Mức án nào cho ông Đinh La Thăng?

22/01/2018 06:43 GMT+7

Theo quan điểm cơ quan công tố, bị cáo Đinh La Thăng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thực sự thành khẩn, nên cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc.

[VIDEO] An ninh thắt chặt trước giờ ông Đinh La Thăng và đồng phạm lãnh án
Theo dự kiến, sáng nay, 22.1, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên án đối với ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Tại phiên tòa này, bị cáo Đinh La Thăng bị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, điều 165, bộ luật Hình sự 1999. Theo mức truy tố này, bị cáo Đinh La Thăng phải đối mặt với mức án từ 10 - 20 năm tù giam.
Căn cứ vào quá trình điều tra và diễn biến tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14 - 15 năm tù. Bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân công bố trước tòa nêu rõ bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, đã lợi dụng vị trí là người có trách nhiệm cao nhất của Tập đoàn, tuy biết rõ PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm, nhưng để giúp PVC, lấy lý do sức ép về tiến độ, bị cáo đã chủ động đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trái với Nghị quyết của Hội đồng thành viên PVN, chỉ đạo đơn vị thành viên PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này tạm ứng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước.
“Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thực sự thành khẩn, chưa nghiêm túc nhận ra những việc làm trái pháp luật của mình. Do vậy, cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc đối với bị cáo”, cơ quan công tố nhận định.
Diễn biễn tại các phần xét hỏi và tranh luận của phiên tòa cho thấy, bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư bào chữa nêu ra nhiều luận điểm cho rằng bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái, không có động cơ, tư lợi cá nhân. Bị cáo có một số “khuyết điểm” là nôn nóng, quyết liệt trong đôn đốc chỉ đạo công việc, mặt khác với trách nhiệm là người đứng đầu nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát nên đã dẫn đến sai phạm của cấp dưới. Do đó, các luật sư cho rằng bị cáo Đinh La Thăng có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285, bộ luật Hình sự hơn là tội danh đang bị truy tố.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đã đưa ra nhiều luận điểm phủ quyết lập luận của bị cáo và các luật sư, khi cho rằng, PVN là tập đoàn do Nhà nước làm chủ sở hữu, mục tiêu của PVN là phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của PVN. Với trách nhiệm được Nhà nước giao phó, quản lý, bị cáo Đinh La Thăng đã không chấp hành, tuân thủ đúng quy định pháp luật dẫn đến thiệt hại cho tài sản của nước.
Trong khi đó, cấp dưới của các bị cáo này lại thừa nhận các sai phạm theo truy tố. Trước toà, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, khai ông Đinh La Thăng là người đã chỉ đạo bị cáo thực hiện việc tạm ứng tiền cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và PVC. Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng khai nhận đã chịu những sức ép rất lớn từ bị cáo Đinh La Thăng trong việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC, dù nhận thức rõ việc làm này là sai trái…
Những ai được hưởng tình tiết giảm nhẹ?
Trong phiên tòa này, Hội đồng xét xử cho biết nếu các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể áp dụng mức hình phạt dưới khung truy tố.
Đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Đinh La Thăng, Viện Kiểm sát nhân dân nêu quan điểm bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác, bản thân chưa có tiền sự, ít nhiều đã nhận một phần trách nhiệm về các sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu, nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Tuy nhiên, trong phần tranh luận, cũng chính cơ quan công tố cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng và một số bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới... Do đó, không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Không riêng bị cáo Đinh La Thăng, nhiều bị cáo khác trong vụ án này cũng bị Viện Kiểm sát nhân dân đưa ra quan điểm đánh giá cứng rắn để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình, trong đó có các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Phùng Đình Thực và Nguyễn Xuân Sơn.
Ngược lại, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho nhiều bị cáo có tình tiết giảm nhẹ quan trọng là “khai báo thành khẩn, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ án”, như Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.