Mô hình nào lý tưởng cho nông nghiệp? - Bài 1: Tích tụ tự phát tràn lan

13/12/2009 23:33 GMT+7

Các mô hình sản xuất nông nghiệp của VN hiện chưa cho năng suất cao, chất lượng thấp, giá thành sản xuất lớn... nên việc đi tìm một mô hình sản xuất lý tưởng là cấp thiết. Nghe đọc bài

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ nông dân sở hữu hơn 100 ha đất lúa, phổ biến nhất từ khoảng 30 - 40 ha. Mỗi công đất lúa (1.000m2) vùng này chuyển nhượng với giá lên tới 100 triệu đồng, trung bình thì 70 - 80 triệu đồng, nhưng không dễ để mua. Ở miền Bắc, đất nông nghiệp cũng đang được mua bán, chuyển nhượng sôi động. Tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất đang tự phát diễn ra trên khắp cả nước.

Trại tôm “cổ phần hóa”

Muốn nuôi tôm lời lớn, dĩ nhiên không thể chỉ với vài công đất. Tỉ phú nông dân xứ Bạc Liêu, ông Võ Hồng Ngoãn, hơn 10 năm trước chỉ có trong tay 3 ha đất. Tiền của tích cóp được bao nhiêu từ con tôm, ông Ngoãn đều dồn hết vào chuyện mua đất để mở rộng đầm tôm. Bây giờ thì ông có 25 ha, nhưng hầu hết đều do người thân đứng tên chủ quyền. Chưa hài lòng với diện tích đó, ông Ngoãn kêu gọi 5 người khác góp vào 25 ha đất nữa để thành lập một tổ hợp tác nuôi tôm có tổng diện tích mặt đầm lên tới hơn 50 ha. Công việc nuôi trồng, kinh doanh, quản lý trại tôm... đều do ông Ngoãn chịu trách nhiệm. Những “cổ đông” kia không tham gia trực tiếp vào công việc, chỉ góp vốn bằng đất đai. 

Ở đây, có thể nói luật của ta đã buộc nông dân nói dối

TS Vũ Trọng Khải, trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2

Thuận lợi nhiều, nhưng trại tôm này không được ông Ngoãn phát triển thành một doanh nghiệp, nó chỉ tồn tại dưới dạng một trại tôm “cổ phần hóa”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trại tôm không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Ngoài các “cổ đông” sáng lập kể trên, còn nhiều “cổ đông” nhỏ khác là công nhân của trại tôm. Số công nhân này mua cổ phần bằng tiền thưởng hằng tháng, hằng năm và được chia cổ tức. Có năm, con tôm chất lượng ở trại tôm này mang về khoản lãi tới 5 - 7 tỉ đồng.

Ông Ngoãn kể, vùng đất chân nước mặn ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu được Nhà nước cấp cho mỗi hộ dân 1,5 ha. Nhưng vì khó khai khẩn, người dân lại thiếu vốn nên mang đất đi sang nhượng. Ông Ngoãn đã mua lại, đổ vốn cải tạo thành đầm tôm năng suất cao như hiện nay. 9 năm trước, 1 ha đất dọc theo đê biển có giá từ 4 - 8 triệu đồng, nhưng bây giờ đã gấp ba, gấp tư. Nông dân bán đất một phần vào làm việc cho các trại tôm, buôn bán nhỏ hoặc lên thành phố tìm việc khác.

Tích tụ kiểu “Vua lúa”

Nông dân trồng lúa là những người tích tụ được nhiều ruộng đất nhất. Ở An Giang, “Vua lúa” Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) đang canh tác lúa trên diện tích hơn 120 ha. Trong đó, 70 ha là đất mua, còn thuê 50 ha. Để tránh quy định của Nhà nước về quyền sử dụng đất trên mỗi hộ dân, ông Đức đã nhờ hàng chục người thân, bà con đứng tên giùm. Vùng đất giáp biên này thời điểm trước năm 1996 vẫn còn hoang hóa và nhiễm phèn nặng, được dân kinh tế mới khai hoang, nhưng chỉ sau vài vụ là nản chí, bán lại cho người khác.

Gia đình ông Đức về Lương An Trà vào khoảng năm 1997, đã bỏ tiền gom đất, một công chừng 700.000 - 800.000 đồng. Để sản xuất quy mô lớn, “Vua lúa” đầu tư máy móc thiết bị cơ giới trên 2 tỉ đồng. Chẳng hạn, ông là người đầu tiên ở miền Tây sử dụng máy san ruộng điều khiển bằng tia laser, công nghệ của Mỹ. Việc áp dụng cơ giới hóa vào ruộng lúa đã giúp ông Đức hạ chi phí sản xuất trung bình 20 triệu đồng/ha trong vùng xuống chỉ còn 15 triệu đồng, lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Từ vùng đất mới khai hoang, một ha lúa ở Lương An Trà giờ cho năng suất 7,5 tấn/ha vụ đông  - xuân; 6 tấn/ha vụ hè - thu. “Muốn sản xuất có lãi, năng suất cao, nhất thiết phải ứng dụng cơ giới hóa. Mà đã cơ giới hóa, phải cần có diện tích lớn. Ngay 70 ha đất ruộng của tôi, vẫn không thể sử dụng hết công suất của máy móc đã đầu tư. Nên phải mướn đất thêm”, ông Đức giãi bày. “Nhà nước khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, nhằm tăng năng suất, hạ giá thành... Nhưng Nhà nước phải có chính sách đất đai thoáng hơn, chứ manh mún như vầy làm sao kêu gọi sản xuất quy mô được, đôi khi một cánh đồng mà có tới mấy chục giống lúa”, ông Đức lắc đầu.

