Mưa lũ miền Trung: Nguy cơ vỡ đập thủy điện

05/10/2010 00:27 GMT+7

* Ứng cứu vùng bị cô lập * Mưa lũ tiếp tục hoành hành miền Trung * Đã có 18 người chết và mất tích * Mưa lớn, lũ tiếp tục dâng cao, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn * Thủy điện Hố Hô (giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình) chứa hơn 40 triệu m3 nước, đang là mối đe dọa khủng khiếp

Nghệ An: 4 người chết và mất tích, 7 tàu cá bị chìm

Tại Nghệ An, tính đến chiều tối 4.10, có 1 người dân ở xã Phúc Thành (H.Yên Thành) bị chết do nước lũ cuốn; 7 tàu cá của ngư dân bị sóng đánh chìm, hư hỏng nặng. Trong đó, tàu cá mang số hiệu NA-5113TS của anh Trần Thanh Tuấn ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) bị chìm ở vùng biển H.Quỳnh Lưu. Khi chìm, trên tàu có 7 thuyền viên nhưng chỉ 5 người bơi được vào bờ, 2 người bị mất tích. Ngoài ra, tàu cá mang số hiệu NA-3280TS do ông Trần Danh Miêng ở xã Quỳnh Long (H.Quỳnh Lưu) làm chủ cũng bị chìm, 7 ngư dân trên tàu đã bơi vào được khu vực Cửa Sót (Hà Tĩnh), 1 ngư dân bị  mất tích. Lúc 16 giờ chiều hôm qua, tàu cá NĐ-33567TS do ông Kim Văn Chiến ở Nam Định làm chủ và 5 ngư dân trên đường vào bờ đã bị chết máy ở ngoài khơi vùng biển Cửa Lò. Hải đội II (Bộ đội biên phòng) nhận được tín hiệu cấp cứu và đã đưa tàu cứu hộ ra ứng cứu nhưng do sóng lớn nên đến 18 giờ chiều vẫn chưa thể tiếp cận được.

Hà Tĩnh: Nguy cơ vỡ đập rất lớn

Ngày 4.10, mưa lớn tiếp tục diễn ra trên toàn tỉnh gây lũ lớn tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... khiến 8 người chết và mất tích, gần 60.000 người bị cô lập, nhiều tuyến đường miền núi bị chia cắt hoàn toàn.

Mưa lớn, các cửa xả gặp sự cố khiến nước trong lòng đập thủy điện Hố Hô, giáp ranh giữa hai huyện: Hương Khê (Hà Tĩnh) và Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị ngập cao hơn 1m, tràn ngập qua thân đập hơn 1m, lượng nước đo được lên tới hơn 40 triệu m3, làm 15/22 xã bị cô lập, 25.000 hộ dân bị ngập nước, trong đó có gần 9.000 hộ dân bị ngập trên 2m. Hơn 2.000 hộ ở khu vực xung quanh thủy điện Hố Hô đã được di dời. Các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên chìm trong biển nước.

Lãnh đạo H.Hương Khê cho biết, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận sự cố tràn đập có một phần nguyên nhân là hệ thống vận hành cửa xả tràn của Nhà máy thủy điện Hố Hô bị đóng do mất điện, mà lại không có phương án máy phát điện dự phòng nên các cửa xả tràn mở không triệt để khiến mực nước trong lòng đập từ đó dâng cao gây tràn đập.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Bùi Lê Bắc cho biết, sáng qua đã nổ máy phát điện để mở cửa xả nhưng do mực nước cao nên khó mở hết được. Ông cho biết thêm vẫn chưa có phương án nổ mìn xả lũ như thông tin một số báo đã đưa.

Hiện tại nhiều khu vực xung quanh hồ thủy điện và sông Ngàn Sâu bị sạt lở nghiêm trọng. Trong lúc đó mưa vẫn rất lớn và dự kiến còn kéo dài, nguy cơ vỡ đập là rất lớn.

Cuối chiều qua, H.Vũ Quang đã có 12/12 xã bị ngập nước và 8/12 xã bị cô lập, trong đó gần 32.000 người dân bị cô lập hoàn toàn.

Quảng Bình: Nhiều vùng bị cô lập, 3 người chết

Hàng nghìn ngôi nhà ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa đang chìm trong nước, nhiều nơi bị cô lập. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Công Thuật đi thị sát tại H.Minh Hóa cho biết: “Đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu nhiều đoạn nên không thể lưu thông được, nhiều vùng bị chia cắt”. Theo báo cáo của Văn phòng BCH PCLB-TKCN tỉnh, hiện đã có 3 người chết ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, trong đó có 1 học sinh ở thị trấn Nông trường Việt Trung.

Quảng Trị: 3 người chết, 2 người bị thương

Theo cập nhật lúc 15 giờ chiều 4.10 của BCH PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị thì trong toàn tỉnh có hơn 5.500 hộ dân đã bị ngập lụt, trong đó chỉ mới di dời được 710 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, tại hai huyện vùng trũng Triệu Phong và Hải Lăng, nay đã chìm trong biển nước, giao thông nhiều nơi bị tê liệt hoàn toàn, người dân chủ yếu đi lại bằng thuyền. Còn tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, tình trạng lở đất, chắn ngang QL9, đường 14, đường Hồ Chí Minh nhánh đi Quảng Bình xảy ra liên tiếp, gây chia cắt nhiều nơi...

