Muốn hành nghề kiến trúc phải có giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/11/2018 12:14 GMT+7

Theo dự luật Kiến trúc trình Quốc hội, hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải gồm giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc quá phức tạp.

Thảo luận tại tổ TP.HCM về luật Kiến trúc sáng nay, 8.11, đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề như quy định tại dự thảo Luật này quá phức tạp, trong khi xu thế hiện nay là giảm bớt giấy phép con.
Ông Dũng dẫn chứng, theo quy định tại điều 22 dự thảo Luật về cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc, ngoài bằng cấp, giấy chứng nhận được đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, còn phải có kết quả sát hạch hành nghề kiến trúc và giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và một số giấy xác nhận khác.
"Tôi đề nghị chỉ cần đạt yêu cầu sát hạch là đủ. Học ở đâu không quan trọng, chỉ cần đáp ứng yêu cầu của kỳ sát hạch là xong. Và muốn thi được thì phải không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thế là được, chứ việc gì phải nhiều giấy tờ thế?", ông Dũng góp ý.
Về giấy chứng nhận được đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, ông Dũng cho rằng không cần thiết vì hiện nay, xu thế cách mạng 4.0, học tập suốt đời, và những người này đều có chuyên môn nên người ta có thể lên mạng học để phát triển nghề nghiệp, chứ không nhất thiết phải đến trường.
"Quan trọng nhất là anh có thi đạt hay không, chứ không cần quan tâm đến trường hay không", đại biểu Dũng nói.
Đại biểu là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cũng bày tỏ ông thấy quy định về giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp khá khó hiểu vì không biết ai sẽ là người cấp giấy này?
Băn khoăn nữa là giả sử có cơ quan nào đó giám sát đạo đức của người hành nghề hàng ngày và cấp giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức, thì thời hiệu của vi phạm cũng phải quy định rõ.
"Chẳng lẽ tôi có vi phạm điều gì đó nhưng cách đây 10 năm rồi và vì vi phạm này mà cả cuộc đời tôi không bao giờ được cấp giấy không vi phạm đạo đức?", ông Dũng dẫn tình huống, và cho rằng quy định như vậy khá mơ hồ, khi triển khai sẽ rất lằng nhằng.
Từ phân tích trên, đại biểu này đề xuất dự thảo quy định Bộ Xây dựng quản lý hồ sơ, hệ thống thông tin quản lý kiến trúc bằng công nghệ thông tin thì chỉ cần cập nhật thông tin vi phạm đạo đức nghề nghiệp lên hệ thống. Như vậy, khi cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ cần người đó không vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong 2 năm thì được cấp, chứ không cần phải cấp một giấy chứng nhận riêng.
Dự thảo luật Kiến trúc quy định hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ xin cấp hành nghề kiến trúc gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc kèm theo 2 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 6 tháng;
b) Giấy xác nhận thời gian tham gia thiết kế kiến trúc tại tổ chức hành nghề kiến trúc;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp;
d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục;
đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu kết quả sát hạch;
e) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu giấy xác nhận không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.