Mong các vị được bầu, phê chuẩn đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đây là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi đi trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc chiều qua (29.7).

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại kỳ họp này, QH đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. “QH mong muốn các vị được bầu, phê chuẩn tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan nói riêng và của cả bộ máy nhà nước nói chung, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước”, Chủ tịch QH phát biểu.
Cuối năm 2017 sẽ trình luật Biểu tình
Ngay trước phiên bế mạc, với 94,53% tổng số đại biểu (ĐB)QH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Theo đó, dự án luật Biểu tình được QH quyết định rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, chuyển sang năm 2017 để cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm.
Xem lại sự tồn tại của dự án Formosa
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngoài ĐB của Hà Tĩnh, 3/4 đại diện đến từ các tỉnh chịu hậu quả nặng nề nhất của sự cố môi trường vừa qua đã lên tiếng.
“Sự cố này làm cho Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con rất bức xúc, phẫn nộ", ông Trần Công Thuật, Phó bí thư tỉnh Quảng Bình bày tỏ. Trong khi đó, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, còn gì đau buồn và đáng lo hơn khi ngư dân không còn vươn khơi bám biển. "Người dân vẫn chờ câu trả lời bao giờ biển như xưa. Nếu không trả lời được câu này thì cần xem lại sự tồn tại của dự án Formosa", ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) bổ sung.
Ngoài việc yêu cầu Chính phủ phải tổng rà soát các dự án đã, đang đầu tư, nhất là công trình, nhà máy ven biển để xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, thậm chí kiên quyết cho dừng hoạt động, các ĐB cũng nhấn mạnh đến việc cần xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã chuyển công tác.
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, cho biết ngày 28.7 phía Formosa thực hiện cam kết chuyển cho VN số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Theo ông Hà, đến nay các công việc liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ những người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Dự kiến ngày 15.8, các thông tin về chất lượng môi trường sẽ được thông qua các hội đồng với sự tham gia của các nhà khoa học để đưa ra các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm.
Nhiều vấn đề bức xúc chưa được đề cập
Dù cơ bản đồng ý với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), còn một số diễn biến mới phức tạp trên thực tế mà cử tri rất quan tâm song chưa được đề cập đầy đủ trong báo cáo. Bà Phúc dẫn chứng, đó là chuyện đuối nước tập thể, nhất là trong thanh, thiếu niên xảy ra ở nhiều địa phương gây bàng hoàng trong nhân dân. Việc kiểm soát, kiểm định, quản lý các phương tiện giao thông thủy nội địa, đặc biệt là tàu du lịch chở khách không bảo đảm an toàn, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông đường thủy. Tình hình người Trung Quốc nhập cư trái phép hoạt động mua bán hàng hóa, lũng đoạn thị trường hoặc hoạt động du lịch trái phép chưa được các ngành chức năng quản lý tốt đã đặt ra không ít khó khăn thách thức cho nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó, theo nữ ĐB này, cử tri còn bức xúc tình trạng nhiều công trình được đầu tư từ ngân sách T.Ư đang chậm tiến độ do khó khăn về vốn nên không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. "Như tại Bình Thuận, nhiều công trình thủy lợi đang thi công dở dang như hồ sông Móng, kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân", bà Phúc dẫn chứng.
Ông Võ Kim Cự vào Ủy ban Kinh tế vì có “học vấn phù hợp”
Đây là lý giải của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH tại cuộc họp báo chiều qua (29.7). Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được cho là có trách nhiệm và sai phạm trong vụ Formosa gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân miền Trung cũng như kinh tế của cả nước nhưng vẫn được phê chuẩn là thành viên của Ủy ban Kinh tế của QH. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc ông Cự có trách nhiệm liên quan vụ Formosa và việc ông này được tham gia vào Ủy ban Kinh tế của QH là 2 việc khác nhau.
Theo ông Phúc, ông Cự là cử nhân chuyên ngành tài chính - kế toán, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh nên với học vấn này việc ông Cự tham gia vào Ủy ban Kinh tế là phù hợp. Còn việc ông Cự, với tư cách là Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, theo ông Phúc, quyết định cho Formosa thuê đất 70 năm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận không đúng thẩm quyền của địa phương. “Bản thân ông Cự nhận việc sai của tỉnh trong việc cấp phép không đúng thẩm quyền. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo Chính phủ về thời hạn cho thuê 70 năm. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT vào xem xét và đã xác định là không đủ điều kiện cấp phép 70 năm cho Formosa”, ông Phúc cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.