Mưa lũ tàn phá nhiều nơi

Hôm qua (13.12), các tỉnh miền Trung tiếp tục bị ngập lụt, mưa lũ chia cắt gây thiệt hại nhiều nơi, học sinh nhiều trường phải tạm nghỉ...

Nhiều khu vực ở Nha Trang chìm trong nước lũ
Trận mưa lớn đêm 12 và sáng 13.12 cộng với nước tích tụ từ đợt lũ đầu tháng 12 đã làm cho nhiều vùng ngoại ô của TP.Nha Trang (Khánh Hòa) chìm trong biển nước. Khu vực các xã thuộc phía tây bắc Nha Trang có nơi ngập hơn 1 m khiến nhiều gia đình phải co cụm suốt đêm 12.12 và ngày 13.12.
Không khí lạnh tràn vào Bắc bộ, miền Trung đề phòng lũ quét, lở đất
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, khối không khí lạnh đã tiến sát biên giới phía bắc nước ta, đêm 13.12 ảnh hưởng đến Bắc bộ, ngày 14.12 sẽ ảnh hưởng tới Trung bộ. Từ đêm 14.12, ở Bắc bộ trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15 - 180C, vùng núi 12 - 150C, vùng núi cao có nơi dưới 120C. Hà Nội từ đêm 14.12 trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15 - 170C. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, nên từ ngày 14 - 17.12 từ Quảng Bình - Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200 mm), từ Đà Nẵng - Phú Yên có mưa to đến rất to (300 - 400 mm/đợt), trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Chí Nhân

Một số ngôi nhà dưới chân núi thuộc xã Vĩnh Phương bị đất đá từ trên núi đổ xuống vùi lấp. Tương tự, ở vùng Hòn Xện phía bắc Nha Trang, lúc 1 giờ ngày 13.12, mưa xối xả làm cho con mương thoát nước phía trên khu dân cư bị vỡ. Hàng trăm mét khối đất đá theo dòng nước lũ tràn vào nhà dân khiến 3 ngôi nhà tại đây bị vùi trong đất.
Nhà kho của Tổng kho vật tư thiết bị, Công ty cổ phần điện lực Khánh Hòa bị nước lũ xé toạc, thiết bị vật tư bị cuốn trôi rơi vãi ngổn ngang. Toàn bộ các tuyến đường trong khu vực này biến thành sông. Mưa lớn cũng đã làm cho ngọn núi, nơi tọa lạc Trường đại học Nha Trang bị sạt lở nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông hoàn toàn trên đường Phạm Văn Đồng qua đoạn này. Đến chiều 13.12, mặc dù trời ngớt mưa nhưng nước từ thượng nguồn vẫn cấp tập đổ về nên nước lũ vẫn ở mức cao, chia cắt nhiều vùng phía tây bắc Nha Trang. Đường 23 Tháng 10 đi Diên Khánh bị chìm sâu trong nước, ngập nặng hơn trận lũ hồi tháng 11 vừa qua.
Tuyến QL1A qua địa phận tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở nhiều đoạn. Có những điểm, nước lũ đã “xuyên” sâu vào tâm đường, gây cản trở giao thông. Nhiều thanh rào chắn bị lũ bẻ cong, bê tông làm dải phân cách bị xô lệch. Tuyến đường sắt bắc - nam bị sạt lở nặng tại khu vực đèo Rù Rì phía bắc Nha Trang. Ngành đường sắt đã huy động tất cả các phương tiện hiện có tại Nha Trang tham gia khắc phục thông đường. Đến 14 giờ cùng ngày, điểm sạt lở tại đèo Rù Rì đã thông nhưng phía bên Phú Yên lại xuất hiện sạt lở nên hàng loạt chuyến tàu bắc - nam bị mắc kẹt tại ga Nha Trang.

