Mùa sông lở

23/08/2009 00:57 GMT+7

Năm nào cũng vậy, hễ lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về thì cư dân ven sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp lại tất tả dỡ nhà, chuyển súc vật... vào sâu trong đất liền tránh lở. Qua mùa sông lở, họ lại trở về chốn cũ bởi chẳng có nơi nào khác để an cư...

"Bà Thủy" hoành hành

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang, trong những tháng đầu năm 2009, bờ sông Tiền trên địa bàn tỉnh có 13 điểm sạt lở, với cung trượt từ 2 - 30 m/năm. Trong đó, các xã Vĩnh Hòa, Tân An (H.Tân Châu); Kiến An, Tấn Mỹ, Long Điền A (H.Chợ Mới) là những nơi sạt lở dữ dội nhất, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân. Dọc bờ sông Hậu đi qua địa bàn An Giang cũng có đến 25 điểm sạt lở. Nhiều nơi như Vĩnh Trường, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Khánh An (H.An Phú); Phú Bình (H.Phú Tân); cù lao Phó Ba, Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) và cồn Bình Thủy (H.Châu Phú) có cường độ sạt lở mạnh và dân cư sinh sống đông đúc. Tính đến thời điểm tháng 6.2009, An Giang đã có trên 107 km đất bờ sông và đường giao thông nông thôn bị cuốn xuống sông. Hàng trăm ngôi nhà, công trình công cộng, vật kiến trúc của dân... trôi theo dòng nước.

Giữa tháng 8. Chúng tôi có mặt tại ngọn kênh Trà Thôn nối với sông Tiền thuộc xã Long Điền A (H.Chợ Mới). Chốc chốc lại thấy một mảng đất lở xuống lòng sông.  Ông Lê Tấn Lực ngồi trong căn nhà dựng tạm trên đất trường học đăm chiêu nhìn ra mỏm đất đang lở, thở dài: “Trước kia đường chợ Thủ cũ chạy qua rạch Trà Thôn này còn cách bờ sông tới mấy cây số. Vậy mà trong mấy năm, “bà Thủy” đã cướp mất con đường. Nhà bà con ở đây ai cũng đã năm lần bảy lượt di dời. Dời riết đến hết đất nhà, giờ phải ở tạm trong nền trường tiểu học. Đất đai, hoa màu của người dân nơi đây gần như mất sạch”.

Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở hai bờ sông Tiền, sông Hậu cũng đang diễn biến phức tạp khi nước lũ đầu nguồn từ Campuchia đổ về. Hiện nay toàn tỉnh có 99 đoạn bờ sông sạt lở, với tổng chiều dài hơn 172 km thuộc địa phận 44 xã, phường, thị trấn; tập trung nhiều nhất ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và thị xã Sa Đéc. Tại bờ sông Tiền đi qua các xã Long Thuận, Long Khánh A của huyện Hồng Ngự, tình trạng sạt lở thật khủng khiếp. Ông Mao Văn Đen, một người dân địa trong một đêm cuối tháng 7, sạt lở đã khiến hàng chục hộ dân tại đầu cồn Long Khánh A này phải di tản. Sạt lở diễn ra ngay giữa đêm khuya nên có người phải thức trắng dời nhà. Đoạn sạt chạy dài hàng cây số, khiến ngôi đình Long Khánh sắp đổ ập xuống sông”.

Đáng lo ngại hơn là cùng với tình trạng sạt lở, đoạn sông Tiền từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến cầu Mỹ Thuận đã hình thành 21 bãi cạn làm thay đổi luồng lạch, gây khó khăn cho giao thông thủy nội địa.

Sông lở, về đâu?

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ tịch UBND xã Long Điền A (An Giang), cho biết: ở hai ấp Long Định và Long Bình có hơn 1,2 km bị sạt lở, với 295 hộ cần di dời. Trong đó có 120 hộ cần dời khẩn cấp. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, cụm dân cư của xã thi công mãi vẫn chưa xong. Để đối phó với việc không chỗ ở của bà con, xã đã bố trí những hộ trên ở nhờ nhà dân, 8 hộ không còn đất phải vào ở tạm trong trụ sở xã đội và trường học suốt mấy năm qua. Tại xã Long Thuận (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) có khoảng 5,5 km đường giao thông nông thôn và đất ven sông Tiền bị lở, ảnh hưởng đến đời sống và chỗ ở của trên 1.000 hộ dân, nhưng việc lo chỗ cho dân chạy lở cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. “Xã được đầu tư xây dựng 1 tuyến dân cư dài 5,1 km, dự kiến bố trí cho khoảng 900 hộ, nhưng chưa hoàn tất việc xây dựng. Do vậy, hiện tại xã vẫn còn hàng trăm hộ phải ở tạm khắp nơi, trong đó có 7 hộ phải ở nhờ trong nhà thuốc nam hơn một năm qua mà vẫn chưa có chỗ dời vào” - ông Kha Văn Lý, Phó chủ tịch UBND xã Long Thuận cho hay.

Tại đầu cồn Vĩnh Trường thuộc huyện An Phú (An Giang), từng vạt đất lớn liên tục bị cuốn mất hút xuống sông trong những ngày qua, khiến hàng chục hộ dân nơi đây phập phồng lo sợ trước sự cuồng phá của nước lũ. Bà Nguyễn Phương Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường, cho biết: địa bàn xã có hai điểm sạt lở, nặng nhất là khu vực đầu cồn thuộc ấp Vĩnh Bình và Vĩnh Thành. Xã hiện có 380 hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, nhưng đến giờ mới... dự kiến bố trí chỗ ở khoảng 200 hộ; 180 hộ còn lại đành chịu cảnh sống tạm nhà dân, đình chùa vì các cụm, tuyến dân cư không còn chỗ.

Theo ông Trần Thanh Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Phú thì toàn huyện An Phú được đầu tư 37 cụm, tuyến dân cư, bố trí được 7.189 nền. Nhưng nếu hoàn thành luôn giai đoạn 2 thì huyện cũng còn 1.066 hộ không có chỗ dời đi.

Xem ra, người dân sống trong vùng sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu còn lâu mới thoát khỏi cảnh dời nhà mỗi khi vào mùa... sông lở. 

Tuấn Sơn - Thanh Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.