Một ngày ở bệnh viện dã chiến số 6

20/07/2021 07:37 GMT+7

Số ca nhiễm Covid-19 được đưa vào các bệnh viện dã chiến những ngày này như những đợt sóng thần không ngớt.

Các y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch ngày đêm quay cuồng vẫn không kịp tiếp nhận bệnh nhân. Họ làm việc như những cỗ máy nhưng vẫn đầy cảm xúc.

Chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

F0 may mắn vì không bị... bỏ rơi

Bệnh viện dã chiến số 6 (BVDC) tọa lạc P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Khu điều hành BVDC lọt thỏm giữa những block chung cư đã kín F0 với tầng tầng quần áo, mùng mền phơi đầy lan can. 16 giờ 30 nắng chiều vẫn còn gắt, dân quân vẫn quần quật vận chuyển đồ đạc, mùng, mền chiếu, lương thực thực phẩm. Y bác sĩ mặt mày hốc hác, chạy nhiều hơn đi, lật đật lấy từng hộp cơm, viên thuốc để đưa tới bệnh nhân.
“Nhà tôi có 5 người đang điều trị Covid-19 ở đây. Ngày đầu vào đây không có nước, cơm thì bữa trưa phải đợi tới chiều, thiếu thốn đủ thứ nên tôi bức xúc. Nhưng vài ngày sau đó, tôi thấy nhân viên y tế ở đây quá nhiều việc. Thậm chí có người hôm trước còn mang thuốc tới tận phòng cho bệnh nhân hôm sau vắng mặt vì... đã dương tính và phải vào khu điều trị. Từ đó, tôi kiên nhẫn, chấp nhận những thiếu thốn và cảm thông với những điều chưa trọn vẹn”, anh Nguyễn Văn Dũng (bệnh nhân F0 tại Q.3) chia sẻ.
Một ngày ở bệnh viện dã chiến số 61
Một ngày ở bệnh viện dã chiến số 62
Ở một phòng khác, em Võ Huynh (21 tuổi, sinh viên đại học, trọ tại TP.Thủ Đức) rưng rưng khi nhận được hộp cơm từ tay anh Phan Minh Hoàng, Giám đốc BVDC. Nhiệm vụ phát cơm cho bệnh nhân đã được giao cho nhân viên y tế trong kíp trực. Tuy nhiên, lúc đó lại có nhiệm vụ phát sinh nên nhân viên chạy đi trước. Đúng lúc này, anh Hoàng trên đường thăm bệnh nhân trở nặng thấy muộn nên nhanh chóng tự tay phát cơm cho các bệnh nhân.
Huynh chia sẻ: “Gần hai tháng nay em ở phòng học online, không ra ngoài tiếp xúc với ai nhưng khi xét nghiệm lại dương tính. Em bất ngờ lắm, không thấy triệu chứng và cũng không biết nguồn lây từ đâu”. Nói rồi cậu sinh viên rưng rưng: “Từ chỗ em nằm nhìn xuống, nhà điều hành BVDC luôn sáng đèn, thấy các anh chị nhân viên y tế chân tay không ngưng nghỉ em lại cảm thấy may mắn vì mình đã được chăm sóc và không bị bỏ rơi trong đại dịch”.

Nữ bác sĩ bệnh viện dã chiến Covid-19: Nhớ con lắm nhưng Tổ quốc đang cần…

“Càng đông, càng gấp, càng phải... cẩn trọng”

BVDC được thành lập ngày 10.7, vận hành bởi nhân viên y tế thuộc BV Phục hồi chức năng, BV Chợ rẫy, BV Đại học Y Dược TP.HCM. Sau đó được tăng viện 70 y bác sĩ từ Quảng Ninh vào. Cùng là đồng nghiệp nhưng khác đơn vị nên để công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân không bị rối, BVDC chọn cách tương tác qua Zalo.
Một ngày ở bệnh viện dã chiến số 63

Chị Nguyễn Thị Hiền, “tổng quản” BVDC đã 8 ngày chưa bước chân ra khỏi khu dã chiến

