Mưu sinh nơi đáy biển

16/06/2021 06:06 GMT+7

Biển Sa Huỳnh với cát vàng và biển xanh làm say lòng khách lãng du. Nhưng trong làn nước xanh thẳm ấy có nhiều người đang vất vả lặn ngụp mưu sinh, mấy khi rảnh rỗi để ngắm khung cảnh hoang sơ và thơ mộng quê mình!

Chiều nghiêng bóng dài, sóng xanh nối tiếp vỗ về cát vàng. Ông Trần Văn Tĩnh (59 tuổi, ở xã Phổ Châu, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) buông neo gần bờ. Chiếc tàu nhỏ vỏ gỗ dập dềnh trên sóng nước. Con trai ông với đôi tay xách hai chiếc túi đựng hải sản rời tàu, nương theo phao bơi vào bờ. Cá, bạch tuộc, ốc, chình biển... tươi rói do cha con ông lặn bắt tại các ghềnh đá ẩn trong sóng nước. Bạch tuộc với làn da óng ánh như kim tuyến trông thật bắt mắt. Dăm ký ốc cùng mớ cá và vài con chình biển nằm gọn trong túi lưới. Người dân trong vùng đến tận nhà hỏi mua hải sản vừa mang về với giá khá cao vì “chế biến món ăn rất thơm ngon, hiếm nơi đâu có được”.

Đời lặn

Sắp vào tuổi lục tuần, ông Tĩnh vẫn ngày ngày lặn men theo ghềnh đá nơi đáy biển. Gần nửa thế kỷ trước, ông cầm chĩa ngụp lặn đâm cá ở vùng biển gần bờ. Rồi ông vào lính, cùng đồng đội ôm súng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê rồi đi bạn (làm thuê) trên tàu cá của ngư dân lênh đênh khơi xa. Nhưng chỉ vài năm, ông lại trở về vùng biển quê nhà vẫy vùng lặn bắt hải sản mưu sinh.
Ngày ấy, dụng cụ hành nghề khá đơn giản: kính lặn chắn nước vào mắt, tay cầm chĩa đâm hải sản cùng túi lưới đựng cá đeo bên hông. Ông bơi lặn ven ghềnh đá ở độ sâu trên dưới 10 m nhặt ốc, đâm cá lớn hay bạch tuộc vài ba ký lượn lờ trong nước. Chừng phút sau, ông ngoi lên lấy dưỡng khí giữa sóng nước miên man.
Mưu sinh nơi đáy biển1

