Mở đường sông cho tàu biển

12/12/2007 22:29 GMT+7

TP.HCM chuẩn bị làm lễ thông luồng sông Soài Rạp. Không bao lâu nữa, những chiếc tàu biển lớn đầu tiên sẽ chạy trên con sông này.

Để làm được điều kỳ diệu này, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) và Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận đã có nhiều tháng trời nghiên cứu và nạo vét thử nghiệm luồng sông Soài Rạp trong thời gian qua. Tiến sĩ Nguyễn Tân Tường, kỹ sư trưởng của Portcoast, người trực tiếp tham gia nghiên cứu nạo vét luồng Soài Rạp cho biết: Nếu để như hiện trạng, sông Soài Rạp chỉ có thể cho phép tàu có tải trọng 5 ngàn tấn (5.000 DWT) lưu thông. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP.HCM đã giao cho Công ty Tân Thuận nạo vét, nâng cấp luồng Soài Rạp, đưa luồng tàu này xuống độ sâu âm 7 hải đồ, tức là độ sâu ở mực nước trung bình là 10m. Với độ sâu này, cho phép tàu biển 1 vạn tấn đi vào Hiệp Phước. Quá trình nghiên cứu nạo vét vẫn đang được tiếp tục, để trong tương lai có thể cho tàu 3 vạn tấn (30.000 DWT) có thể đi vào Hiệp Phước.

Dự án nghiên cứu nạo vét thử nghiệm luồng tàu sông Soài Rạp đã được thực hiện xong bước 1 trên toàn bộ luồng, với độ sâu tự nhiên là 7m, phục vụ cho tàu 10 ngàn tấn lưu thông. UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tiếp tục nghiên cứu nạo vét thử nghiệm luồng tàu trên sông Soài Rạp đến độ sâu 8,5m cho loại tàu 20 - 30 ngàn tấn lưu thông, và xa hơn nữa, ở độ sâu từ 11-12m cho tàu có trọng tải 50 ngàn tấn. Đây chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển hệ thống cảng tại khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Hiện nay, tại bờ tây sông Soài Rạp, một cảng container tầm cỡ quốc tế với tổng công suất đạt 1,5 triệu TEU/năm đang được xây dựng, do Công ty DP World Việt Nam đầu tư với tổng vốn khoảng 250 triệu USD. Đây là nhà đầu tư đầu tiên xây dựng một cảng container, theo thiết kế, trong tương lai có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 DWT.

Dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực TP.HCM có khả năng đạt 100 triệu tấn vào năm 2010. Như vậy, nhu cầu phát triển các cảng mới như cảng Hiệp Phước để đưa tàu lớn vào là nhu cầu bức thiết. Khi luồng Soài Rạp được nâng cấp, không chỉ có Hiệp Phước của TP.HCM, mà còn có Vàm Láng (Gò Công Đông, Tiền Giang) và Long An cũng có điều kiện phát triển.

Cùng với luồng Soài Rạp ở TP.HCM, việc đầu tư xây dựng một tuyến luồng cho phép tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long là cấp thiết. Tư vấn quốc tế hàng đầu đã nghiên cứu, lập dự án này và đề xuất lựa chọn phương án mở rộng luồng mới qua kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh). Dự án cũng đã được đơn vị tư vấn mạnh trong nước (PortCoast) đủ năng lực lập bổ sung, hoàn thiện; được đơn vị tư vấn thẩm tra dự án thống nhất và các nhà khoa học đồng thuận.

Luồng sông Lòng Tàu cho tàu biển vào các cảng ở Cát Lái (Q.2) và Nhà Bè là luồng tàu chính đang được khai thác ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, luồng này chỉ cho phép tàu có trọng tải đến 3 vạn tấn lưu thông. Nhu cầu lưu thông hàng hóa được dự báo sẽ tăng nhanh trong tương lai đã thúc đẩy TP.HCM phải tìm thêm luồng tàu mới. Trong khi đó, "sân sau" của TP.HCM là 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi được dự báo lượng hàng hóa lưu thông trong tương lai sẽ tăng đến vài chục đến cả trăm triệu tấn/năm. Hiện nay, 70-80% lượng hàng hóa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển bằng đường bộ, trung chuyển qua TP.HCM, tạo một áp lực rất lớn cho mạng lưới giao thông đường bộ ở khu vực Nam Bộ. Với hiện trạng giao thông đường bộ như hiện nay, nếu không có đường thủy nội địa và đường biển chia sẻ, thì khả năng quá tải trên mạng lưới đường bộ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Soài Rạp có thuận lợi là ở kế cạnh con sông Tiền. Từ sông Soài Rạp, có thể sử dụng sông Vàm Cỏ hoặc kênh Chợ Gạo để đi về Mỹ Tho, nối thẳng về đồng bằng sông Cửu Long. Bộ GTVT đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 tuyến đường thủy quốc gia từ TP.HCM về đồng bằng sông Cửu Long bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Hai tuyến đường thủy quốc gia này gần như kết nối với các trục giao thông thủy nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long. Và, khi có sự kết nối tốt giữa giao thông thủy nội địa với hệ thống cảng biển, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả TP.HCM và Nam Bộ.

M.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.