Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất: Buộc Viện KSND bồi thường ông Nguyễn Văn Dũng 615 triệu đồng

20/11/2018 06:14 GMT+7

Dù HĐXX phúc thẩm giữ nguyên mức bồi thường 615 triệu đồng của TAND H.Gò Dầu đưa ra, nhưng diễn biến phiên tòa mở ra hướng đòi quyền lợi cho 7 nạn nhân oan sai còn lại.

Có thể tách 7 người bị oan sai ở một vụ kiện khác
[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
Ngày 19.11, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Văn Dũng (ở ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, H.Gò Dầu, Tây Ninh), một trong 8 người bị oan sai trong vụ án cướp vàng năm 1979, kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh về “tranh chấp về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Đại diện Viện KSND tỉnh tiếp tục “né tránh”
7 người bị bắt cùng ông Dũng cũng có người thân, họ hàng. Họ bị bắt, bị oan cũng đã chịu nhiều đau khổ, đắng cay nên cũng cần được phán quyết, xét xử một cách rõ ràng, đàng hoàng
Thẩm phán Nguyễn Văn Tòng
Trước đó, ông Dũng nộp đơn kháng cáo đề nghị phiên tòa phúc thẩm bác bản án của tòa sơ thẩm tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường số tiền hơn 615 triệu đồng; yêu cầu phiên tòa phúc thẩm phải đưa quyền lợi của 7 người bị bắt oan trong vụ cướp vàng cách đây gần 40 năm vào vụ án kiện của ông vì đây là những người có liên quan. Ngoài ra, trong đơn kháng cáo, ông Dũng khẳng định phiên tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi không triệu tập những người liên quan gây ra “thảm án oan sai” như Công an H.Trảng Bàng, cơ quan tố tụng Tây Ninh tới đối chất ở tòa; yêu cầu giám định sức khỏe của ông Dũng để làm căn cứ bồi thường...
Tại phiên phúc thẩm, nhiều luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn chất vấn ông Thân Văn Danh, đại diện của bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh, về việc Viện KSND tỉnh nhanh chóng đồng ý thương lượng với ông Dũng trong việc bồi thường, về 7 người còn lại bị bắt trong vụ án oan sai vì sao Viện KSND tỉnh Tây Ninh không trích lục hồ sơ vụ án... Tuy nhiên, ông Danh thay vì trả lời đúng trọng tâm câu hỏi thì lại chỉ trả lời những vấn đề liên quan đến ông Dũng hoặc đề nghị tòa phúc thẩm “giải quyết vụ việc theo pháp luật”.
Ông Dũng nêu yêu cầu tại phiên tòa
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn, nhấn mạnh trên thực tế 7 người còn lại bị oan sai và là một phần của vụ án, được ông Dũng đưa vào đề nghị trong đơn khởi kiện và kháng cáo. “Nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh không đề cập đến 7 bị can này và cũng không cấp, trích lục quyết định đình chỉ vụ án thì họ lấy đâu cơ sở, căn cứ để đi đòi quyền lợi cho mình”, luật sư Phúc đặt vấn đề và cho rằng cách Viện KSND tỉnh “né tránh” 7 bị can này cũng giống như cách giải quyết với ông Dũng trước đây, khi ông Dũng yêu cầu nơi này thụ lý vụ việc. “Trước đây, với lý do “hết thời hiệu”, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cũng từ chối thụ lý đơn của ông Dũng, phải đến khi Viện KSND tối cao có ý kiến thì Viện KSND tỉnh mới giải quyết vụ việc của ông Dũng”, luật sư Phúc nói.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND H.Gò Dầu, buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường ông Nguyễn Văn Dũng 615 triệu đồng.
Yêu cầu cấp lại quyết định đình chỉ vụ án cho 7 người
Đáng chú ý, trong phần tranh luận, thẩm phán Nguyễn Văn Tòng hỏi ông Nguyễn Văn Dũng được trả tự do ngày nào? Ông Dũng trả lời ngày 17.5.1983. Ông Tòng tiếp tục hỏi: Vậy 7 người còn lại trong vụ án có được thả cùng ông không và ông Dũng trả lời: “Thả tự do cùng ngày nhưng khác buổi, 7 bị can được thả tự do buổi sáng còn tôi được trả tự do buổi chiều”. Khi được trả tự do, ông có nhận được quyết định nào không, thẩm phán hỏi, ông Dũng trả lời trong sự xúc động: “Khi được thả tôi chỉ muốn chạy ngay khỏi nhà tù. Tuy nhiên, ra đến cổng tôi nhớ là mình không có nhà để về, tôi phải về đơn vị để trình báo. Vậy tôi lấy gì để trình báo. Tôi quay lại hỏi cán bộ trại giam quyết định thả tự do. Vì lý do này mà tôi có quyết định đình chỉ vụ án”.
Đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh tại tòa
Sau câu trả lời của ông Dũng, thẩm phán Nguyễn Văn Tòng phân tích: “7 người bị bắt cùng ông Dũng cũng có người thân, họ hàng. Họ bị bắt, bị oan cũng đã chịu nhiều đau khổ, đắng cay nên cũng cần được phán quyết, xét xử một cách rõ ràng, đàng hoàng chứ không phải chỉ ăn ké vào vụ án của ông Dũng. Nếu 7 người này chưa có quyết định đình chỉ vụ án thì phải yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp lại quyết định để được xét xử riêng”.
Sẽ tính việc đề nghị giám đốc thẩm
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho hay ông Dũng và các luật sư sẽ tính toán việc đề nghị giám đốc thẩm. Theo luật sư Phúc, dù phiên tòa phúc thẩm kết quả không như ý muốn nhưng việc Viện KSND tỉnh Tây Ninh công nhận oan sai và chấp nhận bồi thường cho ông Dũng sẽ thuận lợi hơn cho việc đòi quyền lợi cho 7 “bị can” còn lại. Thứ nhất, 7 người này chắc chắc sẽ được áp dụng theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017. Thứ hai, việc thương lượng bồi thường giữa 7 người với cơ quan tố tụng sẽ linh hoạt hơn. “Với bản án đã áp dụng với ông Nguyễn Văn Dũng chứng tỏ những trường hợp bị oan như ông Dũng sẽ phải được giải quyết. Không cớ gì đều bị oan sai như nhau mà ông Dũng được chấp nhận bồi thường mà những người kia không được giải quyết. Tất nhiên, việc giải quyết sẽ dựa trên cơ sở pháp lý”, luật sư Phúc nhấn mạnh.
Thông tin PV Thanh Niên nắm được, sau khi Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan làm rõ 7 người còn lại có bị khởi tố, bắt giam oan để xem xét, giải quyết theo đúng pháp luật, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã cử người về địa phương xác minh vụ việc, nhân chứng liên quan.
Đoàn tụ tại tòa sau 40 năm ly biệt
Phiên tòa vừa diễn ra vài người thân dắt ông Hồ Long Chánh (nạn nhân oan sai trong vụ án cướp vàng bị bắt năm 1979 tại xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng, Tây Ninh) vào hàng ghế cuối, bên cạnh là một cô gái khoảng 40 tuổi. “Con gái ông đấy”, một người thân đặt tay ông lên vai cô gái khiến ông ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Trong khi đó, bờ vai cô gái rung lên, nước mắt giàn giụa, không dám ngẩng lên nhìn mặt ông Chánh.
Cô gái đó là Nguyễn Thị Tuyết, đứa con mà vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan mang thai khi bị bắt vào tù trong vụ án này, tưởng đã chết sau khi sinh nhưng nhờ một gia đình công an tốt bụng cưu mang, nay còn sống.
Lúc này, người thân phải dẫn ông Chánh ra ngoài để nói to vào tai ông: “Khi đi tù cô Lan có bầu, đứa bé đó thật ra chưa chết. Chị ấy vừa ngồi cạnh chú đấy”. Ông Chánh ngẩn ngơ, bảo ngày ở tù, ông nghe nói con mình sau khi đẻ ra đã chết. Con chết, cả nhà bên vợ đi tù và mang tiếng là cướp khiến ông sợ về lại quê vợ sẽ chẳng còn đất dung thân, nên sau khi ra tù thì đi biệt. Từ đó tới nay, chưa một lần nào ông gặp lại bà Lan. Ông càng không bao giờ nghĩ trên đời mình còn một đứa con gái.
Phần bà Lan, những ngày ở tù luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang mang bầu đứa con của hai người mà lại nỡ khai oan khiến suốt những ngày tháng mang bầu bà phải sống trong ngục tù đau đớn. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau này bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời.
40 tuổi, lần đầu tiên ngồi lọt giữa ba và mẹ ngay trên băng ghế ở tòa, chị Tuyết chỉ biết lau nước mắt.
Sau cuộc đoàn tụ ở tòa, chúng tôi nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trong thái độ của cả chị Tuyết, ông Chánh và bà Lan. Lần đầu tiên bà Lan không gọi cái từ “Thằng Chánh” nữa mà gọi người chồng cũ là ông. Gặp lại người vợ sau 40 năm chưa nhìn lại một lần, chân run, đi một bước cũng phải có người dìu, ông Chánh đỡ lấy tay người vợ cũ mắt rưng rưng. Bà Lan không gạt tay chồng cũng giống một sự tha thứ. Tất cả hiểu lầm được xóa nhòa, nỗi đau nhói lên nhưng rồi nhanh chóng được xoa dịu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.