Thành quả của cha con ông Tĩnh sau gần cả ngày bơi lặn

ẢNH: TRANG THY

Bởi lặn trong thời gian ngắn phải ngoi lên thở rất nhọc công và hải sản bắt được không nhiều nên ông sắm ghe rồi đến tàu nhỏ, mua thêm dụng cụ hành nghề. Sáng sớm, ông cùng bạn lặn bận đồ nhái, mang theo giỏ cơm rời nhà ra đến bờ biển lên tàu, nổ máy lướt sóng vài ba trăm mét rồi dừng lại buông neo. Ông gắn dây cu roa nối máy nổ với bình cung cấp khí và cẩn thận kiểm tra thiết bị trước khi xuống nước. Chân vịt giúp dễ dàng di chuyển dưới nước, vòng chì nặng 7 kg vòng quanh hông cho cơ thể chìm sâu, kính lặn bảo vệ mắt và súng bắn tên để bắn cá lớn...
Ông và bạn lặn ngậm đầu sợi dây thở dài 300 m nối với bình cung cấp khí rồi rời tàu, tỏa đi đôi ngả trong nước lạnh. Nhờ thiết bị nên ông có thể lặn sâu gần 20 m với thời gian 2 - 5 giờ đồng hồ và ngoi lên "khi túi lưới bên hông nằng nặng" để cho hải sản vào thùng xốp ướp lạnh.
Ghềnh đá với hàu bám chi chít lẫn san hô và rong biển là nơi trú ngụ, tìm kiếm thức ăn của nhiều loại hải sản. Những con cá to lớn, dữ tợn lượn lờ đến đấy tìm mồi. Ông liền giương súng ngắm chuẩn rồi lẫy cò, mũi tên sắt nhọn hoắt có hai ngạnh cắm phập vào thân cá khi chúng chưa kịp phát hiện hiểm nguy cận kề. Gặp chỗ hiểm, cá chỉ kịp vùng vẫy giây lát rồi bất động.
Đôi lúc gặp phải cá to, chưa chết hẳn, ông buông lỏng sợi dây gắn vào đuôi mũi tên nối với súng, mặc cho con mồi hoảng loạn tháo chạy. Sợi dây căng rồi lại dùn, khoảng cách giữa người và cá gần rồi lại xa, vờn đuổi thời gian khá dài. Chờ cho cá đuối sức rồi chết hẳn, ông lặn đến gần tóm gọn và đưa lên tàu. “Có nhiều con cá to kéo dây chạy trốn rất lâu mới chết nên mình phải kiên nhẫn. Cách đây vài năm, tôi bắn con cá đuối to bằng cái bàn tròn. Tôi với nó quần miết, rất lâu mới đưa được lên tàu. Bữa đó phải nhờ người ra khiêng về. Bà con xúm lại xem đông lắm. Có cô người Tây tham quan biển Sa Huỳnh thấy cá to quá “xì xồ xì xà” rồi lấy máy ảnh chụp lia lịa”, ông nhớ lại.
Ngư dân Nguyễn Minh Tý đi chung tàu với ông Tĩnh thuở trước có gần 30 năm ngụp lặn ở vùng biển Sa Huỳnh. Giờ ông Tý cũng sắm trang thiết bị và ghe riêng rồi hành nghề cùng người bạn gần nhà. Cá, mực, bạch tuộc, ốc... thu được sau những bữa lặn sâu trong làn nước xanh thẳm giúp ông nuôi sống gia đình. Vào mùa, ông cùng nhiều người dân nơi đây khấp khởi lặn bắt tôm nhí (tôm hùm con) để bán cho thương lái. Ngư dân từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... cũng đổ về vùng biển này bơi lặn với đôi mắt rạng ngời khi bắt được những con tôm bé tí xíu lửng lơ trong nước. Mùa tôm nhí đi qua, họ chia tay nhau và chờ đến năm sau.
“Dãy rạn Sa Huỳnh nuôi sống anh em ở đây nhiều lắm. Ngày thường bắt cá, bạch tuộc, ốc cũng đủ sống. Vào mùa tôm nhí thu nhập cao hơn, lúc bắt được nhiều tôm bán với giá cao thì mỗi ngày may mắn kiếm vài triệu đồng”, ông Tý tâm sự.
Nghe thế, ông Tĩnh góp thêm: “Vào lúc biển động, nước quá đục không thể nhìn thấy thì đi bạn trên tàu cá đánh bắt khơi xa. Ngày thường thì chúng tôi ở quê và chuyên nghề lặn”.
Mưu sinh nơi đáy biển2

