Mua bán hàng chục ngàn chứng chỉ giả qua Facebook

03/06/2016 06:04 GMT+7

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Gia Lai đã bắt, khởi tố 10 người, tịch thu hơn 22.000 tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại và tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật khác liên quan đến vụ án.

Sau gần 3 tháng vào cuộc, hôm qua (2.6), Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an nhiều tỉnh, thành phố phá đường dây làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Gia Lai đã bắt, khởi tố 10 người, tịch thu hơn 22.000 tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại và tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật khác liên quan đến vụ án.
Từ nạn nhân thành kẻ mua bán
Trước đó, ngày 23.2.2016, các trinh sát Phòng ANĐT Công an tỉnh Gia Lai mật phục bắt quả tang Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi, trú xã Bầu Cạn, H.Chư Prông) và Đinh Thanh Lam (29 tuổi, trú TT.Phú Hòa, H.Chư Păh, Gia Lai) đang mua bán chứng chỉ tiếng Anh giả trình độ C.
Tại cơ quan công an, Phương khai sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng thông tin nhận làm chứng chỉ các loại A, B, C ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm.
Khi những người có nhu cầu liên lạc qua điện thoại, Phương hẹn gặp trực tiếp để hướng dẫn cách giao dịch và cung cấp những thông tin liên quan làm các giấy tờ, chứng chỉ giả.
Theo đó, một chứng chỉ ngoại ngữ có giá 800.000 đồng, người mua phải cung cấp 3 ảnh cá nhân, ghi những thông tin liên quan vào phía sau ảnh. Phương tiếp tục liên lạc với một người khác ở Hà Nội để chuyển ảnh, cung cấp thông tin làm chứng chỉ. Trong vòng từ 5 - 10 ngày, chứng chỉ giả được chuyển qua đường bưu điện theo địa chỉ của Phương. Với thủ đoạn trên, Phương đã nhận làm giả một số chứng chỉ tài liệu cho nhiều người trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Cơ quan công an đã điều tra, xác định danh tính nghi phạm ở Hà Nội là Lê Quang Lâm (28 tuổi, quê Bắc Giang) đang tạm trú tại Q.Bắc Từ Liêm. Đầu tháng 3.2016, Phòng ANĐT Công an tỉnh Gia Lai phối hợp Cục ANĐT Bộ Công an bắt khẩn cấp Lâm và bạn gái là Phạm Thị Hồng An (22 tuổi, quê Thái Bình), đang tạm trú tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Lâm khai năm 2015, do muốn làm chứng chỉ tiếng Anh, tin học để bổ sung vào hồ sơ xin việc nên đã dò hỏi, tìm mua với giá 700.000 đồng/chứng chỉ. Thấy việc mua bán thuận lợi, Lâm nảy sinh ý định mua, bán chứng chỉ giả kiếm lời.
Lâm lập địa chỉ Facebook với nickname “làm chứng chỉ” rồi đăng tin nhận thi, cấp chứng chỉ tin học và ngoại ngữ… kèm theo số điện thoại liên hệ. Mỗi chứng chỉ Lâm bán với giá 450.000 - 500.000 đồng. Còn An khai thấy bạn trai kiếm tiền dễ dàng từ việc mua bán chứng chỉ, bằng cấp giả nên đã tham gia. Từ tháng 7.2015 đến khi bị bắt, An đã mua, bán hơn 50 chứng chỉ Anh văn, tin học giả cho nhiều người ở các tỉnh Nam Định, Sơn La, Cà Mau,
Đà Nẵng với giá từ 350.000 - 400.000 đồng/chứng chỉ. Người mua chuyển tiền vào tài khoản của Lâm và An, chứng chỉ giả sau đó chuyển lại qua đường bưu điện.
Cựu cán bộ Phòng Nội vụ cầm đầu
Từ manh mối trên, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ Hoàng Đức Huấn (30 tuổi, trú H.Đan Phượng, Hà Nội), Lê Quang Phát (25 tuổi, trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội), Trịnh Văn Nam (26 tuổi, trú H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Trịnh Văn Chung (27 tuổi, trú H.Nghĩa Hưng, Nam Định), Nguyễn Quốc Phương (40 tuổi, trú TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Võ Trần Xuân Đan (46 tuổi, trú H.Tân Châu, An Giang).
Theo Công an tỉnh Gia Lai, Huấn là người cầm đầu đường dây. Tháng 12.2014, Huấn vào mạng internet đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả của một người tên Huyền ở Hà Nội với giá 120 triệu đồng, sau đó mua máy in màu và cài đặt phần mềm để in chứng chỉ giả, làm ra hàng trăm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm giả để bán.
Sau đó, Trịnh Văn Chung đặt mua 1.000 phôi chứng chỉ giả có sẵn chữ ký, con dấu giả từ Huấn để in bán lại kiếm lời.
Qua khám xét nơi ở của các bị can trên, công an tịch thu hơn 22.000 phôi chứng chỉ giả của một số cơ quan, tổ chức. Trước khi bị bắt, Huấn là cán bộ công tác tại Phòng Nội vụ UBND H.Đan Phượng, Hà Nội.
Đại tá Vũ Quang Khuyến, Trưởng phòng ANĐT Công an tỉnh Gia Lai, cho biết cơ quan công an đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 20 trường hợp mua và sử dụng chứng chỉ giả, đã tiến hành tịch thu và xử lý theo quy định.
“Bên cạnh tiếp tục mở rộng điều tra vụ án chúng tôi sẽ phối hợp, tham mưu cho Sở Nội vụ của các tỉnh có đối tượng mua bán chứng chỉ giả tiến hành rà soát, kiểm tra bằng cấp, các chứng chỉ liên quan của cán bộ, viên chức nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý các trường hợp vi phạm”, đại tá Khuyến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.