Mổ xẻ nguyên nhân sạt lở ở miền Trung

Mạnh Cường
Mạnh Cường
17/01/2021 06:16 GMT+7

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp, nhóm giải pháp thiết thực và giới thiệu những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao để phòng chống lũ quét, sạt lở đất...

Tại hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp, nhóm giải pháp thiết thực và giới thiệu những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao để phòng chống lũ quét, sạt lở đất...

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Cũng tại hội thảo (do Tổng hội Xây dựng VN phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 16.1 tại TP.Hội An), TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên, cho rằng nguyên nhân sạt lở xảy ra tại Quảng Nam là do sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong năm 2020 xảy ra 20 trận lũ quét, sạt lở đất diễn ra khắp cả nước làm 131 người chết và mất tích, 89 người bị thương. Trong đợt bão, mưa lũ liên tiếp tháng 10.2020, khu vực miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng với 111 người chết, mất tích, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng. Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt...
Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng… là các yếu tố chính.
Theo TS Tuấn, kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu sạt lở đất năm qua tại Quảng Nam đã chỉ rõ mưa lớn kéo dài, độ dốc địa hình và điều kiện địa chất là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, phần lớn xảy ra vào mùa mưa. Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất diễn ra thường xuyên ở khu vực vùng núi của tỉnh Quảng Nam. Thời gian xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa và số lần xuất hiện có xu hướng tăng…
Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại, TS Tuấn đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao tính chính xác của công tác cảnh báo, cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao.
Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét, sạt lở đất; đồng thời đề cập phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vực miền Trung…
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu. Hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...”, ông Dũng nói.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bên cạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến cũng cần vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm, tri thức của cư dân bản địa, sự tham gia chủ động của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.