Ngư dân Trần Quốc Trưởng nương theo phao bơi vào bờ

ẢNH: TRANG THY

Hiểm nguy và nhọc nhằn

Ông Tĩnh và con trai tên Trần Quốc Trưởng cơ bắp săn chắc, dáng như lực sĩ. Thế nhưng cả cha con ông đều cảm thấy mỏi mệt, cơ thể rã rời sau cả ngày bơi lặn, mắt chăm chú nhìn quanh tìm hải sản. Lúc gặp áp suất lớn khi lặn sâu, ông Tĩnh hít mạnh, dùng tay ép vành cao su kính lặn vào miệng và mũi rồi nén hơi sang hai bên tai nghe “rột”, gọi là xả áp. Cách làm của ông được nhiều thợ lặn trong vùng áp dụng để tai khỏi đau nhức.
Thuở trước, cá mực nhiều vô kể nên chỉ sau buổi lặn bắt là “gánh không nổi”. Giờ hải sản ngày càng suy kiệt nên phải lặn cả ban đêm để thêm nguồn thu nhập. Tay cầm đèn pin len lỏi bơi lặn vào hang hốc giữa những tảng đá to lớn, khéo léo để dây cung cấp dưỡng khí không vướng san hô tua tủa nơi đáy biển. “Nhiều bữa thấy khoe khỏe thì lặn cả ban đêm, nhất là vào mùa tôm nhí. Nhưng đang lặn gặp dòng nước ở ngoài khơi cuộn vô gần bờ đục ngầu đành phải về. Nghề này mệt lắm anh! Nhiều lúc về ngủ thấy chân rã rời...”, Trưởng kể.
Còn ông Tý thì cho biết: “Dù mặc đồ lặn nhưng nhiều khi gặp nước lạnh buốt khiến chân tay tê cứng nên phải ngoi lên ghe chạy về. Phải có sức khỏe mới lặn được chú à”.
Bản năng sinh tồn khiến nhiều loại cá dữ tấn công người khi gặp nguy hiểm. Nhiều ngư dân bị ngạnh cá ngát, gai cá đuối đâm trúng đau nhói. Về đến nhà bị nổi hạch, gây sốt đến nhiều ngày sau. Ngày nọ, một ngư dân được nhiều người bái phục bởi tài lặn bộ (lặn không ngậm dây dưỡng khí) suýt chết khi đối diện với bạch tuộc chừng 3 kg. Do không thể dùng chĩa khi con mồi ẩn trong hang dưới đáy biển nên ông thò tay tóm lấy. Xúc tu của bạch tuộc bám chặt vào đá, những chiếc còn lại quấn giữ cánh tay cơ bắp cuồn cuộn. Ông đạp chân vào đá ráng sức tung người cho bạch tuộc rời tay. Hồi lâu, ông thoát khỏi những chiếc xúc tu quấn chặt trước khi chết ngạt vì thiếu dưỡng khí, chân tay trầy xước đau buốt. “Bạch tuộc vài ký mạnh lắm. Tôi bắn bị thương nhưng không dám đưa tay bắt lấy. Xúc tu bám chặt vào đá và mũi tên, phải cố sức nhổ như nhổ củ mì vậy mà nó không thả. Chừng nào chết nó mới rơi ra”, ông Tĩnh cho hay.
Thỉnh thoảng nghe thông tin nhói lòng: Ngư dân tử vong khi lặn bắt hải sản mưu sinh. Mới đây, một ngư dân ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) gặp nạn khi lặn bắt tôm nhí tại biển Sa Huỳnh. Anh bị bệnh tim nhưng vẫn gắng sức lặn và tử vong khi bơi đến ghe trước niềm tiếc thương của bao người. “Tử vong khi hành nghề bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân gặp sự cố khi lặn. Khi ấy phải hết sức bình tĩnh xử lý để tránh việc đáng tiếc...”, ông Tĩnh trầm ngâm.
Sóng quăng quật vào ghềnh đá làm trầy xước thân thể là chuyện thường với dân lặn tìm hải sản. Ngày nọ, ông Tĩnh đang lặn trong nước, căng mắt tìm những con tôm hùm tí xíu thì bị sóng lớn xô lên ghềnh đá. Vỏ hàu sắc bén lởm chởm vây quanh. Sóng dữ tiếp nối đẩy ông lộn nhào, dây dẫn khí thở quấn chặt vào san hô. Ông quay lại mò mẫm tháo gỡ sợi dây rồi lặn xuống sâu để tránh sóng trước khi trở về ghe, kết thúc buổi lặn ngày biển động.
Tôi hỏi: “Hiểm nguy và nhọc nhằn như thế, sao ông vẫn gắn bó với nghề lặn?”. Ông chậm rãi: “Mộ (yêu) nghề mới đi miết đến giờ. Nếu không mộ là bỏ lâu rồi”. Chàng trai trẻ tên Trưởng thì trả lời hồn nhiên: “Dẫu mệt nhọc nhưng em thích nghề này vậy nên đi lặn với ba”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.