pháp tại phiên họp

Ảnh Lê Hiệp

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đại diện nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, cho rằng những kết quả nêu trên chủ yếu vẫn mang tính hình thức; hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, ông Hà cho rằng, các cơ quan, tổ chức hữu quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện, mà chưa kiểm soát được bản kê khai có trung thực không; tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không.
“Với số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), nhưng số lượng bản kê khai được xác minh lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ (46 người); kết quả xác minh cũng chỉ phát hiện một số trường hợp vi phạm (10 trường hợp). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm còn chưa hợp lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý”, ông Hà cho hay.

21 người đứng đầu đã bị xử lý do để xảy ra tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang bị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Cụ thể, tỉnh Cà Mau: 1 người, Bình Thuận: 4 người, Lào Cai: 2 người, Ninh Bình: 1 người, Quảng Trị: 1 người, Tây Ninh: 7 người, Vĩnh Long: 1 người, Thừa Thiên - Huế: 2 người và Bình Phước: 4 người.
Tuy nhiên, ông Liêm thừa nhận, nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp sau đó cũng khẳng định, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua (năm 2019 có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, giảm 35 người so với năm 2018, trong khi đó số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý không giảm so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.