Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Đại biểu Quốc hội chất vấn Viện KSND tối cao

02/11/2018 04:31 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã gửi phiếu chất vấn của Phó trưởng đoàn chuyên trách Huỳnh Thanh Phương tới Viện trưởng Viện KSND tối cao về vụ án oan 40 năm của 8 người dân ở Tây Ninh.

[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng đã có văn bản đề nghị Viện KSND tối cao thực hiện kiểm tra lại để giải quyết cho người dân theo đúng quy định.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh, cho biết trong sáng 31.10 đoàn ĐBQH đã gửi phiếu chất vấn của ông đối với Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí về vụ oan sai liên quan đến 8 người dân mà Thanh Niên có loạt bài điều tra Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, thông qua Tổng thư ký QH. Ông Phương cũng giải thích, do vụ việc oan sai ở Tây Ninh không nằm trong nội dung chất vấn tại QH lần này nên ông không chất vấn trực tiếp Viện trưởng Viện KSND tối cao tại nghị trường mà gửi phiếu chất vấn.
Không thụ lý oan sai cho 7 người có thấu tình đạt lý?
Vụ việc này, cơ quan chức năng đã bắt giam 8 người hơn 3 năm, khi được trả tự do về địa phương thì cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình ly tán... Nay, đi khiếu nại đòi bồi thường thì vướng phải thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, rất mong Viện trưởng Viện KSND tối cao sớm cho ý kiến về vụ việc trên
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Nội dung phiếu chất vấn ĐB Phương cung cấp cho Thanh Niên nêu rõ, ngày 12.10.2018, ông đã trực tiếp nghe đại diện Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 - Quân khu 7 (gọi tắt là Ban Liên lạc) và ông Nguyễn Văn Dũng phản ánh các nội dung giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền về việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Dũng theo đơn kiến nghị ngày 8.10.2018.
Nội dung của Ban Liên lạc kiến nghị về trường hợp giải quyết vụ án oan sai “cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra tại H.Tràng Bảng, tỉnh Tây Ninh vào tháng 7.1979. Liên quan vụ án có 8 người cùng bị bắt, trong đó ông Nguyễn Thành Nghị đã qua đời.
Vụ án bị đình chỉ điều tra từ ngày 11.5.1983, cả 8 người đều được trả tự do, nhưng chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958) là có được quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 15/KSĐT-TA ngày 11.5.1983). Do đó, hiện nay chỉ ông Nguyễn Văn Dũng có cơ sở đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại, vụ việc đã được Tòa án nhân dân H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh xét xử (Bản án số 55/2018/DS-ST ngày 12.9.2018 - đang bị kháng cáo), 7 trường hợp còn lại cơ quan chức năng không thụ lý do không cung cấp được quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
Từ đó, ông Phương đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết: Vì sao chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, còn 7 người thì không; việc không chấp nhận thụ lý yêu cầu bồi thường của 7 trường hợp còn lại trong cùng một vụ án có thấu tình đạt lý? Quan điểm của Viện trưởng Viện KSND tối cao giải quyết vụ việc này như thế nào?
“Vụ việc này, cơ quan chức năng đã bắt giam 8 người hơn 3 năm, khi được trả tự do về địa phương thì cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình ly tán... Nay, đi khiếu nại đòi bồi thường thì vướng phải thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, rất mong Viện trưởng Viện KSND tối cao sớm cho ý kiến về vụ việc trên”, nội dung phiếu chất vấn nêu rõ.
Đã gửi kiến nghị nhưng chưa thấy Viện KSND tối cao trả lời
“Nếu nhận được chất vấn, tôi sẽ trả lời”
Chiều 31.10, trả lời PV Thanh Niên bên hành lang QH, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết hiện ông chưa nhận được chất vấn của ĐBQH. “Nếu nhận được chất vấn, tôi sẽ trả lời”, ông Trí khẳng định.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Văn Luật cũng cho biết Ủy ban Tư pháp đã nhận được thông tin về vụ oan sai này và đã có văn bản đề nghị Viện KSND tối cao tiến hành kiểm tra lại để giải quyết cho người dân theo đúng quy định. “Tuy nhiên, tới nay Viện KSND tối cao vẫn chưa trả lời”, ông Luật cho biết.
Trong văn bản gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao mà ông Luật cung cấp cho Thanh Niên, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, theo phản ánh của báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Thạnh, H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh bị bắt, khởi tố về tội cướp tài sản và bị tạm giam từ tháng 7.1979. Ngày 11.5.1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định đình chỉ điều tra vì ông Dũng không có hành vi phạm tội.
Ông Dũng đã yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh vẫn chưa bồi thường dứt điểm cho ông Dũng. Bên cạnh đó, cùng với ông Dũng còn có 7 người khác là người thân của ông Dũng cũng bị tạm giam, được trả tự do theo quyết định của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, cho đến nay những người này mặc dù đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được bồi thường vì lý do không có quyết định đình chỉ của Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm căn cứ để xem xét bồi thường. Theo trình bày của đương sự thì Công an xã Đôn Thuận đã thu hết giấy tờ, trong đó có quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp QH đề nghị Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo kiểm tra, xem xét quá trình giải quyết vụ việc của ông Nguyễn Văn Dũng và những người có liên quan ở Tây Ninh, đảm bảo quyền lợi của người bị oan, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của QH.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Luật cho hay tất cả những vụ liên quan đến oan sai theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì trách nhiệm của cơ quan nào, cơ quan đó phải thực hiện theo đúng quy định của luật. “Những vụ việc mà báo chí đã lên tiếng hoặc đương sự có yêu cầu thì Ủy ban Tư pháp khi nhận được thông tin sẽ yêu cầu các cơ quan trong phạm vi chức năng của mình phải kiểm tra lại để chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm. Nếu liên quan đến Viện KSND các cấp thì đề nghị Viện KSND tối cao chỉ đạo kiểm tra xem xét tất cả các hồ sơ lưu từ trước tới nay và trên cơ sở trình bày của đương sự để xác minh”, ông Luật nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.