'Mòn mỏi thân phận 40 năm oan khuất': Đoàn tụ tại tòa sau 40 năm ly biệt

20/11/2018 07:00 GMT+7

Ở hàng ghế cuối của phiên tòa, lần đầu tiên, ông Hồ Long Chánh được gặp con gái ruột, người mà ông tưởng đã chết 40 năm trước. Cuộc đoàn tụ của gia đình 3 người, lần đầu tiên sau 40 năm, là ở một phiên tòa.

Ngày 19.11, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Văn Dũng  ở ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, H.Gò Dầu, Tây Ninh)  kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh trong vụ 'Mòn mỏi thân phận 40 năm oan khuất' mà Thanh Niên đã phản ảnh. 
Tòa vừa diễn ra, vài người thân dắt ông Hồ Long Chánh vào hàng ghế cuối. Ông Chánh là 1 trong số 8 người bị bắt vì bị cho là liên quan đến vụ cướp 5 chỉ vàng ở xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, Tây Ninh vào năm 1979. Ông Chánh cũng là 1 trong số 7 người vẫn mang trên mình thân phận của 1 "bị can" ròng rã 40 năm qua. Ngồi bên cạnh ông trên hàng ghế cuối là chị Nguyễn Thị Tuyết, con gái của ông Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, người con gái mà ông Chánh tưởng đã chết từ hơn 40 năm trước.
“Con gái ông đấy”, một người thân đặt tay ông lên vai cô con gái. Bờ vai rung lên, nước mắt lại trào, chị Nguyễn Thị Tuyết chưa dám ngẩng lên nhìn cha. Trong khi đó, ông Chánh vẫn ngơ ngác không biết người ngồi cạnh mình là ai.
Lúc này, chúng tôi phải dẫn ông Chánh ra ngoài để nói to vào tai ông: “Khi đi tù cô Lan (vợ ông Chánh - PV) có bầu, đứa bé đó thật ra chưa chết. Chị ấy vừa ngồi cạnh chú đấy”. Ông Chánh ngẩn ngơ.
Ông bảo ngày ở tù, ông nghe nói con mình sau khi đẻ ra đã chết. Con chết, cả nhà bên vợ đi tù và mang tiếng là cướp, ông sợ về lại xã Đôn Thuận sẽ chẳng còn đất dung thân nên sau khi ra tù thì đi biệt. Từ đó tới nay, chưa một lần nào ông gặp lại bà Lan. Càng không bao giờ nghĩ trên đời mình còn một đứa con gái.
[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
40 tuổi, lần đầu tiên ngồi lọt giữa ba và mẹ ngay trên băng ghế ở tòa, chị Tuyết chỉ biết lau nước mắt. Dù vui nhưng chị lại lo: “Sau khi ra tù vài năm, ba đã có gia đình. Tôi rất sợ sự tồn tại của mình sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống vốn đang yên bình của cha mẹ”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết xúc động khi lần đầu được gặp cả cha và mẹ khi đã ở cái tuổi 40 Ảnh: Ngọc Dương
“Sau khi ra tù vài năm, ba đã có gia đình. Tôi rất sợ sự tồn tại của mình sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống vốn đang yên bình của cha mẹ”, chị Tuyết nói Ảnh: Ngọc Dương
Sau cuộc đoàn tụ bất ngờ ở tòa, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của cả ông Chánh và bà Lan.
Ở phiên tòa hôm nay, lần đầu tiên bà Lan không gọi cái từ “thằng Chánh” nữa mà gọi người chồng cũ là ông. Gặp lại người vợ sau 40 năm chưa nhìn lại một lần, chân run, đi một bước cũng phải có người dìu, ông Chánh đỡ lấy tay người vợ cũ, mắt rưng rưng. Bà Lan không gạt tay chồng cũ đi. Với bà, đấy là một sự tha thứ. Tất cả hiểu lầm được xóa nhòa, nỗi đau của từng người trong gia đình nhỏ, nhói lên nhưng rồi nhanh chóng được xoa dịu.
Gặp lại người vợ cũ sau 40 năm, ông Chánh run rẩy cầm tay bà Lan, mắt rưng rưng Ảnh: Ngọc Dương
Ông Chánh đỡ lấy tay người vợ cũ, bà Lan không gạt tay chồng cũ đi. Với bà, đấy là một sự tha thứ Ảnh: Ngọc Dương
Lần đầu tiên gia đình 3 người, ông Chánh, bà Lan và con gái được đoàn tụ. Trớ trêu thay nơi đoàn tụ của họ lại là ở cửa tòa Ảnh: Ngọc Dương
40 năm, lần đầu tiên gia đình 3 người được đoàn tụ, trớ trêu thay nơi đoàn tụ của họ lại là ở cửa toà. Họ đã bước qua bi kịch thứ nhất là giải toả những hiềm khích trong lòng.
Tuy nhiên, trước mắt họ là một quãng đường dài sẽ phải đi. Liệu ông Chánh, bà Lan có được giải oan? Và bao giờ gia đình họ mới có được niềm vui trọn vẹn?
Chị ấy chỉ cần có mẹ
Ngày 29.10, đọc đi đọc lại lời của ông Hồ Long Chánh (bị tình nghi trong vụ cướp vàng bị bắt đêm 26.7.1979) trên Báo Thanh Niên, chân tay bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ cũ ông Chánh) run rẩy.
Bà thổn thức thú nhận với người thân việc đứa con bà sinh ra trong tù năm xưa thật ra vẫn... chưa chết. Đứa bé năm ấy đã được vợ chồng ông Trần Quốc Lục (còn gọi là Út Lục, Công an H.Trảng Bàng thời kỳ 1979) và bà Ngô Thị Phanh (vợ ông Lục) nhận nuôi.
Cầm trên tay chiếc điện thoại có hình ảnh một người con gái mà tôi đưa, bà Lan áp sát mắt, nhịp thở gấp gáp, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Không gian tịch lặng. “Cô có biết người này không?”, nghe tôi hỏi, bà Lan ngước lên hỏi lại, giọng run run: “Sao cô biết nó?”. Tôi nắm lại bàn tay bà hỏi tiếp: “Cô có muốn nhận lại chị ấy không? Chị ấy nói không cần tiền bạc, nhà cửa của cô. Chị ấy chỉ cần có mẹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.