Mỗi năm, 500 ha đất nhào xuống sông

Vụ sạt lở trên sông Vàm Nao (An Giang) sáng 22.4 làm hàng chục ngôi nhà biến mất trong tích tắc khiến dư luận bàng hoàng.

Thế nhưng, thực tế còn kinh hoàng hơn khi với hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, cả vùng ĐBSCL trung bình mất hơn 500 ha đất mỗi năm, mà một trong những nguyên nhân là nạn khai thác cát quá mức.
Ngày 24.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục sạt lở đất bờ sông Vàm Nao, đoạn thuộc ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang). Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo, hạn chế người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở; tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản...
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện khắc phục sạt lở, đảm bảo an toàn và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực sạt lở, báo cáo đề xuất Thủ tướng giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nỗi lo hố xoáy tử thần
Theo báo cáo nhanh về tình hình sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, Sở TN-MT An Giang nhận định nguyên nhân chủ yếu là tại vị trí sạt lở xuất hiện 1 hố xoáy sâu với chiều dài 380 m, chiều ngang 120 m, độ sâu âm đến 42 m. Chiều 23.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết tỉnh này đã mời Viện Khoa học thủy lợi VN đến khảo sát và tư vấn cho tỉnh về giải pháp khắc phục lâu dài vụ sạt lở tại H.Chợ Mới.
Thực tế, đây không phải là vụ sạt lở lớn nhất ở An Giang hay ĐBSCL từ trước đến nay. Cũng tại An Giang, cách đây vài năm, QL91 đoạn qua xã Bình Mỹ, H.Châu Phú đã bị cắt đứt hoàn toàn vì sạt lở. Nguyên nhân sau đó được xác định là bởi 3 hố xoáy lớn âm xuống lòng sông Hậu từ 18 - 20 m lấn sát vào bờ.
Tháng 10.2016, hơn 80 m bờ sông Cần Thơ (một nhánh chính của sông Hậu) đoạn đi qua P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều cũng bị sạt lở cuốn phăng, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. “Thủ phạm” cũng rất quen thuộc: do những hố xoáy rộng 22 - 25 m, sâu xuống lòng sông gây ra. Tương tự, còn hàng loạt vụ sạt lở khác xảy ra dọc 2 tuyến sông Tiền, sông Hậu hay các nhánh chính từ vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, đến hạ nguồn Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... cũng xảy ra với nguyên do cơ bản giống nhau.
Một vụ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tiền ở H.Phú Tân, An Giang Ảnh: Đình Tuyển
Khai thác cát là một trong các nguyên nhân
Sau các vụ sạt lở, chính quyền địa phương đều đưa ra hàng loạt giải pháp ứng phó nhưng theo nhiều chuyên gia về môi trường, điểm cốt yếu nhất của vấn đề lại chưa được nhận diện một cách rõ ràng. Đó là câu chuyện vì sao có những hố xoáy?
Theo số liệu của PGS-TS Lê Anh Tuấn (Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL - Trường ĐH Cần Thơ), khoảng 10 năm trở lại đây, các điểm sạt lở ở ĐBSCL nhiều hơn so với trước đây. Điểm cũ mở rộng, điểm mới hình thành. Điểm bồi ít lại, điểm lở gia tăng. Sạt lở bờ biển cũng dài hơn. Cả vùng ĐBSCL hiện có hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500 ha. Có nơi vùng biển lùi dân về phía đất liền từ 10 - 12 m mỗi năm. Và một trong những nguyên nhân được cho là do khai thác cát bừa bãi.
Nếu chỉ xét những nguyên nhân tại chỗ thì sẽ không đủ để lý giải cho tình trạng sạt lở khắp nơi, ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL. Điều cần thiết là phải xem xét sự mất cân bằng của hệ thống dòng sông bởi khi sạt lở diễn ra trên diện rộng thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
Ông Tuấn lý giải: “Cát di chuyển dưới đáy sông nhờ có dòng nước chảy mạnh. Khi khai thác cát tạo thành những hố sâu dưới lòng sông, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển. Dòng chảy “đói” cát sẽ chảy mạnh hơn gây xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển...”.
Cùng quan điểm trên, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái), cho rằng: “Nguyên nhân sạt lở thì có nguyên nhân tại chỗ và trên toàn hệ thống. Nếu xét tại một địa điểm sạt lở nào đó thì có thể do dòng chảy thay đổi, tàu thuyền, do xây dựng nhà sát bờ sông, do gần hố xoáy... Nhưng nếu chỉ xét những nguyên nhân tại chỗ thì sẽ không đủ để lý giải cho tình trạng sạt lở khắp nơi, ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL. Điều cần thiết là phải xem xét sự mất cân bằng của hệ thống dòng sông bởi khi sạt lở diễn ra trên diện rộng thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Và một trong những nguyên nhân chính là sự mất cân bằng do khai thác cát quá mức”, ông Thiện nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng khi những địa phương ở thượng nguồn khai thác cát, chắc chắn sẽ gây sạt lở chỗ khác, gây ra tác động tiêu cực cho hạ nguồn. “Nhìn vào cơ chế vận hành của cát sông Hậu và sông Tiền có thể thấy việc khai thác cát có thể gây hậu quả cách xa hàng trăm ki lô mét, chứ không phải khai thác chỗ này làm sạt lở chỗ sát bên. Sắp tới, khi có 11 đập thủy điện chắn ngang sông Mê Kông ở Lào và Campuchia, dự báo 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ không còn về ĐBSCL nữa. Như vậy, việc thiếu hụt cát do bị thủy điện chắn lại và do khai thác cát sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng, khó lường hơn”, ông Thiện nói.
TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ) nói rằng lâu nay, người dân vẫn quan niệm sạt lở như một quy luật tự nhiên: “bên lở bên bồi”. Nhưng thực tế, rất nhiều ý kiến cho là do tác động của con người, mà đậm nét nhất là chuyện khai thác cát. Và để có kết luận, thuyết phục mang tính khoa học, cần có khảo sát, đánh giá vừa mang tính tổng quan, hệ thống cả dòng sông.
Theo danh sách các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang hiện được đăng công khai trên website của Sở TN-MT tỉnh này, riêng An Giang có 8 đơn vị khai thác cát cả trên sông Tiền và sông Hậu với diện tích khai thác mỗi khu vực rộng từ 21 - 99 ha, thời hạn từ 1 - 8 năm. Riêng địa bàn xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Hậu; trong đó một khu vực vực rộng hơn 25 ha và một khu vực rộng hơn 32 ha.
Còn theo Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TP.Cần Thơ), hiện tuyến sông Hậu từ cầu Cần Thơ lên đến cầu Vàm Cống (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) có 10 mỏ cát đang hoạt động cùng 26 xáng cạp. Trong đó, Cần Thơ cấp phép 2 mỏ (7 xáng cạp) đều ở Q.Thốt Nốt; Vĩnh Long 4 mỏ (10 xáng cạp); Đồng Tháp 4 mỏ (9 xáng cạp). Các mỏ đều rộng hàng chục héc ta, lớn nhất là 81,6 ha, được khai thác âm xuống lòng sông 15 m, thời gian khai thác từ 6 - 18 giờ mỗi ngày.
Đình Tuyển
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.