Mưa lũ dồn dập, miền Trung oằn mình

04/09/2019 09:29 GMT+7

Đợt mưa này chưa dứt, đợt mưa khác lại trút xuống khiến nhiều tỉnh miền Trung chịu cảnh n gập lụt , chia cắt, thiệt hại nặng nề.

Nhiều nơi sơ tán dân

Trong 2 ngày 2 - 3.9, tại Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, cộng với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ từ sáng sớm 3.9 với lưu lượng 1.200 m3/s, khiến nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị nước chia cắt, người dân phải sơ tán. Từ sáng 3.9, ngay khi hay tin thủy điện xả lũ, gia đình anh Dương Công Hiệp
(37 tuổi, ngụ thôn 1, xã Phúc Đồng, H.Hương Khê) đã phải nhờ 4 người hàng xóm giúp đưa 50 con heo rừng trong chuồng đến chỗ cao. “Nước dâng nhanh lắm! Mới sáng nay còn chưa thấy chi, giờ đã ngập hết đường rồi. Đàn lợn ni là tài sản lớn, không sơ tán nước ngập là chúng chết hết”, anh Hiệp nói.
Mưa lũ dồn dập, miền Trung oằn mình

Tuyến đường từ xã A Xan lên xã Ch'Ơm (H.Tây Giang, Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng

Ảnh: Nam Thịnh

Tương tự, hôm 3.9, tại Quảng Bình có mưa to đến rất to khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tại H.Minh Hóa, đường về các xã Tân Hóa, Minh Hóa bị ngập nhiều đoạn; các tuyến vào bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) và vào vùng Lòm (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa) cũng bị chia cắt nhiều chỗ. Nhiều tuyến giao thông tại H.Tuyên Hóa bị ngập cục bộ như cầu Thanh Thạch (xã Thanh Thạch) bắc qua sông Gianh ngập sâu 1,5 m, chia cắt gần 400 hộ dân thôn 2 và thôn 3 của xã. Nước lũ cũng chia cắt tuyến giao thông từ xã Thanh Thạch đi xã Hương Hóa tại Cầu Bốn. Ông Đinh Văn Anh, Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Thạch, cho biết: “Xã đang vận động người dân ở thôn 2, 3 triển khai các phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, sẵn sàng di dời nếu nước lũ tiếp tục lên”.
Một số điểm chia cắt khác ở Quảng Bình như cầu Khe Đèng trên QL15 qua xã Kim Hóa, cầu Khe Trợ trên đường về xã Thuận Hóa, cầu Khe Nâm tại xã Đức Hóa… Còn tại vùng cao H.Lệ Thủy, nước lũ chia cắt nhiều ngầm tràn ở Km 25 đường 10 (đoạn qua xã Ngân Thủy) và nhiều tuyến tại xã Lâm Thủy. Chính quyền các địa phương phải tổ chức chốt trực, đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, tại TP.Đồng Hới, lũ trên sông Nhật Lệ cũng dâng cao.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), mưa lớn làm ngập tuyến đường vào 7 xã vùng Lìa, gây tắc cục bộ ít nhất 9 điểm tại xã Pa Tầng, A Xing, Thuận... Ở thị trấn vùng biên Lao Bảo, nước sông Sê Pôn đang dâng rất cao, người dân phải huy động phương tiện chạy lũ. Tại H.Đakrông, tuyến đường Ba Lòng - Hải Phúc nước đã vượt cầu tràn hơn 1 m. Trong khi đó, Chi cục Quản lý đường bộ 2 cho biết đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn Đakrông - Tà Rụt xuất hiện trên 20 điểm sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở lớn, giao thông chia cắt; công nhân đang khẩn trương giải tỏa hiện trường và tạm thông xe.

Bị nước lũ chia cắt, hàng trăm người dân ở Quảng Bình phải di chuyển bằng thuyền

Sạt lở đe dọa công trình, nhà dân

Trong đêm 2.9 rạng sáng 3.9, người dân bất ngờ phát hiện đường dẫn lên cầu R Lây (xã Pa Nang, H.Đakrông, Quảng Trị) sạt lở nặng phần móng, chỉ còn lại phần nhựa đường “mỏng” tang. Vì thế, không ai dám bước qua cầu dù đây là cây cầu độc đạo dẫn vào trụ sở UBND xã và các trường học. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cầu này được đầu tư hơn 3 tỉ đồng, dài 16 m, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 25.9.2018.
Chiều 3.9, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Quảng Trị đã có báo cáo nhanh về vụ việc, trong đó cho rằng nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 5, mưa to kéo dài. Trước mắt, ban quản lý yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp xử lý kỹ thuật tạm thời và yêu cầu chính quyền địa phương thông báo đến người dân không qua lại.

Cận cảnh đường dẫn lên cầu R Lây bị sạt lở mất phần móng

Tại H.Triệu Phong, tối 2.9, một trận lốc đã quét qua thôn Lệ Xuyên và Bồ Bản (xã Triệu Trạch) khiến 12 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó 4 nhà tốc trên 70%; nhiều cây trồng bị hư hại. Ông Phan Quang Giải, Phó chủ tịch UBND H.Triệu Phong, cho hay sáng 3.9 lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi và bàn cách hỗ trợ cho người dân thiệt hại.
Chiều qua 3.9, UBND H.Tây Giang (Quảng Nam) cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã vùng cao bị sạt lở nghiêm trọng, ngập úng tại một số điểm trũng thấp. Hiện mực nước tại các sông, suối ở trên địa bàn đang dâng cao. Ông Bríu Hồ, Chủ tịch UBND xã Ch'Ơm (H.Tây Giang), cho biết ít nhất có 3 điểm sạt lở trên các tuyến đường từ trung tâm xã về các khu tái định cư. Điểm sạt lở nặng nhất xảy ra vào sáng sớm 3.9 tại khu vực thôn Achoong, đất đá từ taluy dương tràn xuống lòng đường. Nhiều tuyến đường đi lên trung tâm các xã Lăng và Dang bị ngập sâu gần 0,5 m. Địa phương huy động lực lượng dân quân và người dân tạm thời thông tuyến nhưng cũng khuyến cáo hạn chế đi lại lúc trời mưa, đêm tối, đề phòng sạt lở đất hoặc lũ quét.