Trong ca trực lãnh đạo của mình, bác sĩ Vũ Minh Đức - CK2 (BV Chợ Rẫy), phụ trách toàn bộ việc tiếp nhận, phân bổ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế điều trị bệnh nhân, đồng thời giải quyết tất cả vấn đề nảy sinh liên quan tới bệnh nhân và đội ngũ y tế. Ca trực của bác sĩ Đức vẫn như thường lệ là từ 7 giờ hôm nay tới 7 giờ hôm sau. Tuy nhiên, nhiệm vụ ở BVDC hiện tại hoàn toàn khác, phạm vi tương tác làm việc của bác sĩ là kết nối với mạng lưới y tế toàn TP (thay vì trong phạm vi BV như trước đây).
Cầm trong tay danh sách các BV tiếp nhận điều trị Covid-19 trên toàn TP, bác sĩ Đức luôn sẵn sàng để gửi, chuyển bệnh nhân. Sau giờ trưa, bác sĩ Đức nhận thông tin cụ bà 80 tuổi bệnh trở nặng, không ăn uống được cần chuyển viện điều trị gấp. Mùa dịch, hàng loạt BV có trong danh sách không thể nhận thêm bệnh vì quá tải. Dù vậy, bác sĩ Đức vẫn kiên trì bấm từng số điện thoại. Chiếc điện thoại vừa sạc trước đó nhưng vì hoạt động không nghỉ nên liên tục báo pin yếu. May mắn, BV Thủ Đức (TP.Thủ Đức) đồng ý nhận bệnh. Một tiếng “dạ” kéo dài cùng cái cúi người kèm lời cảm ơn. Tìm được chỗ tiếp nhận bệnh nhân trở nặng với bác sĩ Đức lúc ấy có lẽ là niềm vui không thể tả bằng lời. Ông nhanh chóng viết giấy chuyển bệnh và điều động bác sĩ, điều dưỡng sắp xếp xe và các vật dụng cần thiết để đưa bệnh nhân đi.
Một ngày ở bệnh viện dã chiến số 64

Bác sĩ Vũ Minh Đức (BV Chợ Rẫy) trong vai trò trực lãnh đạo điều hành nhân viên y tế trong khu dã chiến với hàng núi công việc trong ngày

Việc này chưa dứt thì bác sĩ Đức lại tiếp tục phải xử lý vấn đề khác. Trường hợp một F0 4 tuổi ở BVDC số 6 vừa được xét nghiệm dương tính. Ba mẹ cháu cũng dương tính, đang được điều trị ở BV Miền Đông muốn con về cùng ba mẹ điều trị. Chuyện tưởng đơn giản nhưng lại khó bởi trong lúc nhân viên y tế đang bù đầu, không tìm ra một người đủ tin tưởng để đi giao bệnh.
Dù BV Miền Đông đã sắp xếp một xe cứu thương, một bác sĩ, một điều dưỡng cùng tài xế đang đứng chờ, nhưng bác sĩ Đức không yên tâm và chưa thể bàn giao: "Tôi không thể để một cháu bé lên xe mà không có một người mình biết. Khi tôi giao bệnh đi phải có ít nhất là một điều dưỡng hoặc một bác sĩ của mình để lỡ trên đường đi có trục trặc, bệnh nhân trở nặng hay biến chứng thì có thể can thiệp ngay”, bác sĩ Đức giải thích.
Trong lúc dịch giã hoành hành, ai cũng quay cuồng trong công việc, bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp luôn tự nhắc mình: “Càng đông, càng gấp càng phải...cẩn trọng”.

Bản tin Covid-19 ngày 20.7: Cả nước 4.795 ca; TP.HCM 3.322 bệnh nhân nhưng tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng đang giảm

“Tổng quản” khu dã chiến

Thành lập BVDC số 6, chị Nguyễn Thị Hiền (Trưởng phòng Điều dưỡng BV Phục hồi chức năng) được cử sang làm "tổng quản". Tám ngày BV đi vào hoạt động là 8 ngày chị Hiền không bước chân ra khỏi khu dã chiến. Việc ăn, ngủ của chị không có giờ cố định. Khi nào thấy kiệt sức chị nằm đại vào một góc nào đó chợp mắt, nhưng chưa tròn giấc đã có người gọi lấy mền, lấy gối, lấy móc phơi, xin cơm ăn hay lấy gói mì... Dù đã quen công tác quản lý nhưng ở đây, chị phải lo ăn, ở cho hơn 400 nhân viên y tế trong đó có 100 dân quân. Công việc nào cũng gấp rút như thời chiến khiến chị không thể ngơi tay. Đôi mắt thâm sần, lờ đờ nhưng chị bảo chị còn sức. "Trong trận người ta không thấy đuối", chị Hiền chia sẻ.

Ổn định tâm lý người bệnh trước khi trị bệnh

Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc BVDC kiêm Giám đốc khu cách ly ĐH Sài Gòn TP.HCM, kiên trì nguyên tắc: Ổn định tâm lý người bệnh rồi mới trị bệnh. Theo anh Hoàng, tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất. Vì thế, tất cả nhân viên y tế ở BVDC đều được phổ biến kỹ năng tiếp xúc, an lòng người bệnh khi vừa được chuyển vào khu cách ly.
Dù là giám đốc 3 BV cùng lúc với hàng núi công việc nhưng bác sĩ Hoàng vẫn chú ý từng bữa ăn của bệnh nhân. Thậm chí anh còn tự tay dọn rác ở khu cách ly khi nhân viên vệ sinh quá tải. “Thời gian này ai cũng nhiều việc. Điều dưỡng, hộ lý, lao công đều kiệt sức nên thấy việc là phải chung tay vào”, anh Hoàng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.