Đến thời điểm này Quảng Trị đã có 3 người chết, 2 người bị thương...

Thừa Thiên - Huế: vẫn còn ngập sâu 

Đến chiều 4.10, các tuyến đường trong nội thị TP Huế nước đã xuống, nhưng một số xã như Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước (H.Quảng Điền), Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, (H.Phong Điền)... nước vẫn còn ngập sâu.

Ứng cứu vùng bị cô lập

 

Đói quá, cậu bé này ở xã Quảng Hải phải dầm mình trong nước lũ ăn mì tôm sống - ảnh: Trương Quang Nam

Ròng rã suốt ngày hôm qua 4.10, PV Thanh Niên đã cùng với đoàn công tác của UBND H.Quảng Trạch (Quảng Bình) tiếp cận xã Quảng Hải - vùng bị cô lập giữa dòng sông Gianh - để tiếp viện lương thực cho bà con.

Không thể hạ xuồng bo bo của lực lượng quân sự và công an vì gió to sóng đánh quá mạnh, phương án cuối cùng là thuê thuyền đánh cá xa bờ của ngư dân xã Quảng Tân. Sóng cuộn lên từng cột, chiếc thuyền có công suất đến 152 CV nhưng vẫn bị lắc lư chao đảo. Dọc hai bên bờ sông, nhà ngập nước san sát nhau. Nhìn từ xa, Quảng Hải chơi vơi giữa mênh mông biển nước. Vì thuyền lớn nên chúng tôi chỉ neo lại hai điểm, sau đó dùng thuyền nhỏ đưa mì tôm vào trong khu dân cư. Chủ tịch UBND xã Đoàn Xuân Thiện cho biết: “Toàn xã với 645 hộ, 2.900 khẩu đang chìm trong nước lũ; trong đó 2 thôn Tân Thượng và Tân Đông ở đầu nguồn nước nên bị ngập nặng nhất. Mực nước gần lút mái nhà hết cả rồi”. Nghe thế, chúng tôi quyết định nhanh chóng tiếp cận “rốn lũ”. Thuyền kéo neo chạy ngược dòng chừng 15 phút thì đến, cây cối trên bờ sông lấp ló trong nước, 3 chiếc đò của người dân đã chờ sẵn nhưng không thể ra tiếp cận thuyền lớn vì nước chảy rất xiết. Chiếc xuồng máy được hạ xuống để kéo dây thừng chạy vào cột ở gốc tràm làm đường dẫn. Hàng chục thùng mì tôm được thả xuống, đò lại lần từng đoạn một theo dây thừng trở vào. Nín thở trên chiếc đò chòng chành vượt qua dòng nước xoáy, đò len dưới ngọn tre và chuối, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà ông Trần Văn Luy. Thấy có đoàn cứu trợ đến, ông Luy ló mặt ra cửa sổ nhìn, tươi tỉnh hẳn. Chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau nên ông bà chuẩn bị khá cẩn thận khi thấy mưa dồn dập, ông kê đồ đạc lên cao, một chú bò cũng được chuyển vô trong nhà bếp, yên vị trên đống gỗ. Thế nhưng nước lên nhanh quá và ngày càng dâng cao hơn nên ông bà lâm vào thế bí, người ướt nhẻm, suốt ngày hôm qua ông bà phải cầm cự với cháo trắng. Ông bảo: “Thế là may lắm rồi chú, nhưng nếu sang ngày mai thì chưa biết tính sao”.

T.Q.Nam

Mưa to tiếp tục 

* Đường sắt khắc phục xong hậu quả lũ lụt gây tắc đường

Hôm qua, sau 4 ngày hình thành và hoạt động trên biển, vùng áp thấp (AT) đã đi vào đất liền. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: Hồi 13 giờ hôm qua, vị trí trung tâm vùng AT ở vào khoảng 16 - 17 độ vĩ bắc; 106,5 - 107,5 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng AT này di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây tây bắc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng AT kết hợp với đới gió đông bắc hoạt động mạnh, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Trị có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Nam có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị có mưa to đến rất to.

* Ga Sài Gòn cho biết, tàu SE8 chạy từ ga Sài Gòn lúc 5 giờ 30 sáng ngày 5.10 sẽ lùi giờ khởi hành lại chậm hơn, vào lúc 10 giờ 05 cùng ngày do hậu quả lũ lụt ngày 3.10 ở miền Trung. Đến 6 giờ sáng hôm qua (4.10), ngành đường sắt đã khắc phục xong hậu quả tình hình lũ lụt gây tắc đường tại khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đồng thời tổ chức chạy tàu bình thường trở lại để phục vụ hành khách.

M.Vọng - Q.Duẩn

Nhóm PV miền trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.