Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Hôm nay xét xử phúc thẩm

Trung Hiếu
Trung Hiếu
19/11/2018 07:19 GMT+7

Trong phiên xét xử sơ thẩm trước đó, ông Nguyễn Văn Dũng (nhân vật trong bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất) được bồi thường 615 triệu đồng cho việc bị ngồi tù oan nhưng ông không đồng ý nên đã nộp đơn kháng cáo.

[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
Dự kiến, sáng nay (19.11), TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, H.Gò Dầu (Tây Ninh) kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh về “tranh chấp về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Theo đơn kiện, vào ngày 26.7.1979, ông Dũng đang là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia được cử về VN lấy tài liệu tập huấn và thăm gia đình tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh) thì bị công an bắt giữ với tội “cướp tài sản riêng của công dân”.
Trong suốt thời gian bị bắt giam, ông Dũng cương quyết không nhận tội nên đến ngày 11.5.1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với ông và trả tự do cho ông sau 3 năm 9 tháng 14 ngày ông Dũng bị tạm giam. Trong đơn khởi kiện ban đầu, ông Dũng đứng đơn kiện đòi giải quyết bồi thường cho ông cùng với 7 người bị bắt oan sai liên quan đến vụ cướp vàng năm xưa.
Tuy nhiên, đơn kiện của ông Dũng được tòa đề nghị sửa lại với nội dung chỉ yêu cầu bồi thường cho một mình ông và tách riêng những người còn lại. Điều đáng nói là 7 người này phản ánh sau khi ra tù không nhận được quyết định đình chỉ vụ án để làm cơ sở đi khiếu nại, đòi bồi thường. Ngày 12.9, TAND H.Gò Dầu xét xử sơ thẩm, tuyên Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường 615 triệu đồng cho việc ông Dũng bị ngồi tù oan, nhưng ông Dũng không đồng ý nên đã nộp đơn kháng cáo bản án.
Liên quan đến vụ án oan sai này, Báo Thanh Niên vừa có loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất nói về việc 8 người bị bắt oan và bi kịch “tan cửa nát nhà” của họ sau khi ra tù. Loạt bài cũng nêu lên sự vô cảm của cơ quan công quyền ở Tây Ninh, cụ thể ở đây là Viện KSND tỉnh Tây Ninh dù có yêu cầu nhưng với lý do “chưa tìm thấy”, đã không giải quyết, cung cấp quyết định đình chỉ vụ án cho 7 người còn lại để họ có chứng cứ đi khiếu nại, đòi quyền lợi cho mình. Loạt bài đã tạo được sự chú ý của dư luận, đại biểu Quốc hội và nhiều cơ quan liên quan.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan xác minh, làm rõ 7 người còn lại có bị khởi tố, bắt giam oan để xem xét, giải quyết theo đúng pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.