Mục tiêu cao nhất là phát triển hài hòa với tự nhiên

10/11/2020 08:00 GMT+7

Trả lời chất vấn của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về dự án lấn biển Cần Giờ, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là giữ được hệ sinh thái, sinh quyển đã được UNESCO công nhận.

Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra ngay sau sự cố mưa lụt nghiêm trọng tại miền Trung, khiến chủ đề phát triển bền vững đã được các đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu, chất vấn liên tục trong 5 ngày tường thuật trực tiếp gần đây, cả khi thảo luận về kinh tế - xã hội và khi chất vấn các thành viên Chính phủ.
Sáng 9.11, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về dự án lấn biển Cần Giờ. Theo ĐB, nhiều nhà khoa học và cử tri hết sức lo ngại dự án có thể tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ, cũng là rừng phòng hộ của Cần Giờ. Do đó, ĐB đặt câu hỏi làm sao để vẫn triển khai dự án, thúc đẩy kinh tế, đồng thời bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà bày tỏ việc mình thấu hiểu tâm tư của người dân TP.HCM, vì: “Cần Giờ là một biểu tượng của TP.HCM, là lá phổi của TP.HCM. Cần Giờ cũng thể hiện việc con người đã phục hồi được thiên nhiên, khi 31.000 ha rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ, trong đó, 20.000 ha là công sức lao động của thanh niên xung phong TP.HCM phục hồi sau chiến tranh năm 1979". Do đó, ông Hà khẳng định “mục tiêu cao nhất là giữ được biểu tượng đó, giữ được hệ sinh thái, sinh quyển đã được UNESCO công nhận”.
“Khi phê duyệt chúng tôi đã trao đổi với UNESCO. Các khung pháp lý của UNESCO cho thấy Cần Giờ (TP.HCM) phân ra 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng lân cận. Hiện nay dự án nằm tiếp giáp, kết nối với phần lân cận. Đã có văn bản chính thức của UNESCO khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện theo đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Như vậy, về pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam là phù hợp”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, những tác động của dự án này đã được tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã có ý thức khi sử dụng các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu, đặc biệt là các tập đoàn của Hà Lan hay các tập đoàn thứ 3 thế giới về đánh giá tác động môi trường và xã hội để thực hiện đối với dự án này.
Chủ đầu tư cũng đang tính đào hồ để sử dụng vật liệu tại chỗ san lấp biển. “Đây là một dự án cần phải làm ở mức cao nhất. Nếu dự án này thành công sẽ là một dự án (tiêu biểu) về kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên”, Bộ trưởng TN-MT giải trình.
Cũng liên quan chủ đề môi trường và phát triển bền vững, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người đã trực tiếp chỉ huy cứu hộ trong đợt mưa lũ khủng khiếp vừa qua, chất vấn Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. ĐB cho rằng, công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vừa qua vẫn còn nhiều bất cập; có những nơi nhìn thấy người gặp nạn ngoài sông, ngoài biển nhưng không có phương tiện để cứu vớt... Vậy phải tăng đầu tư nguồn lực cho công tác này ra sao? ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt câu hỏi nên chăng có Bộ Tình trạng khẩn cấp để ứng phó với các sự cố như vừa qua?
Phúc đáp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, về cơ quan phòng chống thiên tai chuyên trách, mỗi quốc gia sẽ có cách tổ chức khác nhau, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến ĐB, tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phó thủ tướng cũng thừa nhận, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn những hạn chế như ý kiến của ĐB Hà Sỹ Đồng và một số ĐB đã phát biểu trước đây. Nguyên nhân, do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thiếu, vừa chưa hiện đại...
“Yêu cầu là phải có một lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm, cứu nạn chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra. Do đó, thời gian tới cần tập trung củng cố lực lượng; đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị...”, Phó thủ tướng khẳng định, đồng thời cho biết thêm việc sẽ bổ sung máy bay trực thăng chuyên dùng thay vì hiện nay phải kiêm nhiệm; bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, tàu lớn chịu được sóng to, gió lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.