Những người nông dân kinh tế mới trước đây bán đất cho ông Đức một phần về lại quê cũ, một phần bám lại Lương An Trà làm đủ thứ công việc khác nhau, trong đó có người làm thuê trên cánh đồng lúa của ông Đức. Theo ông Đức, chuyện mua đất lúa ở ĐBSCL giờ đây không dễ, vì nhiều người có nhu cầu, nên giá đất được đẩy lên rất cao. Những vùng đất tốt như Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn... (An Giang) giá một công đất dao động 70 - 80 triệu đồng, thấp nhất là 40 triệu đồng/công, cao nhất có khi lên tới 100 triệu đồng. Nhiều người kẹt tiền, bán 5 - 7 công đất, mua cũng được, nhưng không thể hình thành vùng sản xuất quy mô. Hiện tại, muốn mua đất trên diện tích rộng, phải vào vùng sâu vùng xa, nơi đất còn hoang hóa.

Ai được, ai mất?

Ở miền Bắc, với đặc điểm đất nông nghiệp hạn chế, người dân “khư khư” giữ ruộng, không bán. Nhưng nhiều nông dân, chẳng hạn nông dân ở Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh cũng đã “nghĩ lớn” bằng cách thuê đất của người làng để trồng rau, hình thành vùng chuyên canh bán sản phẩm cho các siêu thị ở Hà Nội. Người dân cho thuê đất xong, nhận tiền một cục, rồi lại đi làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình. Có người lặn lội xa quê làm nghề khác.

TS Vũ Trọng Khải, trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2, cho rằng nông dân tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu để đi lên sản xuất quy mô lớn, mang lại hàng hóa chất lượng cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, vì chính sách “hạn điền” nên nông dân lách luật, tích tụ đất “chui”, tự phát một cách tràn lan. “Ở đây, có thể nói luật của ta đã buộc nông dân nói dối”, TS Khải nói. Hơn nữa, người nông dân gặp rất nhiều rủi ro trong việc sang nhượng đất đai bằng giấy tay hoặc nhờ người thân, người quen đứng tên. Trong trường hợp chia lại đất đai, những người lâu nay với khát vọng làm giàu từ nghề nông sẽ phải vướng nhiều thủ tục làm lại giấy tờ đất đai phiền phức.

Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất của ông Ngoãn, ông Đức, hay những hộ nông dân ở làng Phù Chẩn... là không bền vững. Bởi họ mua đứt bán đoạn đất sản xuất, hoặc thuê trọn đất của dân, nhưng các vấn đề phát sinh về chuyện người dân bán đất hay cho thuê đất ấy đã làm nghề gì, đi đâu? Bao nhiêu người mất đất giàu lên hay phải lang thang tìm kế sinh nhai khác khi đồng tiền bán đất cũng sẽ cạn? Ai được ông chủ mới cưu mang khi tất cả đã được cơ giới hóa? Hậu quả của tích tụ tự phát tràn lan là gì?... Mô hình sản xuất nào sẽ giải quyết được tất cả những mâu thuẫn này?

Người nông dân sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu có mô hình sản xuất thích hợp - Ảnh: D.Đ.M

Thực tế, người nông dân ở VN chưa có nhu cầu và khả năng để hợp tác, bởi họ không có nhiều đất, đồng nghĩa với việc không làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Tích tụ ruộng đất mới tạo ra những trang trại lớn, mới có nhu cầu và khả năng thành lập HTX mạnh. Tuy nhiên, với những khiếm khuyết cơ bản của mô hình HTX, thì khó có thể nói nó sẽ trở thành một mô hình sản xuất lý tưởng.

Còn trang trại hộ gia đình, với nhiều hình thức như trang trại tư nhân, trang trại hợp danh, trang trại cổ phần, trang trại Nhà nước... yếu điểm là không có những chủ trang trại thật sự được đào tạo bài bản. Họ làm được chủ yếu nhờ liều lĩnh và trải qua những kinh nghiệm thất bại.

TS Vũ Trọng Khải cho rằng, phải hình thành được hai loại hình trang trại gia đình quy mô lớn và trang trại tư nhân không có cấp quản lý trung gian. Bởi đây chính là lực lượng sản xuất hàng hóa lớn của đất nước. Còn mô hình trang trại nhà nước - chính là các công ty, tổng công ty, tập đoàn, chẳng hạn như Tổng công ty chè VN, Tổng công ty dâu tằm tơ... đã thất bại do không thành công trong mô hình sản xuất qua quá nhiều tầng lớp.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.