Lúa ngập úng, cá nuôi chết hàng loạt

Mưa lũ dồn dập, miền Trung oằn mình

Mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở H.Đakrông (Quảng Trị) bị chia cắt hoàn toàn do nước lũ

Ảnh: Thanh Lộc

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 29.8 - 3.9, trên địa bàn có mưa lớn, lượng mưa phổ biển từ 200 - 300 mm; một số nơi có lượng mưa lớn như H.Yên Định 406 mm, xã Bát Mọt (H.Thường Xuân) 337 mm, H.Ngọc Lặc 341 mm, H.Triệu Sơn 305,6 mm... Mưa kèm lốc xoáy gây hư hỏng hoàn toàn 3 nhà dân, 229 ngôi nhà khác bị tốc mái và hư hỏng, 396 công trình phụ bị thiệt hại, 335 nhà dân và 15 phòng học bị ngập nước. Hơn 8.446 ha lúa mùa của người dân bị đổ, ngập; hơn 3.000 ha các loại cây rau màu, cây trồng hằng năm bị ảnh hưởng. Trên 7 quốc lộ sạt lở tổng cộng 127 điểm.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết đến chiều cùng ngày đã có trên 10 xã của huyện bị nước lũ chia cắt, ngập cục bộ, gồm: Gia Phố, Hương Lâm, Phúc Đồng, Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Trạch... Mưa lũ đã làm ngập tổng cộng khoảng 1.000 ha lúa, khoảng 1.000 ha bưởi Phúc Trạch có nguy cơ rụng quả do ngập úng. Hàng chục nhà dân ở các xã Thạch Ngọc, Thạch Hội, Thạch Hải (H.Thạch Hà) bị mưa lớn, lốc xoáy làm tốc mái; hàng chục mét tường rào và gần 500 m đường dây điện bị đứt, 97 ha lúa và 72 ha hoa màu bị hư hại.
Sáng 3.9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã tới kiểm tra quy trình xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Ông Hưng yêu cầu nhà máy phân công cán bộ, nhân viên ứng trực, theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, thực hiện quy trình vận hành, xả lũ theo quy định; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình đầu mối; thường xuyên cập nhật và thông báo cho chính quyền, nhân dân vùng hạ du về tình hình an toàn của hồ, kế hoạch, lưu lượng xả lũ theo quy định.
Tại Quảng Trị hiện cũng còn 4.483 ha diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch, khoảng 1.700 - 2.000 ha có nguy cơ bị ngập úng hư hỏng nặng. Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, từ ngày 2 đến chiều 3.9 có mưa to, có nơi mưa rất to. Toàn tỉnh còn khoảng 1.106 ha lúa cần thu hoạch trước ngày 5.9. Trên sông Bồ qua H.Quảng Điền đã xảy ra tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt. Tính đến chiều 3.9, đã có hơn 80 lồng cá bị chết, ước thiệt hại khoảng 16 tấn, nguyên nhân ban đầu được xác định là nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ.

Tàu thuyền gặp nạn, nhiều ngư dân mất tích

 
Mưa lũ cũng đang khiến tàu thuyền của ngư dân trong vùng chịu thiệt hại lớn. Khoảng 8 giờ ngày 2.9, tàu cá QNa 91928 TS do ông Bùi Văn Quốc (42 tuổi, ở H.Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng 43 ngư dân trên đường vào bãi Thuyền Chài (thuộc quần đảo Trường Sa) tránh bão, khi cách bãi Thuyền Chài 10 hải lý thì bị sóng đánh chìm, mất liên lạc. Đến 14 giờ 30 phút ngày 3.9, các tàu đang tránh trú ở bãi Thuyền Chài đã phát hiện, cứu được 41 thuyền viên trong tình trạng sức khỏe yếu; 3 ngư dân khác mất tích. Vùng 4 Hải quân đã điều tàu tàu KN 420 ra ứng cứu.
Chiều 3.9, ngư dân địa phương cũng hỗ trợ trục vớt ngư lưới cụ và tàu QB 91354 TS của ông Nguyễn Thanh Lương (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) đang neo đậu trên sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Cũng tại Quảng Bình, tối 2.9 chị Hồ Thị Chăn (30 tuổi, xã Trọng Hóa, H.Minh Hóa) bị mất tích nghi do lũ lớn; chính quyền địa phương và gia đình đang tổ chức tìm kiếm.
Theo Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển, trong ngày 3.9 tàu cá KH 96543 của ông Huỳnh Thanh Lịch (ngụ Vĩnh Hòa, Nha Trang) bị hỏng máy trôi dạt với tốc độ 0,1 hải lý/giờ, trên tàu có 5 ngư dân trong thời tiết sóng gió cấp 6, giật cấp 7, biển động mạnh. Trưa 2.9, tàu cá PY 90187 hoạt động cách đảo Phú Quý, Phan Thiết khoảng 88 hải lý về phía đông thì ngư dân Huỳnh Phúc Vũ (50 tuổi, quê Phú Yên) xuống thúng câu mực và bị cuốn mất tích, tàu cá huy động nhiều tàu xung quanh tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.