Mở luồng trinh sát Trường Sa

29/04/2016 06:19 GMT+7

Ngày 29.4.1975, quần đảo Trường Sa được giải phóng. Thắng lợi này nhờ rất nhiều vào các chuyến trinh sát của Hải quân VN từ nhiều năm trước. 41 năm sau ngày tiếp quản Trường Sa, chúng tôi đã gặp lại những người chỉ huy trinh sát thuở ấy.


Tàu C121 trong chuyến trinh sát Trường Sa, tháng 9.1971 và ông Trần Phấn hiện nay (ảnh dưới) - Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125 - M.T.H
Cựu trung tá Trần Phấn năm nay 71 tuổi, quê TP.Quy Nhơn, Bình Định, hiện ở đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ông kể đầu tháng 6.1970, khi đang là đại úy, Trưởng ban Tác chiến của đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân), ông nhận lệnh xuống tàu C121 làm thuyền trưởng, thực hiện nhiệm vụ trinh sát các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ TP.Hải Phòng, ông được xe com măng ca bịt kín của đơn vị chở ra Hạ Long, xuống thuyền bí mật ra chỗ neo tàu là hang Hố (nay là hang Trinh Nữ) ngoài vịnh Hạ Long để làm công tác chuẩn bị.
Nhìn trời, ngó biển tìm hướng đi
“Thời điểm ấy, các tàu của ta thô sơ đến mức đi biển chỉ tìm phương hướng bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Món này thì tôi rất quen thuộc, nên cấp trên cho tôi làm thuyền trưởng”, ông Trần Phấn nhớ lại. Mấy ngày đêm sau đó, bộ đội sơn con tàu thành màu trắng muốt như tàu du lịch để ngụy trang.
Ngày 17.6.1970, tàu C121 rời vịnh Hạ Long. Trên tàu, ngoài thuyền trưởng Trần Phấn, chính trị viên Đỗ Văn Sạn, thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Dũng, chính trị viên phó Nguyễn Kim Danh, còn có 14 thủy thủ và một số thuyền phó thực tập đi rèn luyện khả năng đi biển bằng phương pháp hàng hải thiên văn... “Từ Hạ Long chúng tôi tiến ra vịnh Bắc bộ, ra mũi Dông Dao (Hải Nam, Trung Quốc) theo luồng Hải Nam và từ đây xác định vị trí hải văn chính xác để xuống điểm đầu tiên là đảo Song Tử Tây. Ngoài mấy chấm trên hải đồ giấy, chúng tôi không biết Trường Sa ở đâu”, ông Phấn nói.
Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, mỗi ngày đo đạc thiên văn 3 lần, rút cục tàu C121 cũng tới gần đảo Song Tử Tây. Đúng lúc này, khu vực biển có bão, thuyền trưởng Phấn đành ra lệnh treo 2 quả cầu đen trên cột, báo hiệu tàu chết máy và thả trôi. Thêm 2 ngày đêm đo trăng đếm sao, tàu mới tiến lại gần đảo. “Tôi đang ngồi trong phòng thì cậu chiến sĩ trực canh chạy vào hổn hển báo cáo: Anh ơi! Phía trước có nhiều dãy ăng ten thông tin lắm. Hay là lạc vào bờ biển Philippines? Tôi quan sát kỹ qua ống nhòm và trấn an anh em: “Lá dừa vươn lên đấy. Đảo Song Tử Tây”, ông Phấn cười sảng khoái.
Dọc hành trình thăm dò luồng lạch qua các đảo, tàu C121 trinh sát rất kỹ đảo Thị Tứ bởi đảo này không người ở và rộng thứ 2 trong quần đảo, có nhiều dừa nước, cây cối và dễ tiếp cận đổ bộ. Ông Trần Phấn kể: “Xung quanh đảo, vích nằm lổm nhổm như đá tảng. Cỏ dại và chim biển giành nhau từng chỗ đứng trên bãi. Cũng chính vì mải ngắm đảo mà tàu chúng tôi bị mắc cạn, suýt nữa phải kéo nhau lên đảo chờ tàu cứu viện”.
Truy điệu sống trước khi đi
Kết quả trinh sát Trường Sa được chuyển lên Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng và hơn 1 năm sau (18.9.1971), tàu C121 (gắn số hiệu V621) lại nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Lần này công tác chuẩn bị kéo dài hơn 3 tháng và do Tiểu đoàn trưởng Võ Hán trực tiếp chỉ huy cùng một tổ công tác của đoàn 125. Ông Nguyễn Văn Thơm (lúc đó là thuyền phó), kể: “Sau hơn 20 ngày đêm trinh sát, lúc về gặp cơn bão lớn cấp 12 nên phải vào neo tránh ở đảo Tuyên Đức (Hoàng Sa) và ngày 14.10.1971 mới về bến”.
“Khi trinh sát Trường Sa, máy bay Mỹ liên tục theo dõi nhưng anh em vẫn bình tĩnh làm việc như đi tàu du lịch, nghiên cứu biển. Trước khi nhổ neo, đơn vị làm lễ truy điệu sống và mọi người chấp nhận quyết tử nếu bị địch tấn công, vây bắt. Trên tàu, luôn sẵn sàng 3 khẩu 12 li 7, 1 khẩu ĐKZ và các vũ khí khác, chỉ hất lưới là chiến đấu”, nguyên Trưởng ban Tác chiến đoàn 125 Trần Phấn cho biết. Ông Phấn nhấn mạnh: “Nếu không có trinh sát, ta không thể nhanh chóng tiếp quản Trường Sa vào thời điểm tháng 4.1975”.
Ngày 11.4.1975, trong đội hình 3 tàu (673, 674, 675) của đoàn 125 chở bộ đội đặc công xuất phát từ TP.Đà Nẵng ra Trường Sa làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo, trung úy Nguyễn Xuân Thơm được giao thuyền trưởng tàu mũi nhọn 673, dẫn đầu biên đội tiếp cận ra quần đảo và trực tiếp đổ bộ giải phóng đảo Song Tử Tây rạng sáng 14.4.1975. Những ngày sau đó, cũng chính trung úy Thơm chỉ huy tàu 673 chở bộ đội tiếp quản các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa... Ông Thơm trầm giọng: “Kinh nghiệm qua 2 chuyến trinh sát Trường Sa giúp tôi nhận dạng rõ các đảo, thông thuộc luồng lạch đi lại trong quần đảo và nhanh chóng đưa bộ đội tiếp quản”. Rồi ông Thơm nói giọng cương quyết: “Nếu cứ loay hoay tìm luồng lạch, tránh đá ngầm thì toàn quần đảo sẽ bị phía Trung Quốc chiếm giữ ngay sau đó. Chúng tôi tiếp quản rồi, mới thấy tàu treo cờ Trung Quốc lao đến và thấy cờ VN, họ loanh quanh dọa dẫm, không chiếm được mới bỏ đi”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.