Mỹ sẽ tăng áp lực đối với Trung Quốc

17/07/2020 06:14 GMT+7

Ngày 16.7, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) trả lời phỏng vấn Thanh Niên xoay quanh các động thái mới của Mỹ đối với Biển Đông.

Ông nghĩ thế nào về những động thái mà Mỹ vừa đưa ra đối với Biển Đông? Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tình hình vùng biển này?
Chính sách của Washington ở Biển Đông là một phần trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá bức tranh tổng thể trong trường hợp này.
Các hành động của Trung Quốc vừa qua đã gây nhiều tác động cho Mỹ, vượt quá sự kiên nhẫn của Mỹ. Một khi phía thách thức đã vượt qua giới hạn, thì mọi thứ khó có thể quay về như cũ nếu Bắc Kinh không xuống thang. Vì thế, Mỹ sẽ sớm tạo thêm áp lực nhằm vào Trung Quốc.

Nền tảng để Washington trừng phạt Bắc Kinh

Trả lời Thanh Niên ngày 16.7 xung quanh các động thái được Mỹ đưa ra những ngày vừa qua, bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án về sức mạnh Trung Quốc - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nói: “Mỹ giờ đây có cơ sở pháp lý để không chỉ lên án hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, mà còn đứng lên bảo vệ lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước này. Tôi hy vọng Washington sẽ lên án nhiều hơn nữa các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông như tiến hành thăm dò, đe dọa các bên khác phát triển nguồn tài nguyên ở vùng biển này. Tôi chưa thể đánh giá được hết các hành động sắp tới của Mỹ mạnh mẽ hơn đến mức nào. Nhưng cách diễn giải mới đây đặt nền tảng để Washington tiến hành các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh vì các thực thể ở Biển Đông, hoặc Mỹ tăng cường triển khai hoạt động quân sự nhằm khiến Trung Quốc lùi bước”.
Đối với tình hình Biển Đông, thì Mỹ có hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia Đông Nam Á ở vùng biển này hay không? Thực sự là đến nay chưa có chuyện đó. Khi các nước ở Đông Nam Á đang phải phản ứng lại các hành vi của Trung Quốc, thì Mỹ sẽ đứng cùng phía các nước Đông Nam Á. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ hậu thuẫn hay hỗ trợ một cách rõ ràng cho tuyên bố chủ quyền của nước nào ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, thực tế thì tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á ở Biển Đông đang có tình trạng chồng lấn nhau, nên Mỹ không thể hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền riêng biệt của nước nào.
Đó là lý do tại sao phát biểu mới đây của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nhấn mạnh rằng: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở có nghĩa là hướng đến một khu vực nơi các nước được đảm bảo quyền lợi và bình đẳng trong việc chia sẻ những cái chung. Không có bá quyền thống trị hoặc biến vùng biển chung thành vùng biển riêng”.
Phát biểu này đồng nghĩa với việc Mỹ không tuyên bố ủng hộ bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng sẽ tập trung từ chối yêu sách của Trung Quốc tại đây.
Vậy Mỹ sẽ tìm cách xây dựng một khuôn khổ dựa trên pháp lý quốc tế để các nước cùng phối hợp ở Biển Đông?
Có thể Mỹ đang làm điều đó. Washington đang cố gắng bảo vệ cái mà họ xem là quyền lợi và tự do hàng hải toàn cầu. Cho nên, Mỹ cần hợp thức hóa yêu cầu này của Washington bằng cách xây dựng một khuôn khổ dựa theo luật pháp quốc tế mà Mỹ vẫn luôn khẳng định.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm đẩy lùi các yêu sách chủ quyền của  Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh đang bất chấp luật pháp quốc tế, loại trừ các tác nhân bên ngoài ở  Biển Đông, như cách mà họ vẫn đang theo đuổi nhiều tranh chấp ở biển Hoa Đông hay biên giới Trung Quốc - Ấn Độ.
Trong bối cảnh như vậy, các nước trong khu vực phải hành động để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.
Điều đầu tiên mà các nước liên quan phải thực hiện là tuân thủ luật pháp quốc tế. Thứ hai, các nước lân cận Trung Quốc cần nỗ lực hạn chế sự bất cân xứng trong cán cân quân sự ở khu vực. Thứ ba, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác với các nước bên ngoài như Mỹ, Úc và những quốc gia có cùng quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.