Nhiều khu vực ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa chìm trong nước lũ
Tính đến cuối giờ chiều 13.12, toàn tỉnh Khánh Hòa có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều nhà bị hư hỏng nặng, 2 người chết là anh Trần Văn Hồi (22 tuổi, ở khu Đồng Muối 2, P.Phước Long, TP.Nha Trang) và em Bùi Phan Hoàng Trúc (14 tuổi, trú xã Diên Sơn, Diên Khánh). Rạng sáng cùng ngày, anh Hồi cùng người thân trong gia đình dọn đồ, kê lên cao để tránh ngập nước thì bị điện giật chết, còn Trúc bị lũ cuốn trôi đã được các lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể vào chiều 13.12.
Nhiều trường cho học sinh nghỉ học
Ngày 13.12, nhiều xã ở khu đông H.Tuy Phước, H.Phù Cát, TX.An Nhơn và P.Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn) của tỉnh Bình Định tiếp tục bị ngập lũ. Tuyến đường ĐT 640 từ TT.Tuy Phước (H.Tuy Phước) đi xã Cát Tiến (H.Phù Cát) bị ngập nước, chia cắt nhiều đoạn. Trong ngày 13.12, hầu hết các trường từ bậc mầm non đến THCS tại H.Tuy Phước và một số trường ở TX.An Nhơn đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
“Từ đầu tháng 12 đến nay, người dân xã Phước Hòa liên tục đối phó với 3 - 4 đợt lũ lớn. Nhiều khu dân cư vùng trũng liên tục bị ngập suốt nửa tháng nay, đời sống người dân ngày càng cơ cực. Đến chiều 13.12, xã Phước Hòa lại có 5 thôn bị lũ chia cắt cục bộ và 2 thôn bị cô lập hoàn toàn”, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (H.Tuy Phước, Bình Định), cho biết.
Trong đợt mưa lũ mới này, tỉnh Bình Định có thêm 1 người chết là ông Phan Văn Minh (71 tuổi, ở thôn Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn). Như vậy, từ đầu tháng 12 đến nay, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 16 trường hợp bị chết do mưa lũ gây ra.
Ngã tư đường Triệu Quang Phục và Ngô Văn Sở (Nha Trang) bị bùn đá và nước vùi lấp như ruộng Ảnh: Trần Đăng

Tại Phú Yên, các hồ thủy điện trên sông Ba đồng loạt xả lũ đã gây ngập lụt các vùng trũng ven sông. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho biết đã chỉ đạo Thủy điện Sông Ba Hạ giảm lưu lượng xả trong đêm 13.12 để hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Thủy điện Phú Yên đồng loạt xả lũ, hạ du ngập 
Ông Phạm Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tây Hòa, cho biết hiện có 5 thôn với 1.500 hộ dân của các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Bình 1 bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lớn cũng đã làm 200 m nền đường thuộc tuyến đường sắt từ ga Hòa Đa (xã An Mỹ) đến ga Chí Thạnh (thuộc TT.Chí Thạnh, H.Tuy An, Phú Yên) bị sụt lún, nền đường yếu nên các chuyến tàu không thể qua lại được. Hiện chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang đã phải phong tỏa, cấm tàu qua lại trên tuyến đường. Nhiều đoàn tàu đã phải dừng lại tại các ga Chí Thạnh, Hòa Đa, Tuy Hòa...
Giải cứu 4 cô giáo và 20 học sinh mầm non
Sáng 13.12, lũ quét lớn và nhanh khiến 4 cô giáo cùng 20 học sinh Trường mầm non xã An Hiệp (H.Tuy An, Phú Yên) bị kẹt tại trường, phải kê kích bàn ghế, bám víu trên cửa sổ và điện thoại nhờ người dân cứu giúp. Trường mầm non này chủ yếu dạy học sinh ở thôn Mỹ Phú 2 (xã An Hiệp).
Thanh niên dùng phao để đưa các cháu ở trường mầm non ra ngoài Ảnh: Ngọc Anh

Đây là khu vực vùng cao, ít khi bị ngập lụt. Nhưng mưa lớn kéo dài khiến nước từ núi đổ xuống các con suối nhỏ gây ra lũ quét kinh hoàng. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó hiệu trưởng Trường mầm non An Hiệp, hốt hoảng kể lại: “Sáng 13.12, do mưa lớn nên chỉ khoảng 35 cháu đi học. Đến khoảng 10 giờ, lũ đã vào sân trường nên ban giám hiệu liên hệ với gia đình để đưa các cháu về. Tuy nhiên, chỉ có 15 cháu được gia đình đón về nhà. Sau đó, nước lũ dâng vùn vụt, lúc nước ngập đến bụng thì không thể chuyển các cháu ra ngoài được, vì phía ngoài nước sâu hơn nên cô trò bị mắc kẹt tại trường”.
Trước tình thế bất ngờ, các cô giáo đã kê bàn ghế để các cháu lên đó ngồi, một số cháu ngồi trên những chiếc phao đồ chơi để không bị chìm trong nước. Đến khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, nước lũ dâng lên ngập đầu người lớn.
“Lúc đó, có 3 - 4 cháu ôm vào cổ mỗi cô. Các cô phải cõng các cháu đứng lên và đu vào các song cửa sổ của lớp học. Nhiều cô cố gắng dùng điện thoại để liên lạc người thân và các lực lượng cứu hộ, đồng thời la lớn để các hộ dân gần trường đến ứng cứu”, cô Hòa run run thuật lại.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết người dân trong thôn đã đến ứng cứu, đến 15 giờ ngày 13.12, tất cả học sinh và cô giáo được đưa ra ngoài an toàn.
Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.