Mua bán người 'núp bóng' nhiều hình thức

18/10/2015 06:10 GMT+7

Tình trạng mua bán người đang diễn biến phức tạp, nhất là ở tuyến biên giới, với quy mô ngày càng lớn.

Tình trạng mua bán người đang diễn biến phức tạp, nhất là ở tuyến biên giới, với quy mô ngày càng lớn.

Bị cáo Trần Ngọc Muội (phải) và Nguyễn Thị Ly bị TAND TP.Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 18.5 về tội mua bán người - Ảnh: Mai TrâmBị cáo Trần Ngọc Muội (phải) và Nguyễn Thị Ly bị TAND TP.Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 18.5 về tội mua bán người - Ảnh: Mai Trâm
Tại hội nghị cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới VN - Lào, VN - Campuchia, do Bộ Công an tổ chức gần đây tại TP.Cần Thơ, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, nhận định tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất hoạt động phạm tội xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, gây cản trở cho công tác điều tra, khám phá và giải cứu nạn nhân. Tại biên giới VN - Lào, nạn nhân chủ yếu tập trung từ các tỉnh miền Trung đã bị đưa sang Lào làm gái mại dâm hoặc lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trường và bị bóc lột sức lao động tại các khu khai thác khoáng sản.
Bọn tội phạm thường dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm trá hình hay đưa đến các mỏ vàng, công trường xây dựng ở Lào để bóc lột sức lao động.
Đại tá Nguyễn Xuân Bắc, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cũng cho biết các dịch vụ giải trí như vũ trường, sòng bạc, massage phía Campuchia phát triển, kéo theo nhu cầu tuyển nhân viên nữ.
Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ ở các tỉnh Tây Nam bộ thiếu việc làm, trình độ thấp đã bị lừa gạt đưa sang Campuchia. Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện trên 1.000 phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú với lý do “đi làm ăn xa”, nhưng chủ yếu là qua Campuchia và Trung Quốc. “Đây là những nạn nhân tiềm tàng của hoạt động mua bán người. Do vậy, số vụ trên tuyến biên giới VN - Lào, VN - Campuchia trung bình hằng năm chiếm khoảng 6% trên tổng số vụ mua bán người được phát hiện trong toàn quốc”, đại tá Bắc cho biết.
Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát, thời gian qua, tội phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để ép các nạn nhân hoạt động mại dâm, ép làm vợ bất hợp pháp; mua bán người thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, thông qua hình thức đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh… Các đối tượng chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài bán (chiếm 90%, trong đó sang Trung Quốc chiếm 70% tổng số vụ).
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cần chú ý thực hiện có hiệu quả Hiệp định song phương về hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người đã được ký kết giữa Chính phủ VN - Lào; VN - Campuchia.
Đặc biệt là tính cấp thiết lập đường dây nóng để trao đổi thông tin giữa Tổng cục Cảnh sát VN với Tổng cục Công an quốc gia Campuchia và Tổng cục Cảnh sát Bộ An ninh Lào nhằm tăng cường mối quan hệ của các nước. Xây dựng cơ chế liên lạc, trao đổi thông tin, điều tra xác minh, truy nã tội phạm, xác định nạn nhân bị mua bán, giải quyết và xử lý đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Năm 2014, toàn quốc đã xảy ra 469 vụ mua bán người, liên quan 685 người và 1.031 nạn nhân.
Khoảng trong nửa năm 2015, cả nước phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người đã lừa bán 508 nạn nhân.
Đáng lưu ý, theo thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, tình hình hoạt động tội phạm mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em (trong đó có cả trẻ sơ sinh, học sinh) tại các tỉnh biên giới phía bắc cũng diễn ra phức tạp; chỉ riêng 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Lai Châu, 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 20 vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.